Bệnh nhân là anh M.Đ.M. (huyện Định Hóa, Thái Nguyên), được đưa vào nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Lúc này trên người anh M. có nhiều vết thương sắc nhọn vùng thượng vị, kích thước 6 x 4cm do tự dùng dao gây thương tích.
Nhận định đây là trường hợp có nhiều vết thương thấu bụng - ngực và cần phải được phẫu thuật khẩn cấp, hệ thống "báo động đỏ bệnh viện" lập tức được kích hoạt. Người bệnh nhanh chóng được đưa vào phòng mổ, mặc dù huyết áp đã tụt thấp rồi ngừng tim.
Kíp phẫu thuật tim mạch do TS.BS Lô Quang Nhật - trưởng khoa ngoại tim mạch, lồng ngực - làm trưởng kíp phẫu thuật. Trong quá trình phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn do anh M. mất nhiều máu kèm tạo máu cục khoang màng tim, chèn ép tim và ngừng tuần hoàn 3 lần.
Khi tiến hành mở bụng theo vết thương, máu đỏ tươi trào qua đường thủng gan xuyên qua cơ hoành lên ngực, lúc này người bệnh tiếp tục ngừng tuần hoàn.
Sau khi được ép tim ngoài lồng ngực 2 lần, anh M. đã có nhịp tim trở lại, nhưng máu vẫn chảy qua vết thương. Nhận định đây là trường hợp có thương tổn tim, kíp phẫu thuật nhanh chóng phối hợp để mở ngực kiểm soát, xử trí vết thương.
Trong khoang màng ngoài tim có nhiều máu cục, máu đông, mỏm tim phần buồng thất thủng rách phức tạp với 5 lỗ thủng, đặc biệt có vết thương dài gần 3cm gây chảy máu nghiêm trọng. Anh M. đã được truyền 5 lít máu và các chế phẩm trong suốt cuộc mổ.
Sau hai giờ phẫu thuật, điều kỳ diệu đã đến, trái tim anh M. đập trở lại và đáp ứng tốt với thuốc vận mạch, kiểm tra không thấy ruột bị thương tổn, máu đã được cầm qua vết thương. Anh được chuyển về khoa hồi sức tích cực - chống độc để tiến hành các biện pháp hồi sức chuyên sâu.
Bảy ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã tỉnh và không cần phải sử dụng thuốc vận mạch. Sau 20 ngày được chăm sóc tích cực, anh M. đã hồi phục.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận