TTCT - Arturo Massolari làm ca đêm, công việc của anh chấm dứt vào 6 giờ sáng. Để về nhà, anh phải đi một quãng đường dài. Những khi trời đẹp anh đi bằng xe đạp, còn lúc mưa và những ngày đông thì phải dùng xe điện. Anh thường về đến nhà vào lúc 6 giờ 45 hoặc 7 giờ, nghĩa là trước hoặc sau tràng chuông báo thức mà vợ anh, cô Elide, đặt riêng cho mình. Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần Có hai tiếng động vang lên cùng lúc: tiếng chuông báo thức và tiếng chân của người chồng. Hai thứ tiếng động đó chồng chất trong đầu của Elide và chúng như dúi cô xuống trong khi cô vẫn còn muốn kéo dài thêm vài giây nữa với khuôn mặt áp sát vào gối. Rồi cô bước xuống giường, mắt nhắm mắt mở cho hai tay vào chiếc áo choàng, những sợi tóc phủ lòe xòe xuống mắt. Cô đi xuống bếp, thấy Arturo đang lấy từ túi xách ra các thứ mà anh mang đến xưởng: chiếc cà mèn đựng thức ăn, bình thermos và những chiếc hộp không để đặt chúng vào chậu rửa bát. Anh cũng vừa đốt bếp để pha cà phê. Cô muốn đưa hai tay lên che đầu và mở to mắt một cách bình thường, lần nào cô cũng xấu hổ cho cái hình ảnh đầu tiên mà chồng nhìn thấy ở mình mỗi khi anh bước vào nhà, đầu tóc cô luôn rối bù trên khuôn mặt ngái ngủ. Khi hai người ân ái thì là chuyện khác, những buổi sáng hiếm hoi ấy, khi thức dậy thì cả hai cùng phờ phạc như nhau và vẫn cùng cảm giác thiếu ngủ. Đôi lần Arturo bước vào phòng ngủ để lay thức vợ, anh còn mang cho cô tách cà phê nóng trước khi chuông báo thức reo; nhưng lúc đó mọi sự đều rất tự nhiên, vẻ nhăn nhó lúc cô thức giấc trông như một sự lười biếng ngọt ngào, cô ưỡn người, hai cánh tay trần duỗi ra và cuối cùng cô quàng vào cổ chồng một cách âu yếm. Họ ôm nhau. Arturo còn mặc trên người chiếc áo khoác và lúc anh đến gần, cô cảm nhận được hôm đó trời đang mưa hay sương mù nhiều, hay là đã có tuyết tùy vào hơi lạnh giá hay sự ẩm ướt trên người anh. Tuy vậy cô vẫn hỏi: “Thời tiết thế nào, anh?”, lúc ấy Arturo bắt đầu kể lể về những khó khăn đã gặp. Anh thường bắt đầu từ đoạn cuối: hành trình trên xe đạp, thời tiết khi vừa bước ra khỏi xưởng, nó khác với chiều hôm trước ra sao rồi những bực bội trong công việc và những chuyện ngồi lê đôi mách trong hãng... Vào giờ đó căn nhà chỉ vừa mới được sưởi ấm, Elide đang khỏa thân nhưng phải rùng mình bước vào phòng tắm. Sau đó Arturo cũng vào theo, bình tĩnh cởi đồ, chậm rãi kỳ cọ và chăm chú xóa những vết dầu trong xưởng máy. Cứ thế, cả hai trần truồng và lạnh lẽo, đứng quanh cái bồn rửa nhỏ xíu, thỉnh thoảng họ đụng chạm nhau, giật lấy cục xà phòng hay ống kem đánh răng và tiếp tục nói với nhau những điều cần nói; cũng có lúc họ giúp nhau kỳ lưng, khe khẽ vuốt ve và cuối cùng ôm lấy nhau một cách vội vã. Bất thình lình Elide kêu lên: “Chúa ơi!” rồi tất bật chạy đi mang vớ, mặc váy, vừa đứng soi mặt trước tấm kính trên bàn phấn vừa đưa bàn chải chạy lên chạy xuống trên mái tóc rối bù, hai hàm răng còn cắn chặt cái kẹp tóc. Arturo bước đến sau lưng vợ, đốt một điếu thuốc, nhìn vợ đang đứng bên mình, mỗi lần rít thuốc anh đều cảm thấy bối rối vì đứng đấy mà không biết phải làm gì. Cuối cùng Elide đã sẵn sàng, cô tròng vội lên người chiếc áo khoác, hôn vội chồng và mở cửa chạy nhanh xuống cầu thang. Còn lại một mình, Arturo theo dõi tiếng gót chân của Elide bước trên các bậc thang cho đến khi không còn nghe thấy và anh vẫn tiếp tục theo dõi bằng suy tưởng tiếng nhún nhảy vội vã trong sân, tiếng cửa chính của tòa nhà, tiếng chân thân thiết trên vỉa hè cho đến khi nó kết thúc ở bến xe điện. Riêng tiếng bánh sắt trên đường ray thì anh nghe rất rõ khi nó rít lên để dừng lại, và tiếng động khô khốc của bàn đạp khi có người leo lên. “May quá, cô ấy đã bắt kịp”, anh nghĩ và thấy vợ mình đứng chen chúc giữa đám công nhân đông đảo, nam và nữ, trên chiếc xe số 11 đang chở họ đến nhà máy như mọi ngày. Anh dụi tắt điếu thuốc, đứng lên khép hai cánh cửa sổ, căn hộ tối sầm lại và anh đi vào phòng. Chiếc giường ngủ vẫn như lúc Elide đứng dậy, nhưng về phần giường của mình, Arturo thấy nó vẫn nguyên như vừa mới trải ra. Leo lên giường, anh nằm ngay ngắn ở phần mình, lát sau lại thò một chân qua phía bên kia, nơi có hơi ấm của vợ, sau đó anh còn thò thêm chân kia nữa... và cứ thế dần dần anh lăn toàn thân sang phần giường của vợ, trong cái hơi ấm ngọt ngào được giữ lại ở cái chỗ lõm có hình dạng của thân hình Elide. Anh áp má vào chiếc gối của vợ để cảm nhận rõ rệt mùi thơm của cô và thiếp dần vào giấc ngủ. Buổi chiều, khi Elide trở về nhà, cô thường thấy Arturo đốt lò sưởi và nấu nướng cái gì đó. Anh thường làm một vài việc trước bữa cơm chiều, ví dụ như trải lại giường nằm, quét dọn chút đỉnh hay ngâm quần áo để chờ vợ về rồi giặt luôn thể. Cô biết chồng mình cẩu thả và ít quan tâm đến những việc này. Những gì anh làm thật ra chỉ để đánh lừa thời gian trong lúc chờ vợ về, như để giúp vợ chút ít khi anh vẫn còn ở nhà; trong lúc bên ngoài đèn đường đã bật sáng và vợ đang hối hả đi từ cửa tiệm này sang cửa tiệm khác trong sự nhộn nhịp khác thường vì đó là thời điểm các bà nội trợ vắt chân lên để mua sắm những thứ cần thiết cho bữa cơm chiều. Trước khi cô vợ cảm thấy những biểu hiện đó thì Arturo đã căng tai nghe ngóng tiếng chân từ xa, tiếng vang trên cầu thang đã hoàn toàn khác tiếng động hồi sáng. Lúc này chúng trở nên nặng nề một cách xót xa sau một ngày ở xưởng mà còn phải mang xách những túi thức ăn vừa mua. Anh mở cửa, đỡ lấy các thứ cho vợ rồi cả hai cùng bước vào nhà và trò chuyện. Chưa kịp cởi áo khoác, cô vợ đã ngồi phịch xuống chiếc ghế trong nhà bếp trong khi chồng lấy thức ăn từ túi xách ra. Chỉ một lát, Elide kêu khẽ: “Thôi, làm cái gì đi!”. Vừa nói cô vừa đứng lên, cởi áo khoác và thay quần áo mặc trong nhà. Cô bắt đầu nấu bữa ăn tối cho hai người, sau đó chuẩn bị bữa ăn nhẹ để chồng mang vào nhà máy cho giờ giải lao lúc 1 giờ khuya và bữa điểm tâm cho mình để mang theo vào sáng hôm sau. Ngoài ra cô còn phải sửa soạn bữa cơm để ở nhà cho chồng vào trưa ngày mai lúc anh thức dậy. Elide làm, thỉnh thoảng cô ngồi nghỉ vài giây trên chiếc ghế mây trong nhà bếp và nói chồng làm giúp vài việc gì đó. Nhưng Arturo chỉ đi quanh quẩn, có lẽ anh cũng muốn làm tất cả mọi việc ấy, nhưng lơ đãng, đầu óc bỏ tận đâu đâu. Trong những lúc như vậy, hai vợ chồng bỗng nói với nhau những lời bực tức bởi cô vợ muốn chồng chú ý hơn, tập trung hơn hay gần gũi với mình hơn, đến gần bên mình, an ủi mình nhiều hơn. Nhưng anh chồng, sau lúc phấn khởi vì vợ đã về nhà, đầu óc anh thả rông ra ngoài, anh muốn mọi việc được làm sớm vì anh cũng sắp phải đi làm. Khi dọn thức ăn lên bàn, tất cả luôn trong tầm tay để cả hai khỏi phải đứng lên nữa, cũng chính là lúc cả hai thấy thấm thía vì có quá ít thời gian để sống gần nhau, buồn đến nỗi không ai đưa nổi muỗng thức ăn lên miệng. Họ chỉ muốn ngồi đó mà nắm tay nhau. Dường như tách cà phê chưa kịp uống cạn thì anh chồng đã đứng sau chiếc xe đạp, kiểm tra xem có còn thiếu thứ gì không. Họ ôm nhau, sự mâu thuẫn chết tiệt, bởi vì hình như lúc đó Arturo mới cảm nhận hết sự ấm nóng của thân thể vợ. Anh vác lên vai chiếc xe đạp và cẩn thận bước xuống cầu thang. Elide đứng rửa chồng chén bát. Cô nhìn từ đầu đến cuối những việc nhà mà chồng làm khi cô vắng mặt rồi khe khẽ lắc đầu. Bây giờ thì anh ấy đang đạp xe trên một con đường tối tăm, có những cột đèn thưa thớt. Có thể anh đã đi qua khỏi trạm ga. Elide tắt đèn, đi ngủ. Từ phần giường của mình, cô đưa một chân về phía chồng để tìm hơi ấm, nhưng mỗi lần như thế cô đều nhận thấy nơi mình nằm là ấm nhất, dấu hiệu là Arturo cũng đã ngủ ở chỗ này. Cô nằm co vào chỗ lõm sâu ấy, lòng dấy lên niềm thương cảm vô bờ cho cả hai người, cảm giác ấy đẩy dần cô vào giấc ngủ mỏi mệt và thiếu vắng quen thuộc. Thật ra ở đôi vợ chồng này không có cuộc phiêu lưu nào theo ý nghĩa thông thường. Họ là những công dân công nghiệp, vợ chuẩn bị đi làm thì chồng về đến nhà và ngược lại, cứ thế trong căn hộ của họ như có hai chiếc đồng hồ, trong đó một chiếc phải chạy ngược để cả hai vẫn được chạm vào nhau mỗi ngày trong chóng vánh, tức tưởi. Nếu họ có phiêu lưu như tác giả quả quyết thì chính là sự phiêu lưu của dắt díu mưu sinh, để rồi lúc nào họ cũng chỉ được nằm một mình trên chiếc giường chung, người này đặt lưng xuống chỗ lõm còn hơi ấm của người kia và cứ thế tồn tại một đời sống vợ chồng lệch giờ, kỳ quặc. Câu chuyện viết từ bối cảnh của thập niên 1950 nhưng không xa lạ hay lạc hậu. Dự đoán đến thập niên 50 của thế kỷ 21 này sẽ có 70% cư dân thế giới sống tập trung ở thành phố, chao ơi, nghĩa là sẽ có vô số những đôi vợ ngày chồng đêm. Phải công nghiệp hóa để giàu có và hội nhập nhưng mặt trái của sự bùng nổ ấy là vậy đó, là những tiếng thở dài ngấm tận vào trong mà các bạn trẻ của chúng ta đang và sẽ phải chịu đựng. Giản dị, nhân hậu và giàu hình ảnh, đó chính là sức mạnh của truyện ngắn nhẹ nhàng này, chính vì vậy mà dịch giả Trương Văn Dân, một Việt kiều đứng tuổi sinh sống ở Ý từ năm 1971 đến nay, chọn dịch. Italo Calvino (1923-1985) là nhà văn lớn của Ý, tác giả nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn, viện sĩ danh dự Viện hàn lâm Nghệ thuật & văn chương Hoa Kỳ. Tags: Truyện ngắn TTCTDẠ NGÂN
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài Truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.