Truyện ngắn của Italo Calvino: Tình yêu xa nhà

ITALO CALVINO 18/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - "Thế hệ chúng ta phải tự mình giành lại mọi thứ, Mariamirella ạ”, tôi nói. “Nghĩ và làm các thứ cùng lúc. Đừng làm mà không nghĩ thông suốt trước đã. Chúng ta sẽ phải chấm dứt sự khác biệt giữa những thứ mình nghĩ với bản thân những thứ ấy. Rồi chúng ta sẽ được hạnh phúc”.

Tranh của Edward Hopper
Tranh của Edward Hopper

Cứ vài bữa lại có một chuyến tàu khởi hành dọc bờ biển và trên chuyến tàu ấy là tôi, rời đi. Bởi vì tôi không muốn ở mãi trong ngôi làng ngái ngủ đầy những vườn bắp cải của mình, giải mã những biển số xe ngoài thị trấn như một đứa trẻ từ trên núi xuống ngồi trên một cây cầu. Tạm biệt làng, tôi đi.

Trên thế giới ngoài ngôi làng của tôi còn có những thị trấn khác, một số bên bờ biển, số khác, tôi không biết vì sao, lạc sâu trong những vùng đất thấp, ở hai bên những đường ray đến, tôi không biết bằng cách nào, sau những hành trình nghẹt thở qua những dải đồng quê bất tận. Thỉnh thoảng tôi lại đặt chân xuống những thị trấn ấy và lúc nào cũng mang dáng vẻ của một người du lịch lần đầu, túi nhét đầy báo, mắt lấp lánh bụi.

Ban đêm trên chiếc giường mới tôi tắt đèn và lắng nghe những tiếng xe điện, rồi nghĩ về căn phòng mình ở ngôi làng quê, xa trong đêm đến nỗi hai nơi cách xa nhau đến thế có cảm giác không thể nào cùng tồn tại một lúc. Và ở nơi nào tôi không chắc, tôi ngủ thiếp đi.

Buổi sáng bên ngoài cửa sổ có rất nhiều thứ để khám phá: ở Genova là những con phố lên xuống và những ngôi nhà trên dưới và một làn gió ở giữa; ở Turin là những con phố thẳng tắp không bao giờ kết thúc, nhìn ra lan can của những ban công, với một hàng cây kép chạy mờ dần vào bầu trời trắng; ở Milan là những ngôi nhà quay lưng lại với bạn trên cánh đồng mù sương. Phải có những thị trấn khác, những thứ khác để khám phá: một ngày nào đó tôi sẽ đi xem.

Nhưng căn phòng ở thị trấn nào cũng giống nhau, cứ như các bà chủ nhà phải gửi đồ đạc từ thị trấn này sang thị trấn khác khi biết tôi sắp đến. Ngay cả bộ đồ cạo râu của tôi trên mặt tủ cẩm thạch cũng trông như thể tôi đã thấy nó ở sẵn đó khi đến chứ không phải là tự mình đặt lên, nó có cái vẻ không thể tránh khỏi chứ không như còn là của tôi nữa. Tôi có thể sống nhiều năm trong những căn phòng ấy sau nhiều năm trong những căn phòng khác nhưng hoàn toàn giống như thế mà không bao giờ có thể cảm thấy nó là của mình hay để lại dấu ấn của mình trên đó. Bởi vì cái vali của tôi luôn sẵn sàng cho hành trình kế tiếp và không có thị trấn nào ở Ý là thị trấn phù hợp, không có thị trấn nào có việc cho bạn, không có thị trấn nào đủ tốt ngay cả khi bạn có tìm được việc vì sẽ luôn có một thị trấn khác tốt hơn mà bạn mong một ngày sẽ đến đó làm việc. Nên tôi để đồ vào tủ giống hệt như để nó trong vali, sẵn sàng đóng gói lại.

Nhiều ngày, nhiều tuần trôi qua và một cô gái bắt đầu vào phòng. Tôi có thể nói đó luôn luôn là một cô gái vì ban đầu không có khác biệt nào giữa cô gái này và cô gái kia, họ đều là người lạ và bạn giao tiếp với họ theo một nghi thức định sẵn. Bạn phải dành một chút thời gian và làm rất nhiều việc với cô gái ấy để cả hai hiểu được những tại sao và tại sao; rồi đến mùa của những khám phá lớn lao, cái mùa thực tế, có lẽ là mùa duy nhất thú vị của tình yêu. Rồi dành nhiều thời gian hơn và làm nhiều việc hơn với cô gái ấy, bạn nhận ra những cô gái khác cũng thế, rằng mình cũng thế, chúng ta đều thế, và mọi thứ cô ấy làm đều nhàm nhán, như lặp đi lặp lại trong ngàn tấm gương. Tạm biệt nhé, bạn gái.

Lần đầu một cô gái đến gặp tôi, hãy gọi là Mariamirella, tôi gần như không làm gì cả chiều: tôi đọc tiếp một cuốn sách dở, rồi nhận ra hai chục trang qua tôi đã nhìn vào những chữ cái như nhìn vào những bức tranh; tôi viết, nhưng thật ra là đang nguệch ngoạc khắp tờ giấy trắng và nó trở thành phác họa một con voi, tôi tô đậm nhạt và cuối cùng nó biến thành một con voi ma mút. Rồi tôi mất bình tĩnh với con voi ma mút và xé nó đi: sao lần nào cũng là voi ma mút, em ơi!

Tôi xé con voi ma mút, chuông reo: Mariamirella. Tôi chạy ra mở cửa trước khi bà chủ nhà có thể xuất hiện ở cửa sổ có thanh chắn của nhà vệ sinh và bắt đầu la hét làm Mariamirella sợ.

Rồi một ngày bà chủ nhà sẽ chết, bị trộm siết cổ: điều đó đã được viết ra, không ai có thể làm gì để ngăn chuyện đó lại cả. Bà nghĩ bà có thể cứu mình bằng cách không mở cửa khi họ bấm chuông, không hỏi: “Aiiii đóoo?” từ cửa sổ có thanh chắn của nhà vệ sinh, nhưng đó là một biện pháp phòng ngừa vô ích, thợ sắp chữ đã chuẩn bị sẵn dòng tít - Bà chủ nhà Adelaide Braghetti bị những kẻ lạ mặt siết cổ đến chết - và đang đợi sự xác nhận để dàn trang.

Mariamirella đứng đó trong ánh sáng lờ mờ với cái mũ thủy thủ, chùm tua rua len và cái miệng trái tim. Tôi mở cửa và cô đã chuẩn bị sẵn bài phát biểu để nói ngay khi bước vào, không quan trọng cô nói gì, chỉ là chúng tôi nói chuyện không nghỉ trong khi tôi dẫn cô vào phòng qua hành lang tối.

Phải là một bài phát biểu dài, để không mắc kẹt trong phòng tôi mà không còn gì để nói. Căn phòng không gợi nhắc gì, vô vọng trong cái vẻ nhếch nhác của nó: khung giường sắt, những tựa sách vô danh trong cái tủ sách nhỏ.

“Đến cửa sổ mà nhìn này Mariamirella”.

Nó là một ô cửa sổ kiểu Pháp có lan can ngang hông nhưng không có ban công; bạn phải bước lên trên hai bước và có cảm giác như đang trèo lên. Bên ngoài, một biển gạch đỏ. Chúng tôi nhìn ra những mái nhà trải dài khắp tận tầm mắt, những cái ống lởm chởm bất chợt nhả khói, những bao lơn kỳ cục trên những mái đua nơi không ai có thể nhìn ra ngoài, những bức tường thấp bao quanh những khoảng không gian trống trên nóc những ngôi nhà xập xệ. Tôi đặt tay lên vai cô, một bàn tay chẳng có cảm giác gì là của tôi, gần như sưng lên, như chúng tôi đang chạm vào nhau qua một lớp nước.

“Được chưa?”.

“Rồi ạ”.

“Xuống đi”.

Chúng tôi xuống và đóng cửa sổ. Chúng tôi đang ở dưới nước, dò dẫm với những cảm giác mơ hồ. Con voi ma mút lang thang trong căn phòng, nỗi sợ của con người cổ đại.

“Vậy?”.

Tôi đã cởi cái mũ thủy thủ của cô và ném nó lên giường.

“Không. Đằng nào em cũng về bây giờ”.

Cô đội lại mũ lên đầu, tôi túm lấy nó và tung nó lên, bay, bây giờ chúng tôi đang đuổi theo nhau, chơi đùa với hàm răng nghiến chặt, tình yêu, đây là tình yêu người này với người kia, một vết cào cắn khao khát người này với người kia, đấm nữa, lên vai, rồi một nụ hôn mệt thấm mệt: tình yêu.

Giờ chúng tôi ngồi đối diện nhau hút thuốc: những điếu thuốc khổng lồ giữa những ngón tay, như những thứ bị dìm dưới nước, những mỏ neo chìm. Sao chúng tôi không hạnh phúc?

“Sao thế?”, Mariamirella hỏi.

“Con voi ma mút”, tôi nói.

“Là cái gì?”, cô hỏi.

“Một biểu tượng”, tôi nói.

“Của cái gì?”, cô nói.

“Anh không biết của cái gì”, tôi bảo. “Một biểu tượng”.

“Có một buổi chiều”, tôi bảo cô, “anh đang ngồi trên một bờ sông với một cô gái”.

“Tên là?”.

“Sông tên Po, cô ấy tên Enrica. Sao thế?”.

“Ồ không có gì: em muốn biết anh ngồi với ai thôi”.

“Ừ, thế là bọn anh ngồi trên bờ sông đầy cỏ. Đó là mùa thu, buổi chiều, bên bờ trời đã tối và dưới dòng sông là bóng hai người đàn ông đứng chèo thuyền. Đèn trong thị trấn đã sáng và bọn anh ngồi bên kia dòng sông, bọn anh tràn đầy cái người ta gọi là tình yêu, cái sự khám phá và tìm kiếm nhau thô ráp, cái vị mặn mòi của nhau, em biết đấy, tình yêu. Và anh cũng đầy nỗi buồn và cô độc, buổi chiều ấy trên bờ sông và những cái bóng đen, nỗi buồn và cô độc của những tình yêu mới, nỗi buồn và hoài niệm của những tình yêu cũ, nỗi buồn và tuyệt vọng của những tình yêu trong tương lai. Don Juan, anh hùng buồn bã, gánh nặng cổ xưa, anh ta cũng đầy nỗi buồn và cô độc mà không gì khác”.

“Với em cũng thế phải không?”, Mariamirella hỏi.

“Nếu em chịu nói một tí thì sao, nếu em nói những gì em biết đi thì sao?”.

Tôi bắt đầu hét lên giận dữ; có những lúc bạn nghe thấy cái gì như một tiếng vọng khi bạn nói, nó làm bạn phát điên.

“Anh muốn em nói gì? Những chuyện này... bọn đàn ông các anh... em chẳng hiểu”.

Nó là như thế đấy: mọi thứ mà phụ nữ nghe kể về tình yêu đều là sai lầm. Họ được kể cho nghe đủ thứ, nhưng đều là sai lầm. Kinh nghiệm của họ, tất cả đều không chính xác. Thế mà họ vẫn tin vào những thứ mà họ được kể, kinh nghiệm thì không. Chính vì thế mà họ sai lầm hết.

“Em muốn, anh thấy đấy, con gái bọn em”, cô nói. “Đàn ông: những thứ anh đọc, những thứ họ thì thầm vào tai anh từ khi anh chỉ là một cô bé. Anh học được là cái đó quan trọng hơn mọi thứ khác, là mục đích của mọi thứ khác. Rồi anh thấy đấy, anh nhận ra anh không bao giờ đến được đó, thực sự đến được đó. Nó không hề quan trọng hơn mọi thứ khác. Em ước nó không hề tồn tại, một chút nào, để anh không phải nghĩ về nó. Nhưng lúc nào anh cũng mong đợi nó. Có lẽ phải làm mẹ thì anh mới hiểu được ý nghĩa thực sự của mọi thứ. Hoặc làm một cô điếm”.

Đấy: thật là tốt. Chúng ta đều có những lý giải riêng. Bạn chỉ phải tiết lộ lời giải thích bí mật của mình và cô ấy không còn là người lạ nữa. Chúng tôi nằm ôm nhau như hai con chó lớn, hay hai vị thần sông.

“Anh thấy đấy”, Mariamirella nói, “chắc là em sợ anh. Nhưng em không biết phải trốn ở đâu. Chẳng có gì trên đường chân trời ngoài anh. Anh là con gấu, là cái hang. Chính vì thế mà em mới đang nằm cuộn trong vòng tay anh, để anh bảo vệ cho em khỏi nỗi sợ anh”.

Nhưng với đàn bà thì dễ dàng hơn. Sự sống chảy trong họ, một dòng sông vĩ đại, trong họ, những động cơ vĩnh cửu, tự nhiên chắc chắn và bí ẩn trong họ. Từng có một chế độ Mẫu hệ Vĩ đại, lịch sử các dân tộc chảy đơn giản như lịch sử của cây cối. Rồi đến sự tự cao của đàn ong đực: một cuộc nổi loạn, và chúng ta có nền văn minh. Tôi nghĩ thế, nhưng tôi không tin thế.

“Có một lần anh thấy mình không thể làm chuyện ấy với một cô gái”, tôi nói với cô, “trên một đồng cỏ trên núi. Ngọn núi tên Bignone và cô gái tên Angela Pia. Một đồng cỏ lớn, giữa những bụi cây, anh nhớ, trên cái lá nào cũng có một con dế. Tiếng dế kêu, rất chói tai, không lối thoát. Cô ấy không thể hiểu tại sao anh lại đứng dậy và nói chuyến cáp treo cuối đã sắp sửa chạy. Đó là nơi mà để đến đó em phải đi cáp treo: đi qua những cái tháp em sẽ cảm thấy mình trống rỗng bên trong, rồi cô ấy nói: ‘Nó giống như là lúc anh hôn em’. Như thế thật nhẹ nhõm, anh nhớ”.

“Anh không nên kể cho em chuyện này”, Mariamirella nói. “Như thế sẽ chẳng còn con gấu nào mà cũng chẳng còn cái hang nào. Em chỉ còn toàn là nỗi sợ, tứ bề xung quanh”.

“Em thấy đấy, Mariamirella”, tôi bảo cô, “chúng ta không được tách sự vật ra khỏi ý nghĩ. Lời nguyền của thế hệ chúng ta chính là như thế: không thể làm cái chúng ta nghĩ. Hay không thể nghĩ cái chúng ta làm. Anh sẽ cho em một ví dụ: nhiều năm trước (anh phải đổi tuổi trên chứng minh thư vì anh chưa đủ tuổi), anh đến với một người đàn bà trong một nhà thổ. Nhà thổ tên là Via Calandra 15 và người đàn bà ấy tên là Derna”.

“Cái gì?”.

“Derna. Hồi ấy chúng ta vẫn còn là đế quốc và sự mới mẻ duy nhất là những người đàn bà trong các nhà thổ được gọi là Derna, Adua, Harrar, Dessiè”.

“Dessiè?”.

“Cả Dessiè, anh nhớ thế. Em có muốn từ giờ trở đi anh sẽ gọi em là Dessiè không?”.

“Không”.

“Quay lại lúc ấy, với cái cô Derna này. Anh còn trẻ, cô ta thì cao lớn và đầy lông. Anh bỏ chạy. Anh trả cái anh phải trả rồi chạy mất: xuống cầu thang anh có cảm giác là mọi người từ phòng họ bước ra đều nhìn anh rồi cười. Nhưng chuyện đó không quan trọng: vấn đề là ngay khi anh về đến nhà, người đàn bà ấy đã trở thành một ý nghĩ, một cái gì thuộc về tinh thần và anh không còn sợ cô ta nữa. Anh bắt đầu muốn cô ta, muốn cô ta khủng khiếp... Vấn đề là thế: với chúng ta, những thứ trong ý nghĩ đều không giống như bản thân những thứ ấy”.

“Phải”, Mariamirella nói, “em đã nghĩ về mọi thứ có thể, em đã sống hàng trăm cuộc đời với những ý nghĩ của mình. Về chuyện cưới, chuyện có rất nhiều con, chuyện phá thai, chuyện cưới một người giàu, chuyện cưới một người nghèo, chuyện trở thành một quý cô, chuyện trở thành một cô gái điếm, một vũ công, một nữ tu, một người bán hạt dẻ, một ngôi sao, một thủ tướng, một người lái xe cứu thương, một vận động viên. Hàng trăm cuộc đời với mọi chi tiết. Và tất cả đều kết thúc có hậu. Nhưng trong đời thực thì chẳng có chuyện nào mà em nghĩ đến xảy ra. Nên mỗi lần nhận ra là mình đang tưởng tượng các thứ, em lại sợ và cố thôi không nghĩ đến nữa, bởi vì em cứ mơ về cái gì thì cái đó sẽ không bao giờ thành thật”.

Mariamirella, cô ấy là một cô gái tốt; một cô gái tốt ý tôi là cô hiểu những chuyện phức tạp tôi nói và lập tức biến nó thành đơn giản. Tôi muốn trao cô một nụ hôn, nhưng tôi nghĩ nếu tôi hôn cô thì tôi sẽ nghĩ về việc hôn ý nghĩ về cô và cô sẽ nghĩ về việc được hôn bởi ý nghĩ về tôi, nên tôi thôi không làm gì cả.

“Thế hệ chúng ta phải tự mình giành lại mọi thứ, Mariamirella ạ”, tôi nói. “Nghĩ và làm các thứ cùng lúc. Đừng làm mà không nghĩ thông suốt trước đã. Chúng ta sẽ phải chấm dứt sự khác biệt giữa những thứ mình nghĩ với bản thân những thứ ấy. Rồi chúng ta sẽ được hạnh phúc”.

“Sao lại thế?”, cô hỏi.

“Không phải là với ai cũng thế”, tôi nói. “Hồi còn nhỏ anh sống trong một căn villa rộng lớn, bao lơn cao như đua ra biển. Anh dành cả ngày sau những bao lơn ấy, anh là một đứa trẻ đơn độc, và với anh mọi thứ đều là một biểu tượng kỳ lạ, khoảng cách giữa những ngày treo trên những cái túm trên những thân cây, đôi tay xiêu vẹo của những cây xương rồng, hoa văn kỳ lạ trên lớp sỏi rải đường. Rồi có những người lớn, công việc là xử lý các thứ, các thứ có thật. Anh chỉ phải khám phá những biểu tượng mới, những ý nghĩa mới. Anh đã sống như thế cả đời, vẫn sống trong một lâu đài của những ý nghĩa mà không phải là của các thứ, anh vẫn phụ thuộc vào người khác, những “người lớn”, những người giải quyết các thứ. Nhưng có những người đã làm việc với một cái máy tiện ngay từ khi còn nhỏ. Một công cụ tạo ra các thứ. Không thể có ý nghĩa nào khác ngoài những thứ mà nó làm ra. Khi anh thấy một cái máy anh nhìn nó như thể đó là một lâu đài ma thuật, anh tưởng tượng những người bé nhỏ xoay mình giữa các bánh răng. Một cái máy tiện. Chúa biết máy tiện là gì. Em có biết máy tiện là gì không Mariamirella?”.

“Máy tiện à, bây giờ thì em không chắc”.

“Máy tiện thực sự quan trọng. Người ta nên dạy cách dùng máy tiện cho mọi người chứ không phải dùng súng, súng cũng chỉ là một vật biểu trưng, nó không có mục đích thực sự”.

“Em không quan tâm đến máy tiện”, cô nói.

“Thấy chưa, nó dễ dàng hơn cho em: em đã có máy may để cứu em rồi, kim khâu các thứ; vòng ga, thậm chí là máy đánh chữ. Em chỉ còn có vài huyền thoại phải thoát khỏi thôi; còn với anh mọi thứ đều là biểu tượng. Nhưng cái dứt khoát là, chúng ta phải giành lại mọi thứ”.

Tôi đang vuốt ve cô, rất nhẹ.

“Vậy em cũng là một thứ à?”, cô hỏi.

“Ừm”, tôi nói.

Tôi thấy một cái lúm nhỏ ở một bên vai cô, trên nách, mềm, dưới không có xương, giống như cái lúm đồng tiền trên má. Tôi ghé môi vào cái lúm.

“Vai như má”, tôi nói. Không thể hiểu câu ấy.

“Gì cơ?”, cô nói. Nhưng cô chẳng hề quan tâm tôi nói gì với cô.

“Chạy đua như tháng Sáu”, tôi nói, vẫn ghé môi vào cái lúm. Cô không hiểu tôi đang nói gì, nhưng cô vẫn thích thú và cười. Cô là một cô gái tốt.

“Biển như đến”, tôi nói, rồi đưa tai vào cái lúm để nghe tiếng vọng. Tôi chỉ nghe thấy có tiếng thở của cô và chôn sâu bên dưới là trái tim cô.

“Tim như tàu”, tôi nói.

Kìa: giờ Mariamirella không phải là Mariamirella trong tâm trí tôi, cộng với một Mariamirella thật: cô ấy là Mariamirella! Và cái chúng tôi đang làm cũng không phải là cái gì trong đầu cộng với cái gì có thật: chuyến bay trên những mái nhà, và ngôi nhà lắc lư như những cây cọ bên cửa sổ nhà tôi ở làng, trận gió lớn đã cuốn lấy tầng trên cùng và đang mang nó qua bầu trời và lớp lớp mái đỏ.

Trên bờ biển làng tôi, biển đã nhận thấy tôi và đang chào đón tôi như một con chó bự. Biển - người bạn khổng lồ với đôi tay trắng nhỏ đang gãi lên bờ đá cuội - bỗng nhiên quét qua trụ đê chắn sóng, chồm cái bụng trắng lên và nhảy qua những ngọn núi, nó nhảy chân sáo đến đây như một con chó lớn với những bàn chân trắng của dòng chảy ngầm. Lũ dế đã im lặng, toàn bộ vùng đất thấp đã ngập, những cánh đồng và những vườn nho, cho đến khi một người nông dân giơ dĩa lên và hét: biển biến mất, như thể bị đất liền uống mất. Tạm biệt nhé, biển.

Ra ngoài, tôi và Mariamirella bắt đầu chạy nhanh hết sức có thể xuống cầu thang, trước khi bà chủ nhà xuất hiện ở ô cửa sổ có thanh chắn và nhìn vào mắt chúng tôi, cố gắng hiểu mọi thứ. ■

(Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Tim Parks)

Italo Calvino - ký họa của KyrMaur trên DeviantArt

Italo Calvino (1923 - 1985), nhà văn người Ý, nổi tiếng với các tác phẩm như bộ ba Tổ tiên của chúng ta (gồm Tử tước chẻ đôi, Nam tước trên cây, và Hiệp sĩ không hiện hữu), Những thành phố vô hình (1972), Nếu một đêm đông có người lữ khách (1979), và Palomar (1983).

Tình yêu xa nhà (1946) cùng 36 truyện ngắn khác do Calvino viết từ năm 1943 - 1984 được in trong tập truyện xuất bản năm 1993 mang tên Prima che tu dica “Pronto”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận