Truyện ngắn" "Cuộc gọi bất ngờ"

PHAN NGỌC DIỄM HÂN 15/06/2018 03:06 GMT+7

Tôi không phải là người mê tín, nhưng cũng chẳng phải kẻ vô thần. Tôi thấy lòng bỗng hoang mang, trống trải...

Minh họa: Bảo
Minh họa: Bảo

Điện thoại đổ chuông dồn dập khi tôi đang ăn bữa trưa trong tâm trạng nhạt nhẽo như thường lệ. Tôi hơi ngạc nhiên vì đã lâu rồi, tôi không hề nhận được điện thoại hay tin nhắn vào lúc giữa trưa. Tin nhắn thường đến vào khoảng 9 giờ mỗi sáng, khi vợ tôi đã yên vị trong văn phòng sau một màn [tôi phỏng đoán] ăn sáng, cà phê, tán gẫu đầu giờ với những đồng nghiệp nhiều lời về tất cả những chủ đề linh tinh. Vợ tôi sẽ nhắn tin hỏi tôi đã đưa con trai đến trường chưa? Ghé siêu thị mua đầy đủ các thứ cô ấy đã dặn chưa? Nhớ bỏ quần áo dơ vào máy giặt và quét lau nhà cửa cho sạch sẽ. Tôi nhắn lại “Ừ” cho cô ấy nắm được tình hình. Đến 4 giờ chiều, tôi sẽ tiếp tục nhận một tin nhắn nữa, cũng từ vợ tôi. Cô ấy nhắc tôi đi đón con, cắm nồi cơm điện, cắt rửa sẵn thịt cá rau các thứ... để khi cô ấy về nhà là có thể bắt tay ngay vào việc nấu bữa tối của cả nhà. Tôi lại gửi cho vợ một biểu hiện vâng lời: Ừ. Thế là tôi sẽ trôi qua một ngày yên ổn.

Các cuộc điện thoại và tin nhắn hỏi han, bù khú... thưa dần sau gần một năm tôi thất nghiệp nằm nhà. Thêm phần tôi tự ái vì tình trạng của mình, không bao giờ muốn tìm cách liên lạc với ai. Khi cần thiết, vợ tôi sẽ làm điều đó cho cả hai người. Đến khoảng ba tháng gần đây thì có vẻ đã hoàn toàn chấm dứt. Tôi tự hỏi, nếu giờ tôi đột nhiên biến mất khỏi cõi đời, chắc chỉ có vợ tôi là quan tâm thôi, vì mỗi ngày cô ấy sẽ không biết gửi hai cái tin nhắn lúc 9 giờ sáng và 4 giờ chiều cho ai. Ai sẽ giúp cô ấy dọn dẹp nhà và làm phụ bếp? Con trai tôi sẽ thiếu tay xe ôm quen thuộc đưa nó đến trường và đón về mỗi ngày. Còn ngoài ra, chắc sự cố mất tích của tôi sẽ chỉ tương đương sự kiện người ta quăng một hòn sỏi xuống nước, mặt nước lay động nhẹ sau một tiếng “chủm” nhỏ khan, rồi thì tĩnh lặng.

Sững người vì tiếng chuông điện thoại bất ngờ giữa trưa, tôi chậm chạp đẩy đĩa cơm trượt ra xa một chút, với tay bấm nút nghe, vừa cất tiếng “alo” vừa vội vơ miếng khăn giấy chùi chút nước chấm văng trên mặt bàn (vợ tôi vốn ưa sạch sẽ). Một giọng lạ hoắc và nặng nề, mang âm ngữ của những người có gốc gác từ miền Bắc vang lên:

- Xin lỗi, anh có phải là anh Lâm?

- Phải, tôi là Lâm đây.

- Anh là bạn học cùng quê với cô Cầm phải không?

- Đúng, chúng tôi là bạn.

- Tôi là người thân của Cầm, tôi sống ở Sài Gòn. Tôi hỏi thăm thế này có phần hơi mạo muội, nhưng tôi xin hỏi mấy ngày nay Cầm có về quê hay anh có tình cờ gặp hoặc nghe tin tức gì về cô ấy không?

Tôi lặng đi một chốc, thoạt tiên, chưa biết phải trả lời làm sao cho câu hỏi đột ngột của người đàn ông lạ đang trò chuyện với mình.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------

Đêm hôm kia, sau nhiều năm bặt tin tức, tự dưng tôi nằm mơ thấy Cầm.

Như không hề có 25 năm trôi qua. Bến đò mà ngày ngày Cầm và tôi - những đứa học trò huyện ngồi chờ đò để qua sông đi học ở trường thị xã - vẫn trong ngăn ngắt. Dọc bờ sông vẫn là những vựa cát, vựa tràm, vựa lá... Cát cao thành đống, tràm chất cao quá mấy lần đầu, tiếng chằm lá nghe rong róc vui tai. Ngay sát bến đò, mấy viên gạch lót đường được thủy triều bào rửa từng ngày đỏ au, trơn nhẵn. Nhìn xuống mép nước thấy cây gòn đổ bóng. Tùy thời gian và mức nắng trong ngày mà bóng cây gòn in xuống nước sẽ có nhiều hình dạng khác nhau. Đến mùa trái gòn khô, bung tách ra khỏi vỏ, bông gòn bay tán loạn khắp mặt sông, dính cả vào quần áo, mặt mũi của bọn trẻ con ngày ngày trèo cây gòn ngóng sang bên kia sông và lên xuống bến đò. Cầm và tôi cũng hay trèo như thế những trưa, những chiều chờ đò qua bến để về nhà. Học trò nghèo, túi không tiền ăn vặt, chỉ biết nhìn đám trẻ bạn bè nhà ở thị xã xúm đông xúm đỏ trước cổng trường để ăn hàng. Me ngào đường, gỏi cuốn, bánh đúc, bún đậu hũ nước tương, đá đậu, chè chuối, bánh lọt... Cầm và tôi trốn tránh những cám dỗ giữa cơn đói khi tan trường bằng cách trèo tuốt lên cây gòn, càng cao càng tốt. Dù leo rất cao, tôi vẫn không khỏi thèm thuồng. Nhưng thèm nhất là những chiếc xe đạp thể thao sườn ngang của mấy thằng con trai thị xã đang lượn qua lượn lại. Cầm không quan tâm đến nỗi thèm khát của tôi. Nó nằm ngửa trên chạc ba cây gòn, nhìn mông lung lên những đám mây trắng lờ lững trôi qua. Nó luôn nói lớn lên nó sẽ lên thành phố, ở đó sẽ có rất nhiều máy bay. Nó sẽ được bay còn cao hơn những đám mây kia. Nó kể ba nó từng đi thành phố, ở đó rộng lớn kinh khủng. Từ bến xe, ba nó không thể nào về đến nhà cô Sáu nó nếu không có dượng Sáu ra đón. Tôi thấy hơi mơ hồ, ở huyện tôi, chỉ cần vào đến đầu cầu lớn, hỏi nhà ông hai, bà ba nào đó, cách xa mấy chục cây số, người ta vẫn chỉ đường vành vạnh, đi là chắc chắn tới nhà, không sai. Nhưng những gì nó nói, tôi đều tin. Kể cả chuyện nó sẽ bay cao hơn cả những đám mây.

Và trong giấc mơ của tôi, chúng tôi vẫn đang ngồi tít gần đến ngọn cây gòn sát bến đò. Nhưng khác là Cầm đã lớn. Chúng tôi tập tành hôn nhau trong bóng tối của bờ tre sau ngôi miếu nhỏ ven sông. Những nụ hôn vội vã chưa đủ thấm đượm sự ngọt ngào, những bàn tay rụt rè lần đầu chạm vào da thịt một người khác ấm nóng chưa đủ để tạo thành nhục cảm mãnh liệt như về sau tôi biết đến... Tôi tự hỏi mình trong mơ, sao lúc này mà Cầm lại trèo cây? Chẳng phải từ hồi 12-13 tuổi, Cầm đã không còn chịu theo tôi trèo cây nữa? Hồi đó, tôi cứ nài nỉ mãi, còn nói Cầm càng lớn càng nhát, cây mà không dám trèo, nó đỏ mặt nhìn tôi: Mày cứ thử có hai trái chanh mọc trên ngực như tao đi rồi coi thử mày trèo cây sẽ cảm thấy thế nào!

Trong mơ, tôi hỏi Cầm sao Cầm lại trèo cây? Nó nói, bây giờ lại thích, mà sẽ không còn làm được nữa. Tôi nói, có gì mà không được? Nó chỉ cười cười. Tôi biết, khi nó cười cười không thèm trả lời như vậy nghĩa là tôi đang làm hoặc nói gì đó rất ngu. Nó hay cười cười khi gặp những người, những câu nói, những hành động... làm nó không vừa ý. Lúc đó, nếu tôi có phản ứng thay nó, nó cũng sẽ gạt đi, rồi nói khẽ với tôi: Kệ tụi ngu đó đi, không cần thiết, dành hơi mà làm chuyện khác!

Trong mơ, tôi nhớ lại và hỏi Cầm sao lâu quá không về? Cầm nói thì giờ về rồi đây. Khi nào thích gặp Cầm, cứ ra bến đò, Cầm sẽ ở trên cây gòn, hoặc đang chơi trên sông. Nói xong, Cầm lại cười cười. Tôi nhìn Cầm trân trân, thấy hình bóng Cầm cứ nhòa dần, nhòa dần đi, rồi như khói, Cầm tan loãng ra, loang trên mặt sông tĩnh lặng. Tôi gọi thất thanh: Cầm! Cầm! Cầm ơi!... Đang gọi như thế thì tôi giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi túa ra đầm đìa. Thấy vợ tôi đang nằm xoay nghiêng, nhìn tôi chằm chằm như xác chết đang mở trừng mắt. Tôi hốt hoảng ngồi bật dậy, thở hổn hển. Định thần xong, tôi lệt bệt ra bếp pha trà ngồi uống một mình. Tôi nhớ lan man về Cầm không đầu không cuối... Và tôi có một linh cảm rất xấu, về Cầm.

Sáng hôm sau, nghĩa là hôm qua tính từ lúc tôi nhận điện thoại, tôi lò dò chạy xe ra bến đò. Mọi thứ đã hoàn toàn “giống như bây giờ”. Nghĩa là không còn vựa cát, vựa tràm, vựa lá hay cây gòn như giấc mơ đêm qua. Con đò nhỏ chèo bằng tay của dì Út từ lâu đã thay bằng đò lớn chạy máy dầu, xe máy và thậm chí cả xe bốn chỗ cũng chở được. Đứng trên đò lớn có hai hàng tay vịn bằng ống sắt hàn, thấy con sông không còn mênh mông rộng lớn như hồi xưa nữa. Tôi thầm nghĩ, nếu mọi thứ vẫn còn như trong giấc mơ hồi đêm thì sao? Vợ tôi nói tôi khùng, cái gì phát triển, mang lại tiện nghi cho con người, để con người có cuộc sống tốt hơn là OK, không tranh cãi. Tôi đã chuyển được về thị xã, con tôi đã không phải đi học ngày hai lượt đò như cha nó hồi xưa. Nhưng tôi thấy hoàn toàn dửng dưng với những may mắn đó. Sáng, tôi ngồi uống cà phê cóc ngay chỗ kè đá mới xây, vốn là chỗ cây gòn hồi xưa, giờ đã bị chặt trụi, tráng ximăng phủ lên. Phải, với người khác thì cây gòn không tồn tại. Nhưng với tôi, với Cầm, với những đứa học trò huyện hơn 20 năm trước, hình dáng cây gòn đó thật khó phai nhòa.

Tôi ngồi nhìn ra mặt sông, nghĩ vơ vẩn về giấc mơ hồi đêm, nghĩ đến cái buổi chiều gặp lại Cầm khi Cầm về quê để báo với xóm giềng mình đã vào đại học. Cả xóm kéo đến nhà Cầm chúc mừng, ăn uống cả ngày. Khi những người đàn ông đã say - tiếp tục nốc rượu, những người phụ nữ đã no nê - kéo nhau gầy sòng tứ sắc thì Cầm không còn là nhân vật chính của cuộc vui nữa. Chúng tôi ra ngồi ngoài đầu bờ ruộng. Mạ mới lên xanh non, cây so đũa sát bờ rào trổ bông trắng từng chùm. Cầm ngồi cách tôi phải mấy gang tay, gió chiều thổi qua cánh đồng, thổi vào tóc Cầm bay về hướng tôi, nhưng cứ xa vời vợi. Tôi hít căng ngực mùi ruộng bùn cây cỏ... hi vọng sẽ có mùi hương của Cầm trong đó. Cầm nói ước gì chúng tôi giống nhau một chút! Tôi không biết trả lời Cầm thế nào, 17 tuổi tôi có biết gì mà nói! Bây giờ ngoài 30 tuổi tôi vẫn ngu như xưa. Thậm chí trong mơ, gặp lại Cầm, tôi còn chẳng biết phải nói gì cho phải.

Sau buổi chiều đó, Cầm đi biệt. Ba mẹ Cầm tiếp tục cãi nhau, đánh nhau như bao nhiêu năm qua cả huyện cả xã từng chứng kiến. Đến một ngày, họ bán ruộng, bán nhà, nói là lên Sài Gòn sống với Cầm. Rồi họ cũng bặt tin. Chủ mới dọn về, sinh con đẻ cái, hòa nhập với mọi người thành những câu chuyện mới để làm vui trong những buổi chợ hay cuộc rượu. Xóm tôi dần dần không còn ai nhắc gì về Cầm hay gia đình Cầm nữa. Tôi cũng xin được việc làm trong một cơ quan nhà nước, rời huyện, về thị xã, lấy vợ, sinh đứa con trai, ngày nọ thì bỗng thành ra thất nghiệp... Không có gì nổi trội hay biến cố trong cuộc đời tôi. 32 tuổi, tôi ngày ngày đưa đón con, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp, cầm tiền vợ đưa mỗi sáng. Nhìn người ta ồn ào trong quán nhậu mà thèm!

Thỉnh thoảng tôi tưởng tượng về Cầm và cuộc đời nàng đang trải qua. Tôi hình dung chắc chắn sẽ khác tôi nhiều lắm. Nhưng tôi không đủ hiểu biết, trải nghiệm, mà sức tưởng tượng của tôi thì ra đến bến xe thị xã là cùng. Cho nên, sau nhiều lần cố gắng, tôi từ bỏ, không nghĩ ngợi nhiều nữa. Cũng không còn tưởng tượng đến một ngày mà trời cho chúng tôi cơ hội tình cờ gặp lại nhau. Tôi biết, gặp lại cũng không thay đổi được gì. Dần dần ký ức về Cầm chỉ còn là bóng mây mờ ảo phủ lên những nụ hôn vội vã, bầu ngực con gái mới dậy thì và làn da ấm nóng thơm mùi lúa.

Tôi ngồi thừ bên ly cà phê đến lúc quá trưa, nắng bắt đầu đổ rát trên nền ximăng. Con đò máy vẫn qua lại trên sông. Người ta tất tả lên lên xuống xuống. Nhìn một lúc, tôi bị ánh nắng làm cho lóa mắt. Đang định tính tiền ra về, bỗng tôi giật mình, trong đám đông trên đò đang lờ lững giữa mặt sông, tôi thấy Cầm đứng lẫn. Tôi vụt đứng lên, chạy xuống bến, vẫy tay loạn xạ, kêu to hết sức: Cầm! Cầm! Cầm ơi!... Dường như mọi người trên đò bắt đầu quay lại nhìn tôi. Không biết họ có nghe rõ tiếng tôi đang gọi không, nhưng mọi người có vẻ nhốn nháo, rồi giọng người chủ đò vang trên cái loa, tiếng lan tỏa đến tận bến nơi tôi đang đứng: Chờ chuyến sau nha! Chuyến... sau...sau...

Cả ngày hôm đó, tôi qua lại hai bên bờ sông không biết bao nhiêu lần, hỏi han khắp mọi người, đi sâu vào trong xóm, không ai gặp Cầm, mà có gặp thì làm sao họ có thể nhận ra sau từng ấy năm Cầm biệt tăm biệt tích?

-------------------------------------------------------------------------------------------

Tôi không thể kể lan man với người đàn ông lạ về giấc mơ hay ký ức. Tôi chỉ trả lời đơn giản với anh ta là tôi chưa gặp lại Cầm sau nhiều năm rồi. Không biết có việc gì xảy ra với cô hay không? Anh ta đáp lời tôi, có lẽ cũng sau một chút phân vân, ngập ngừng:

- Cầm mất tích đã bốn ngày nay, chúng tôi đang tìm và rất lo lắng cho cô ấy. Nếu anh có gặp Cầm thì hãy liên lạc với tôi theo số điện thoại... À, tôi chưa giới thiệu với anh, tôi tên là Vũ. Nhớ hãy liên lạc với tôi nhé!

Tôi ghi số anh ta, rồi cúp máy.

Sau một lúc ngồi ngơ ngẩn, tôi đến nhìn tờ lịch trên tường, hôm nay là ngày 17 tháng 10. Đêm 15 tôi đã mơ thấy Cầm, theo lời người đàn ông tên Vũ, thì tính ra Cầm đã mất tích từ ngày 13 tháng 10.

Tôi không phải là người mê tín, nhưng cũng chẳng phải kẻ vô thần. Tôi thấy lòng bỗng hoang mang, trống trải. Thuở 17 tuổi, cuộc ra đi của Cầm tuy làm tôi buồn, nhưng nỗi buồn đó không giống như bây giờ, dù lúc đó, giữa chúng tôi tưởng rất nhiều gắn bó. Lúc này đây, sau biết bao năm xa cách, tưởng giữa chúng tôi đã chẳng còn chút liên quan gì, nhưng sao tôi thấy lòng mình đau đớn thế?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận