16/02/2020 10:13 GMT+7

Truyện ngắn: Con số 1 khủng khiếp

TUẤN VIỆT
TUẤN VIỆT

TTO - Có hai câu chuyện đã trở thành giai thoại về thằng Tùng, mà cứ mỗi lần họp lớp là thể nào cũng có đứa nhắc lại rồi cùng cười lăn cười bò.

Truyện ngắn: Con số 1 khủng khiếp - Ảnh 1.

Gã lái chiếc Grabbike đến đón tôi hóa ra là Tùng, thằng bạn học hồi phổ thông nổi tiếng nghịch ngợm. Hắn nhìn tôi ngượng ngùng. Thì đó, cũng một thời ngang tàng, bằng vai phải vế như nhau thế mà giờ đây một thằng chạy xe ôm, còn thằng kia là thượng đế của thằng này.

Cả tôi cũng lúng túng vì không bao giờ nghĩ thằng Tùng Teng (biệt danh của nó) lại kiếm ăn bằng nghề này. Nghề nào cũng là nghề, đó cũng là nghề lương thiện mà, nhưng nghề đó không phù hợp với tuổi tác của Tùng nữa. Với lại tôi biết Tùng từng là giám đốc chi nhánh của một công ty quốc doanh, có lần còn khao cả đám chúng tôi đi ăn chơi xả láng ở Vũng Tàu.

***

Trong lớp tôi hồi đó có hai thằng thông minh, đẹp trai nhất. Hai thằng cũng chơi thân nhất với nhau, nhưng lại đối nghịch nhau 180 độ. Được vì nể nhất là thằng Sơn Lùn, lúc nào cũng chững chạc, đạo mạo, tươm tất, siêng năng... Nó suốt ngày lẽo đẽo theo thằng Tùng lải nhải nói: "Mày học điii... Tao biết mày học được mààà... Mày mà chịu học thì thế nào cũng học giỏi... Mày ráng học đi nhe Tùng...". 

Thằng Tùng bỏ ngoài tai tất cả những lời "cầu xin" này. Nó chỉ chăm chú vào việc xếp bi bắn lén những thằng ngồi phía trước, rình đứa con gái nào ngồi học bỏ dép guốc ra là chôm lấy mang đi giấu. Thế mà bọn con gái vẫn cứ mê mẩn nó mới lạ. Một phần vì các ả gặp bài vở gì khó khăn cứ đưa cho nó, nó giải quyết hết ráo, đơn giản là nó thẩy lại cho Sơn Lùn.

Có hai câu chuyện đã trở thành giai thoại về thằng Tùng, mà cứ mỗi lần họp lớp là thể nào cũng có đứa nhắc lại rồi cùng cười lăn cười bò.

Thứ nhất là chuyện thầy Thanh dạy môn hóa. Thầy có thói quen đứng dựa mông vào mép bàn, khoanh tay lại giảng bài, trông thật là đĩnh đạc. Thằng Tùng bèn bày ra cái trò trét bột mắt mèo lên mép bàn. Y như rằng thầy Thanh sập bẫy. Thầy ngứa quá bèn nhón lên nhón xuống, cạ mông vào mép bàn để mà gãi, và dĩ nhiên càng gãi thì càng ngứa, đến mức mặt đỏ bừng, nói năng ú ớ, mất hết cả cái sự mạch lạc. Cả lớp đều cười thầm, đều biết tỏng nguyên do nỗi thống khổ của thầy, chỉ có một người không biết, và người đó cứ tiếp tục vừa cạ vừa lảm nhảm, vừa cầu Trời khấn Phật sao cho mau hết tiết.

Giai thoại thứ hai liên quan trực tiếp đến câu chuyện này. Đó là vào một kỳ kiểm tra môn toán. Thầy Huy chơi ác, tách Tùng Teng ra khỏi Sơn Lùn vì biết tỏng chuyện gì sẽ xảy ra từ kinh nghiệm quá khứ. 

Tất nhiên là thằng Sơn làm bài xong cái rẹt. Khi đi lên nộp bài, ngang qua chỗ thằng Tùng, nó nói nhanh và chắc nịch: "Đáp số là 29!". Tùng Teng loay hoay ngồi giải, nhưng tính tới tính lui, tính đi tính lại, kết quả vẫn cứ ra là 28. Đến lúc nộp bài, Tùng ta quýnh quá, bèn lấy cây viết cộng thêm vào con số một, thành ra là 28+1 = 29! 

Khi bài được trả lại, điểm của Tùng là zero. Nó bèn đợi hết tiết lên khiếu nại với thầy. Thầy Huy hỏi: "Em lấy số một này ở đâu ra?". Tùng nói: "Thì đó, phải cộng thêm 1 thì đáp số mới ra là 29 chứ thầy!". Thầy Huy nói: "Nhưng em giải trật lất rồi, khiếu kiện cái nỗi gì?". Tùng nói: "Trật làm sao được hả thầy, đáp số của em là đúng mà!".

Đến đây diễn ra một sự việc kỳ lạ mà chúng tôi không đứa nào hiểu nổi: Thầy Huy cười cười móc cây viết ra, gạch số 1 ngay trước số 0 rồi trả lại cho nó. Thế là Tùng Teng nhà ta lần đầu tiên được điểm 10 môn toán. Có đứa nói thầy Huy thích cái lối lý luận cùn của Tùng Teng. Có đứa nói thầy Huy thích cái tính cách lông bông của nó. Nhưng một ông thầy dám đưa ra cái quyết định như vậy thì cũng quả thật là bá đạo. Cũng may cho thầy là chẳng có ai kiện cáo gì cả. Ngược lại cả lớp còn thiếu điều khui sâm-banh để chúc mừng thằng Tùng.

Đến khi hết phổ thông, gia đình Sơn Lùn cho nó đi nước ngoài. Đã lâu lắm rồi tôi không gặp lại nó. Nghe đâu bây giờ nó đã là giáo sư một trường đại học ở California, việc làm, gia đình, tài chính, mọi thứ đều êm ả, chỉn chu, không tì vết, hệt như cái thời đi học vậy.

Tùng chật vật hơn, thi rớt đại học, chỉ thiếu có đúng 1 điểm, lần này không có thầy Huy nào đến cứu vớt nó nữa. Nhưng, như đã nói, Tùng là một đứa thông minh, lanh lợi. Nhờ có ông chú giới thiệu, nó chui vào một cơ quan quốc doanh rồi thăng tiến vù vù, chẳng mấy chốc đã trở thành giám đốc chi nhánh.

***

Giờ thì mái tóc của Tùng đã điểm bạc. Cũng với cùng một kiểu dép lê và chiếc áo phanh ngực, cách ăn mặc thuở nào được xem là "lãng tử" theo thời gian đã trở thành "phong trần", rồi tiếp đến thành "lùi xùi". Ánh mắt của nó tôi cũng chẳng biết phải mô tả ra sao nữa, tinh anh thì vẫn cứ tinh anh đấy, nhưng mà sao cứ buồn buồn làm vậy.

Tôi bảo nó đưa tôi đến nơi mà tôi muốn đến, đợi tôi xong việc, hai anh em cùng đi uống cà phê. Tùng thoái thác: "Để cuối tuần đi, tao đãi mày ăn tối luôn. Là tao đãi mày đó nhe".

Cuối tuần đó, Tùng hẹn tôi ở một quán ăn trung lưu. Nó bảo tôi cứ gọi thoải mái, nó bây giờ tuy nghèo nhưng cũng dư tiền để thết tôi một bữa ra trò. Chọn món ít tiền thì sợ bị nó nghĩ là coi thường, cho nên tôi bắt buộc phải chọn món trung trung, thế mà nó vẫn còn chưa vừa lòng, còn gọi thêm cả một chai rượu đỏ, dù tôi thấy ánh mắt nó đang cộng nhanh những con số giá cả.

Rồi những câu chuyện kỷ niệm cũng đến lúc rôm rả, đầu tiên là những kỷ niệm vui khiến cả hai cùng cười chảy nước mắt. Những giọt nước mắt vui chưa kịp tan đã trở thành những giọt nước mắt "buồn nấp bóng".

- Mày có tin tức gì thằng Sơn không? - tôi hỏi.

- Thôi mày quên nó đi - Tùng đáp - Năm ngoái nó về nước, mày nghĩ coi, nó dúi cho tao 200 đô - la, bộ tao cần tiền của nó lắm hay sao?

Nhưng tôi biết dù thằng Sơn có dúi 500, 1.000 hay 2.000 đô - la thì nó cứ vẫn bị trách, mà không dúi thì chắc gì đã thoát khỏi cái tội keo kiệt.

Vấn đề của thằng Tùng là thích đi tắt. Nó thấy xung quanh nó mọi người đều đi tắt và cứ nghĩ đó là một lẽ thường ở trên đời. Nhưng nó đâu có biết rằng 7 lối đi tắt thì có đến 8 lối phải trả giá. Lẽ ra còn nhiều hơn thế nữa, nhưng vì Tùng nhà ta thích số 1 nên tôi đem cộng 1 vào 7 thành ra là số 8 để cho nó vừa lòng.

Để lên làm giám đốc chi nhánh, Tùng đã đi mua bằng. Trong một đợt các sếp lớn đánh nhau thông qua việc kiểm tra văn bằng, Tùng bị chính cấp dưới tố giác. Rồi cũng lại chính thằng cấp dưới đó (lúc này đã là cấp trên) quyết định rằng phải "nhổ cỏ tận gốc", thế là những vụ lạm tiêu, bỏ túi lặt vặt (chủ yếu do vui tính) của nó bị phanh phui. Phải khốn khổ chạy chọt, nó mới được hưởng án treo hết một năm. Nó mở một công ty tư nhân, để rồi phát hiện rằng mình bị thiếu kiến thức khá trầm trọng (nó có học bao giờ đâu!). Công ty tồn tại lay lắt cho đến khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (là nó nói vậy).

Tùng cũng muốn đi tắt trong cả hôn nhân nữa. Nó lấy một cô vợ lắm tiền, có nhan sắc, có học thức, có gia thế... chỉ thiếu có mỗi tình yêu dành cho nó (cô ta chỉ muốn nó là cha hờ của đứa con riêng). Cuộc hôn nhân đó tất nhiên không bền vững. Và cứ thế cuộc đời cứ xô đẩy, đẩy xô... cho đến khi nó chợt thấy mình đội chiếc nón bảo hiểm màu xanh, khoác chiếc áo gió bạc thếch có ghi chữ Grab.

***

Câu chuyện của Tùng khiến tôi thấy rất buồn. Tùng Teng ơi là Tùng Teng, sao mà mày cứ tùng tùng teng teng mãi như thế. Sao mà mày không cố làm cho ra cái con số 29, mà cứ mãi rắp tâm chơi cái trò 28 + 1. Mày kiếm đâu ra được con số 1 ấy ở trong đời? Mày kiếm đâu ra được một ông thầy Huy khác?... Để đến giờ muốn sửa thì có còn làm gì được nữa đâu. Mà mày có muốn sửa không?

Bữa tiệc rồi cũng đến lúc tàn, đã đến lúc tính tiền. Tôi cũng muốn chia sẻ tiền ăn với nó lắm chứ, mặc dù tôi cũng kiết xác như nó thôi. Nhưng tôi biết nó sẽ không cho tôi trả đồng xu nào đâu. Bài học nhãn tiền 200 đô - la của thằng Sơn vẫn lù lù ra đó, thôi hãy cứ để cho nó vui hôm nay, hôm sau có đói bụng một chút thì chết chóc chi ai?

Nhưng khi hóa đơn ra tới, khuôn mặt nó tái mét. Tiền ăn hết một triệu ba mà trong túi Tùng nhà ta chỉ có một triệu hai. Hồi nãy tôi có nói bắt gặp ánh mắt nó đang cộng nhanh các con số. Nó lại cộng sai mất 100.000 đồng nữa rồi! Tùng ơi là Tùng ơi! Tôi đành đề nghị với nó phương án "chai hia", nó đành đồng ý. Thực sự tôi cũng muốn niềm vui của nó được trọn vẹn lắm chứ, nhưng biết làm sao được.

Chỉ biết có hai ông già ngồi nói toàn chuyện xưa cũ.

Truyện ngắn: Vẫn còn hi vọng Truyện ngắn: Vẫn còn hi vọng

TTO - Khi anh nhướng người nhét cặp vé số vào túi quần thì nhìn thấy bà già. Bà ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ, tay giữ một cành mai gầy không một chồi lá lộc. May nhờ cành mai cao vượt tầm đầu người, nên bà không bị khuất giữa đám đông qua lại.

TUẤN VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên