10/09/2013 20:00 GMT+7

Truyền hình trả tiền: người dùng vẫn thiệt trước nhà đài

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TTO - Sáng 10-9, Cục Quản lý cạnh tranh và Hiệp hội Truyền hình trả tiền đã tổ chức hội thảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

nPIxmRaC.jpgPhóng to
Ông Vũ Quang Huy - phó giám đốc Đài truyền hình VTC- kiến nghị những vấn đề về việc độc quyền bản quyền truyền hình - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo đó, nhiều vấn đề về cạnh tranh cho thấy người tiêu dùng vẫn đang chịu thiệt trước các nhà đài.

Theo bà Trần Phương Lan, trong lĩnh vực truyền hình trả tiền đang có doanh thu tới 2,5 tỉ USD năm 2012, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp có vị thế độc quyền (chiếm trên 30% thị phần), gồm Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV, năm 2012 chiếm 40% thị phần); Truyền hình cáp VN (VCTV - chiếm 30% thị phần).

Bà Lan cho biết đặc điểm thị trường truyền hình trả tiền của VN là thị phần tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp nhà nước, trực thuộc các đài truyền hình lớn. Thứ hai là chênh lệch thị phần giữa các doanh nghiệp dẫn đầu và doanh nghiệp kế tiếp đã có gia tăng đáng kể năm 2012.

Đặc biệt, bà Lan cho biết qua khảo sát từ phía người tiêu dùng, trên thị trường truyền hình trả tiền còn xuất hiện cạnh tranh không lành mạnh khi một số đơn vị dùng kênh truyền hình của mình để gièm pha, nói xấu, so sánh không lành mạnh. Có tình trạng các nhà cung cấp dịch vụ lớn ép các đơn vị sản xuất nội dung ký hợp đồng độc quyền với mình. Điều này sẽ khó cho doanh nghiệp nhỏ vì khó tiếp cận một số kênh nội dung, tiềm ẩn hành vi hạn chế cạnh tranh.

Ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng VN, khẳng định có kênh cam kết phát hàng chục kênh HD nhưng thực tế không phát đủ, vẫn thu đủ cước. Có kênh bán đầu thu, cụ thể là VTC, nhưng đột ngột dừng tín hiệu, không hề có thông báo. Đặc biệt có kênh hợp tác với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng tòa nhà để cung cấp dịch vụ luôn. Lợi dụng độc quyền, sau đó nâng giá…

Về vấn đề có thống lĩnh thị trường và giá thuê bao tăng nhanh do giá bản quyền các đài mua tăng, ông Vũ Văn Hiến, chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền, cho rằng do giá đầu vào truyền hình cáp đều có yếu tố nước ngoài, như chương trình, cáp quang, đều tính bằng USD. Giá bản quyền tăng, phải kéo giá cước tăng, chưa kể tiền VN mất giá…

Tuy nhiên, việc K+ mua giá bản quyền bóng đá cao, tới 37,5 triệu USD rồi độc quyền, không chia sẻ với một số đài khác, theo ông Vũ Quang Huy, phó giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, “là mất mát”. Ông Huy đánh giá và cho rằng khi K+ độc quyền giải ngoại hạng Anh, bình luận viên khán giả yêu quý cũng không có dịp nói nữa là mất mát cho khán giả. Rất đáng lên án chuyện này.

Trước thực tế nhiều doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, Cục Quản lý cạnh tranh yêu cầu các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải đăng ký hợp đồng mẫu mà các đơn vị này thường soạn sẵn, yêu cầu người tiêu dùng phải ký khi mua dịch vụ mà khó có thể sửa chữa điều gì.

Ông Nguyễn Phương Nam, cục phó Cục Quản lý cạnh tranh, cho biết quy định hiện tại bắt buộc truyền hình trả tiền phải đăng ký hợp đồng mẫu để được Cục Quản lý cạnh tranh hoặc Sở Công thương thông qua nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Nam cảnh báo đã có quy định xử phạt hành chính với hành vi không đăng ký hợp đồng mẫu, ngoài ra hình phạt bổ sung cũng khá nặng nề. Thời gian tới sẽ tính toán kiểm tra các hợp đồng mẫu nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên