Truyện: Cây vĩ cầm đỏ

PHẠM XUÂN NGUYÊN 30/11/2009 03:11 GMT+7

TTCT - Cây vĩ cầm của tôi màu đỏ. Chẳng giống với mọi cây vĩ cầm khác có màu nâu cánh gián. Màu của nó đỏ tươi như máu và sáng loáng lên một cách lộng lẫy, đặc biệt là khi nó xuất hiện dưới ánh đèn màu. Nhắm mắt lại mà nhớ về ngày xưa xem, khi tôi còn trẻ và còn nổi tiếng.

Trong khi tôi đứng trên sân khấu, đầu ngẩng lên cao để tì chiếc đàn vào cằm và kéo cho âm thanh của nó xoáy vút lên, xé nát màng tai và xé nát hàng ngàn quả tim khán giả, cùng lúc ấy, giữa một sân khấu tối và trống rỗng, ngoại trừ người đệm dương cầm ngồi ở góc khuất và vài vệt đèn cao áp đi băng qua sân khấu soi rọi vào khoảng giữa, có tôi đứng trong vũng ánh sáng ấy, thì nó, cây đàn ấy, sáng rực lên, vươn dài ra, hệt như một vệt máu đỏ nằm vắt ngang qua sân khấu vậy. Thật như thế đấy. Rồi có những khoảng im lặng ngẩn ngơ của khán giả. Sau đó bục ra những tràng tay vỗ như sấm rền, kéo dài chừng như bất tận, làm rung rinh cả khán phòng. Thật đấy. Thật không thể nào quên được!

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường

Vào cuối năm, ông già được thuê đến để trông coi một căn hộ trong thời gian hai tháng cô chủ nhà dẫn con đi nước ngoài thăm chồng. Căn hộ ở góc ngoài, tầng số mười ba, có hai mặt kính vuông góc nhìn xuống lô xô đường phố và mái nhà bên dưới. Ông ta trông nghèo nàn, hành lý chỉ có một chiếc túi nilông đựng dăm bộ quần áo đã cũ và một cái hộp đàn bằng da đã sờn. Nhưng khi ông ta mở nắp cái hộp đàn thì cô chủ nhà ngạc nhiên thấy bên trong là một lớp nhung lót màu đỏ rất mới, nằm bên trên là cây vĩ cầm cũng đỏ, một màu đỏ kỳ lạ, rực rỡ, quý phái, trái ngược hẳn với vẻ nhầu nhĩ của chủ nhân nó. Cô ấy hỏi: “Chiếc đàn trông đẹp quá nhỉ! Thế xưa kia bác là nghệ sĩ à?”. Ông già trả lời, không giấu sự hãnh diện len trong giọng nói: “Đúng vậy đó cô, nghệ sĩ. Và nổi tiếng nữa. Khi tôi nổi tiếng chắc cô còn bé tí xíu”. Cô chủ chép miệng: “Kể ra đời nghệ sĩ cũng bạc bác nhỉ?”. Ý cô muốn nói đời nghệ sĩ là dù nổi tiếng đến mấy, đến già vẫn là đời nghèo, không còn ai nhớ tới. Ông già cũng chép miệng: “Ừ, bạc!”. Giọng ông dứt khoát, như thể không muốn tiếp tục câu chuyện ấy nữa. Rõ ràng cô chủ còn trẻ, cô không thể hiểu được ông già nên muốn nói một lời an ủi mà không biết nói ra sao. Cô lái qua nói chuyện công việc: “Bạn thân cháu giới thiệu bác đến đây thì cháu hoàn toàn tin cậy vào bác, nhờ bác trông coi căn nhà cho cẩn thận, sạch sẽ. Kể ra thì cháu chỉ cần khóa cửa mà đi cũng được, nhưng cháu là người sợ ma, không muốn nhà của mình vắng vẻ, lạnh lẽo tối tăm. Tiền thì cháu đưa cho bác một nửa, còn một nửa để khi cháu về sẽ đưa nốt”. Ông già nói: “Tôi đã hứa với cô rồi, xin cô yên tâm!”.

Người ta viết văn, vẽ tranh, chơi nhạc cũng là cách giải tỏa mình, sống khác mình. Ông già nhạc công với cây vĩ cầm đỏ trong truyện là nghệ - sĩ - sống - đời như vậy. Hoài niệm cuộc đời đã sống, với một mối tình đẹp đẽ, lãng mạn - hay chỉ là ước vọng được biến thành hoài niệm (phần in nghiêng), là dưỡng chất cho ông già những ngày cuối đời đến ở trông nhà người, dưỡng chất tinh thần. Để khi thương xót những con chim lao vào cửa kính chết, ông đã có một hành động bất ngờ “theo quy luật của cái đẹp” - tung cây vĩ cầm đỏ ra không trung với một đường bay không phải của một vật thể vô tri giác, mà của một con người đắm say nghệ thuật. Và giây phút ấy, ông già đã thỏa nguyện đời mình, đã thoát đời thật.

Lời văn, giọng văn của truyện tươi sáng trong một văn cảnh dễ ngậm ngùi. Nhân Ý tên thật là Đoàn Minh Tân, chị từng học Văn khoa Sài Gòn, viết truyện hơn mười năm nay. Và có lẽ viết văn cho chị sự không thỏa thuận với mình trong cuộc sống.

Nhưng cây đàn đâu chỉ có đẹp mà thôi đâu, âm thanh của nó mới là tuyệt diệu. Cứ đưa cây mã vĩ vuốt vào các sợi dây đàn mà xem. Các dây trầm thì ào ạt, mạnh mẽ, chuyển dần sang các dây trung run rẩy, thầm thì. Đến các dây cao thì như xoắn, như gãy vụn ra, rồi nghẹn lại, như có một nỗi gì uất ức, da diết, dằn vặt ám lấy linh hồn của người ta vậy. Ở các nốt cao tận cùng thì y hệt những tiếng thét bi thương, đau đớn... Tôi vẫn còn nhớ như in những lúc em ngồi chống cằm trong nhà hát trống vào buổi sáng nhìn tôi dượt đàn. Mắt em nhắm lại, người uốn cong và vươn cao theo tiếng đàn vút lên. Một đôi khi em nương tiếng đàn mà thét theo tiếng thét đau đớn ấy. Khi cùng nhau ra về, em hay nói: “Nghe anh đàn thật nhiều lúc chịu không nổi!”. Rồi em cười, đôi môi màu hồng đào. Thuở ấy em thường mặc chiếc áo váy màu đỏ tía viền những sợi chỉ bạc. Áo ấy hắt màu hồng đỏ lên khuôn mặt em, làm khuôn mặt ấy rạng ngời lên đẹp lạ thường. Tôi không thể, mà tiếng đàn của tôi cũng không thể, nói hết với em về niềm hạnh phúc ngập tràn, vây bọc lấy tôi.

Ông già bắt đầu tổ chức cuộc sống tạm bợ của mình trong căn hộ sang trọng trang trí chỉ hai màu đen và trắng này. Ngủ trên sàn nhà trải thảm, giữa hai chiếc ghế sôpha mênh mông. Ăn cơm bụi trong quán dành cho công nhân xây dựng trong ngõ hẻm dưới đường, thang máy ngày hai lần lên xuống. Ngoài thời gian ấy, ông không biết làm gì. Ông nghĩ người giàu họ có một thứ quyền lực ghê gớm, có thể buộc chúng ta làm mọi chuyện họ muốn, mà không kể chúng ta muốn làm hay không. Ông không thể xem tivi, trong đó choán đầy các bộ phim ướt át không phù hợp. Thỉnh thoảng ông mang đàn ra chơi, nhưng tiếng đàn lạc lõng vang lên giữa các bức tường bít bùng làm cho ông thất vọng. Vả lại tuổi đã già, khi nhớ khi quên, ông không nghĩ mình còn chơi được như xưa... Ông lại sợ độ cao, cố tránh xa hai mặt kính rộng trông xuống đường. Nếu đến gần để nhìn xuống, ông thấy hai đầu gối mình run lên và lạnh buốt. Cơn lạnh lan tỏa lên xương sống, đến hai bả vai, rồi lên đầu, làm cho đầu ông ong lên, mắt hoa, chập choạng muốn té. Ông sống quanh quẩn qua lại ở khu vực phía trong, thấy mình giống một con thú bị giam cầm, cho dù nhìn cao lên bầu trời bên ngoài khung cửa kính trong suốt kia, nó bao la và xanh tươi xiết bao!

Nhưng độ cao cũng có sự cuốn hút của nó em nhỉ? Chẳng thế mà xưa kia em đã từng là cô gái đu bay. Em say mê độ cao, muốn mình càng lúc càng lên cao. Đêm đêm tôi ngồi ở hàng ghế khán giả nhìn lên xem em biểu diễn, trong bộ áo chẽn màu ngân nhũ, hệt như một con én bạc bay liệng trong không gian. Ôi con én bạc yêu dấu của tôi! Bay liệng trên ấy mà không một chút ưu tư về nỗi hiểm nguy rình rập. Lão trưởng đoàn đôi khi muốn tăng mức hồi hộp hấp dẫn cho tiết mục còn mang tấm lưới bảo hiểm cất đi... Em nhớ chăng ngày đầu tiên mà tôi gặp em, lúc ấy em hẳn chỉ là một cô bé mười lăm tuổi, còm nhom vì thiếu ăn và tập luyện quá sức. Lần ấy em bắt trượt thanh đu, rơi như một hòn đá từ trên cao xuống, may nhờ có tấm lưới bảo hiểm bên dưới. Khi xong tiết mục, một vài khán giả đến chia mừng và xuýt xoa cùng em, trong đó có tôi. Mặt em vẫn còn xanh mướt, còn hằn nỗi sợ, mồ hôi đầm đìa. Nhưng khi em vừa ngước đôi mắt trẻ thơ trong trẻo lên nhìn thì tôi biết ngay rằng hồn mình sẽ bị khóa chặt vào trong đôi mắt ấy.

Cuộc sống buồn tẻ, đơn điệu và cô độc, suốt ngày không nói chuyện với ai chẳng bao lâu đã làm cho ông già suy sụp. Chỉ mới sang được tuần thứ ba, ông cảm thấy không được khỏe, người váng vất, hơi thở nặng nhọc, sau cùng biết chắc chắn là mình bị bệnh. Chắc chẳng phải bệnh gì nghiêm trọng, chẳng qua chỉ là thứ cảm cúm thông thường của người già thôi. Nhưng nó cũng đánh gục được ông. Ông nằm một chỗ mất sáu ngày. Sáu ngày ấy chỉ ăn mì gói và uống nước, không một lời hỏi han, không một bàn tay chăm sóc. Sau sáu ngày ông trở dậy, đi lại được, xuống phố đi ăn cơm bụi được, nhưng sức khỏe và trong tâm hồn ông có một sự đổ vỡ gì rất lớn. Ông cảm thấy mình sờ vuốt được nỗi cô đơn của mình, như một vật thể có thật, nó đặc quánh lại thành một miếng thạch khổng lồ bó chặt lấy ông.

Thế rồi chuyện gì đã xảy ra thế, giữa tôi và em, giữa chàng nghệ sĩ vĩ cầm và cô gái đu bay? Có phải hào quang đã làm cho chúng ta lóa mắt? Những tràng pháo tay, những người hâm mộ và vô số là tiền đã bẻ lệch hết mọi thứ phải không? Từ nhận thức của chúng ta đến cách sống, lối suy nghĩ, cho chí đến tình yêu. Cho chí đến tình yêu. Dù là thứ tình yêu toàn bích như tình yêu của tôi và em, của chàng nghệ sĩ và cô gái đu bay? Cho chí đến cả tính chất nghệ sĩ trong tôi. Bởi vì bản chất của nghệ sĩ là yêu cái đẹp, nếu tôi không yêu em, không yêu cái đẹp muôn thuở ấy, mà còn hành hạ, dằn vặt em, hành hạ dằn vặt cái đẹp, thì tôi có đáng là tôi không, có đáng là nghệ sĩ? Tôi đã thay đổi mất rồi, và em cũng thay đổi. Chúng ta chạy theo những bóng sắc mới, có những cuộc chơi mới, những trò hưởng thụ mới, đâu biết rằng tất cả chỉ là phù vân. Chúng ta dần đẩy cuộc sống chung của mình thành địa ngục. Thành những lời mắng nhiếc, thành sự sỉ nhục, và tệ hại hơn, thành những trò đánh đấm chân tay. Cho đến cái ngày vì ích kỷ lẫn ghen tuông không dằn nén được, tôi đã đánh em đến gãy tay. Như con chim gãy cánh, em không còn đủ lực và sự chính xác để bay, để lượn, để vươn cao lên mãi, lên mãi trên cái giàn đu bay ấy nữa. Ôi, xót thương cho con én bạc yêu dấu của tôi! Cái gì đã ám tôi thế kia? Bóng tối của danh vọng và bóng tối của đồng tiền phải không em? Và rồi chuyện đến tất phải đến, em đã lặng thinh rời bỏ, dằn lại trên bàn chỉ một dòng chữ: Chẳng thà anh giết em đi còn hơn!

Một hôm, đang lựng khựng kéo vĩ cầm, ông trông thấy mấy con chim én nằm chết trên gờ cửa kính. Đuôi chúng nhọn thế kia chắc chắn là chim én rồi. Nhưng sao lại chết, bệnh ư, hay bay va đầu vào các bức tường kính trong xanh như màu bầu trời kia mà chết? Ông từng nghe người ta kể như thế về các bầy chim, khi chúng không phân biệt được đâu là kính, đâu là bầu trời. Ông cũng nghe kể rằng có nơi người ta phải vẽ những con đại bàng to trên các khung cửa kính bao quanh các tòa nhà cao để các con chim nhỏ vì sợ đại bàng mà bay tránh đi chỗ khác.

Ông suy nghĩ tính toán lâu lắm, cuối cùng ông xuống phố mua một số hộp sơn đủ màu, loại người ta vẫn dùng để sơn cửa, cọ và ít tờ giấy vẽ lớn. Ông định sẽ vẽ nhiều chim đại bàng đang bay lên giấy, ông sẽ dán giấy ấy bên trong các khung kính trong. Lũ chim sẽ trông thấy, sẽ biết đấy là hiểm nguy, không phải là bầu trời xanh vô hại. Cánh én là để bay liệng, không phải để va đầu vào đấy và chết vì các ảo tưởng và sự ngây thơ, ngu muội của mình. Có điều ông vẽ đại bàng không giống lắm, chỉ được các sợi lông cứng dựng ngược trên đầu và những đôi mắt ác điểu tròn xoe, dữ tợn. Ông hi vọng các con chim nhỏ không đòi hỏi cao hơn, bấy nhiêu cũng đủ sợ rồi, vì vẽ vời không phải là chuyện dễ, ông chỉ làm được đến bấy nhiêu mà thôi. Chuyện kéo cái ghế cao đến sát các khung cửa kính để dán các hình vẽ ấy lên cũng không phải là chuyện dễ. Cơn lạnh buốt chạy từ hai đầu gối ông lên xương sống rồi tỏa lên đầu ông làm toàn thân ông run lẩy bẩy... Cuối cùng thì ông ngã. Đầu va vào cửa kính làm vỡ một mảnh lớn. Trước khi tê lịm đi trên mặt thảm, ông còn kịp nhìn theo mảnh kính vỡ vẽ một đường rơi lấp loáng xuống phía dưới. Đường rơi đẹp đẽ đến nỗi ông thậm chí quên cả nỗi đau và nỗi sợ, nghiêng đầu sát vào chỗ lỗ thủng, nhìn theo cho đến khi nó chạm đất.

Mươi phút sau, khi đã tỉnh hồn, ông thấy máu chảy trên mặt mình, nhưng ông không quan tâm. Ông mãi nghĩ đến cây đàn đỏ. Ông nghĩ nếu nó rơi thì cái màu đỏ kỳ lạ, rực rỡ, quý phái của nó hẳn sẽ vẽ nên một đường lượn còn tuyệt diệu hơn đường lượn của cái mảnh kính vô sắc kia nhiều. Hình ảnh ấy mê hoặc đến nỗi ông đã chạy vào chỗ ghế sôpha, mở hộp đàn để lấy chiếc đàn ra, chiếc đàn đỏ như máu ấy, và luồn nó ra phía ngoài chỗ kính vỡ. Ông hất nó lên cao, nó xoáy một vòng rồi bắt đầu rơi. Đường rơi của chiếc vĩ cầm đỏ ấy bắt lấy ánh sáng của mặt trời buổi chiều quả thật còn hơn cả sự tuyệt diệu. Nhưng nó rơi thẳng quá và nhanh quá. Không hề như ông tưởng tượng chút nào.

***

Mảnh kính và cây đàn thật ra không rơi chạm đất. Chúng vướng lại chỗ mái gie ra của dãy cửa hàng và các quán nước ở tầng trệt. Nên không ai nhìn thấy, không ai biết, trên ấy có một mảnh kính trong và một cây vĩ cầm màu đỏ đã vỡ ra tan nát thành hàng trăm mảnh, nằm chờ đến ngày mưa gió thời gian sẽ làm cho mục nát đi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận