Minh họa: Trần Ngọc Sinh |
Sáng nay, anh phụ trách giao tôi đến đây tìm gặp một người đàn ông để ký vào giấy tờ của trung tâm, tôi dong xe đi. Chuyện đó không có gì cần phải suy nghĩ. Cái tôi đang suy nghĩ là hai tháng trước, anh phụ trách có nhắc đến người này và bảo: “Ổng xuất hiện chỗ nào là gây rắc rối chỗ đó. Sai bảo người này, gắt gỏng người kia. Muốn cái gì là đòi cho bằng được, muốn điều khiển cả cái trung tâm này...”. Tôi chỉ đến làm việc ở trung tâm khi ông đã nghỉ hưu nên chưa từng biết ông trước đó. Gặp một con người như vậy, mình phải ăn nói làm sao ta?
Cuối cùng thì tôi cũng bấm chuông. Một lát sau, có tiếng mở cửa. Một người đàn ông với mái tóc bạc, ăn mặc giản dị, mỉm cười hỏi tôi:
- Chú muốn gặp ai?
- Dạ con gặp ông Tư Năng.
- Tôi là Tư Năng đây.
Tôi nhìn kỹ người đàn ông trước mặt. Vầng trán ông có vài nếp nhăn do tuổi già, nhưng gương mặt như của người hiếm khi nào phiền muộn. Tôi cứ ngây ra, tự hỏi liệu có phải đây là ông Tư Năng mà anh phụ trách nhắc đến không. Ông lên tiếng giục:
- Vào nhà uống nước rồi nói chuyện, chú em.
Tôi theo ông bước vào nhà. Cái sân nhỏ xíu mát rượi trầu bà, đá lát dưới chân, những chậu cây quanh vườn đều tươi tốt, có vài chậu nở hoa. Đặc biệt, có mấy thùng xốp trồng nào xà lách, nào đậu bắp, nào cải xanh mướt. Một cảm giác bình an nhen lên trong lòng tôi. Ở góc vườn, có hình ba con khỉ. Một con bịt mắt, một con bịt tai, một con bịt miệng. Tôi cũng có biết về ý nghĩa của ba con khỉ này. Đó là không nhìn điều quỷ, không nghe điều quỷ và không nói điều quỷ.
Tôi ngồi ở bộ ghế gỗ cũ kỹ. Ông rót cho tôi ly trà thơm, còn tỏa khói:
- Có việc gì mà chú lặn lội đến đây tìm tôi?
- Dạ... trung tâm cần ông xác nhận vài điều trong thời gian ông làm ở đó - vừa nói, tôi vừa đưa giấy cho ông.
Ông đón lấy tờ giấy, rồi nhìn chăm chú:
- Xác nhận ở đây phải không chú em - giọng ông nhẹ nhàng.
- Dạ.
Ông ký xác nhận, nắn nót ghi chú vài dòng, rồi ngước lên nhìn tôi:
- Chuyện gì trung tâm cần, cứ gọi tôi. Anh Tánh vẫn mạnh giỏi hả?
Tánh là tên anh phụ trách. Ông hỏi thêm vài người nữa, rồi gật gù sau mỗi câu trả lời của tôi. Tuy tuổi đã cao, nhưng ánh mắt của ông vẫn còn sáng và trong. Đặc biệt lúc nào cũng nhìn thẳng. Ánh nhìn thẳng nhưng ấm áp, chứ không gay gắt. Cứ như ông Tư Năng mà anh Tánh nói đến và ông Tư Năng đang ngồi trước mặt tôi là hai người hoàn toàn khác nhau vậy.
Ông nói:
- Lâu lâu chú em mới đến nhà. Mà đường cũng xa. Thôi ở lại ăn miếng cơm rồi về. Bữa nay cuối tuần, cơ quan nhà nước không làm việc. Tôi biên giấy vậy là anh Tánh yên tâm rồi. Chú em cứ ở lại ăn bữa cơm, đừng về vội. Giờ mà về cũng đến giờ ăn trưa, phải ăn cơm dọc đường, chi bằng ở đây với tôi. Nếm thử rau nhà.
Giọng ông cứ nhẹ nhàng, điệu bộ không vồn vã nhưng rất chân tình, khiến tôi chẳng muốn rời đi. Trong lòng cứ ngạc nhiên vì ông hoàn toàn chẳng giống gì với lời kể của anh Tánh hai tháng trước.
Trong bữa ăn, kềm lòng không được, tôi lên tiếng hỏi:
- Hồi đó, ông làm việc ở trung tâm... chắc cũng... vui...?
Ông im lặng, nhìn xa xăm:
- Vui! Nhớ lúc trung tâm xây dựng đợt 2, kíp thợ lúc đó phá tòa nhà cũ ra, nhưng những mảnh ván còn đinh để bừa bãi, rồi lá trong vườn rụng, lấp lên. Người của trung tâm không biết, bước lên là giẫm phải đinh. Thế là tụi tôi rà đinh cho nhau. Ai cũng giành đi trước để tránh đinh cho người đi sau. Cái tình nghĩa quý lắm chú à. Còn nhớ lúc đó tôi bệnh, vừa xuất viện là ra phụ giúp công trình để kịp tiến độ thi công và trung tâm đỡ tiền thuê nhân lực. Lúc khiêng xô cát, anh bạn khiêng cùng cứ đẩy cái xô về phía mình vì muốn đỡ phần nặng cho tôi... Tôi cứ cảm động hoài vì chuyện đó...
Hôm ấy, khi tôi ra về, ông Tư Năng dúi vào tay tôi phong bì, bảo tôi đem về đóng góp cho trung tâm. Ông tiễn tôi ra đến cổng, siết tay thật chặt, dặn rằng hễ trung tâm cần gì thì cứ báo ông biết. Tôi nổ máy xe chạy đi, lòng không khỏi nghĩ ngợi.
Tôi đưa tờ giấy cho anh Tánh. Anh Tánh đọc xong, hỏi:
- Ông Tư Năng dạo này sao rồi?
- Dạ ông khỏe...
Tôi còn chưa nói hết câu thì anh Tánh hỏi tiếp:
- Còn tinh thần ổng thì sao?
- Dạ... cũng vui...
Anh Tánh thở phào. Gương mặt đầy xúc động. Tôi lấy phong bì đưa anh Tánh. Anh Tánh cầm phong bì, không nói một lời nào, đi vào trong.
Đêm đó, tôi cứ trằn trọc mãi. Rốt cuộc thì ông Tư Năng là người như thế nào? Cái thở phào và gương mặt xúc động của anh Tánh khi biết rằng ông vẫn khỏe và vui, rồi đến cái lặng người của anh khi cầm phong bì ông đóng góp cho trung tâm làm tôi nhớ mãi. Nếu ông Tư Năng đau yếu bệnh hoạn và buồn bã thì thái độ của anh Tánh sẽ là gì? Có lẽ đã có nhiều điều xảy ra giữa anh Tánh phụ trách và ông Tư Năng...
Rồi bỗng dưng tôi thấy ân hận vì cảm giác khó chịu của mình trước khi gặp ông Tư Năng. Và nhớ lại tất cả vẻ chân tình, phong thái điềm tĩnh, ân cần của ông. Rồi tất nhiên tôi nảy sinh câu hỏi: Sao hai tháng trước anh Tánh lại nói những lời như vậy?
Mà thôi, đây chỉ là chuyện nhỏ. Lại không phải là chuyện của mình. Tôi trằn trọc làm gì kia chứ! Cứ để những lời nói ấy, đối với tôi, vào tai này rồi lọt qua tai kia...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận