Học sinh lớp 9/4 phản bác về đường lưỡi bò sai trái của Trung Quốc - Ảnh: Đ.Cường |
Sau khi điểm qua tình hình học tập của trường, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tấn Sĩ vào đề dõng dạc với sự kiện rất thời sự: “Các em có biết vấn đề thời sự hiện nay trên biển không phải là giàn khoan, mà đó là hành động xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma”.
Thêm yêu biển đảo
Chúng tôi hi vọng qua mỗi buổi chào cờ sẽ giúp học sinh hình thành, vun đắp thêm tình yêu biển đảo, Tổ quốc, giúp các em hiểu điều gì đang diễn ra trên biển Đông. Các em có nền kiến thức cơ bản để biết những hành động nào là vi phạm luật pháp, công ước quốc tế trên biển |
Thầy NGUYỄN TẤN SĨ |
Sau lời vào đề, ba nhóm học sinh khối lớp 7, lớp 9 của trường nhanh chóng mang những hình minh họa dán trên tấm bảng to đặt dưới cột cờ. Và các em bắt đầu thể hiện những chủ đề của cuộc thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống và chủ quyền biển đảo do trường tổ chức từ suốt bốn năm qua.
Nguyễn Thị Phương Thảo (lớp 9/4) đứng bên tấm bản đồ in đường lưỡi bò của Trung Quốc, giọng vang lên:
“Sau khi thành công việc tuyên truyền trong nước mình, Trung Quốc lại công bố bản đồ dọc, mở rộng biên giới biển đảo, ôm trọn biển Đông. Nhưng điều nực cười là họ lại vẽ bản đồ đường lưỡi bò 10 đoạn. Hóa ra họ muốn vẽ bản đồ kiểu gì thì vẽ, không có căn cứ khoa học, bất chấp lịch sử, cẩu thả, tùy tiện... Hành động của Trung Quốc không chỉ khiến các học giả quốc tế hết sức phản đối mà nhiều người dân Trung Quốc cũng phải xấu hổ về sự phi lý, mập mờ, tham lam...”.
Sau gần mười phút thể hiện, Thảo kết thúc bài thi trong sự vỗ tay tán thưởng của bạn bè. Còn Thảo thì tâm sự “muốn góp một tiếng nói của mình để các bạn khác cùng hiểu và yêu biển đảo của nước ta hơn”.
Không chỉ vậy, học sinh của trường còn tổ chức viết thư gửi các chú hải quân ở Trường Sa, những lá thư giản dị nhưng chứa chan tình cảm được đọc dưới chân cột cờ. Một học sinh lớp 6 viết:
“Cháu ước mơ một ngày được ra Trường Sa, đặt chân lên các hòn đảo ở đây để hiểu hơn về cuộc sống của các chú bộ đội và người dân trên đảo. Đặc biệt khi ra Trường Sa, cháu sẽ đến thăm đảo Phan Vinh - hòn đảo chìm mang tên người anh hùng của quê hương Quảng Nam chúng cháu. Các chú ơi, ở nơi đó các chú hãy cố gắng canh gác cho vùng biển quê mình thật bình yên các chú nhé! Nơi này chúng cháu sẽ cố gắng học tập thật tốt và lớn lên sẽ đóng góp một phần công sức cho đất nước như các chú”.
Để các em hiểu điều gì đang diễn ra
Theo thầy Nguyễn Tấn Sĩ, từ bốn năm trước ngay khi xảy ra sự kiện tàu Trung Quốc ngang ngược cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, trường đã có sáng kiến tổ chức thi tìm hiểu lịch sử, truyền thống và chủ quyền biển đảo cho học sinh.
Theo đó, mỗi sáng thứ hai đầu tuần nhà trường sẽ dành ra thời gian 40-45 phút, tương đương một tiết học để các em thi. 30 lớp học với 1.300 học sinh sẽ cùng tham gia bốc thăm chủ đề từ “ngân hàng” đề thi do các giáo viên của trường soạn sẵn.
“Khi có đề tài, các em sẽ tự tìm kiếm các tư liệu qua mạng, sách báo, nhờ phụ huynh hoặc giáo viên lịch sử cung cấp các tài liệu. Nhưng học sinh tự lực là chủ yếu. Sau khi hoàn thành bài thi, các giáo viên sẽ duyệt lại xem có chi tiết nào sai không trước khi thi dưới cờ” - thầy Sĩ cho hay.
Vì thế, không khí ở trường vào giờ này luôn sôi nổi, hào hứng. Không chỉ thuyết trình suông, một số lớp còn có sáng kiến lồng ghép những hoạt cảnh, tranh minh họa, thơ, nhạc, panô... vào phần thi của đội mình, góp phần tăng sự hấp dẫn, cuốn hút. Nhiều phụ huynh cũng nhiệt tình giúp con cái tìm kiếm tài liệu phục vụ bài thi.
Thầy Sĩ cho biết thêm đa số học sinh phổ thông đều thiếu kiến thức về quê hương, biển đảo và chủ quyền vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, với số lượng bài học trong sách giáo khoa còn hạn chế, nên chưa thể giúp học sinh có cái nhìn toàn diện và hiểu biết cụ thể về các vấn đề này.
Mỗi người một việc Đây chỉ là một trong rất nhiều buổi chào cờ mà các bạn học sinh Trường Lý Tự Trọng truyền lửa cho nhau. Thầy Sĩ cho biết thêm mỗi khối sẽ có những chủ đề hợp với sức của mình. Khối 6 thì viết thư “Gửi Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu”, thi kể chuyện tiểu sử các anh hùng thiếu niên, các anh hùng được đặt tên đường ở Tam Kỳ. Còn học sinh lớp 7 thi vẽ “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim em”. Trong khi đó, lớp 8 và 9 thi thuyết trình về chủ quyền biển đảo với các nội dung: Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), Luật biển Việt Nam, đường lưỡi bò và âm mưu của Trung Quốc, phản ứng của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta và dư luận quốc tế về hành vi của Trung Quốc gần đây... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận