Quy trình nhận diện truy xuất nguồn gốc heo - Đồ họa: Như Khanh |
Việc có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc miếng thịt tại chợ giúp người tiêu dùng giảm được rủi ro, nhưng còn không ít nguy cơ gian lận và rào cản phải gạt bỏ.
Theo ông Đào Hà Trung, chủ tịch Hội công nghệ cao TP.HCM, quy trình truy xuất thịt heo được hiểu đơn giản là con heo bắt đầu di chuyển từ trang trại tới lò mổ, chủ trang trại sẽ có phần mềm riêng, kích hoạt việc xác nhận nguồn gốc bằng cách quét vào thẻ gắn vào cơ thể con heo. “Lúc đó, thông tin về con heo sẽ được đưa lên cloud (kho lưu trữ thông tin), xác nhận heo của trang trại nào, thông tin về trang trại, heo được nuôi thế nào…” – ông Trung nói.
Các bước sau được tiến hành tương tự từ lò mổ, đến chợ đầu mối, rồi ra chợ lẻ hay siêu thị... Thương nhân, tiểu thương, người nhập hàng có trách nhiệm quét để kích hoạt thông tin lô hàng. Sau đó khi đem về bán lẻ, người bán sẽ dùng tem để dán trực tiếp lên sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ cần có phần mềm quét là truy xuất được nguồn gốc sản phẩm từ khâu chăn nuôi.
Người tiêu dùng hào hứng
Là nội trợ chính trong gia đình, chị Lưu Phương, ngụ Q.Gò Vấp, cho biết thi thoảng lắm mới mua thịt heo ở chợ vì không biết rõ nguồn gốc. Nên khi nghe TP.HCM triển khai dự án truy xuất nguồn gốc heo qua điện thoại thông minh, chị Phương nói hào hứng nhưng cũng rất tò mò vì trứng gà, thịt gà nguyên con truy xuất dễ chứ thịt heo bán lẻ thì làm thế nào.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng cho biết họ đã làm quen với hình thức truy nguồn gốc này, nhưng là với thịt ngoại nhập khẩu. Chị Thu Hằng, ngụ Q.9, kể gia đình chị gần đây sử dụng thịt heo nhập từ Tây Ban Nha có giá bán 1 triệu đồng/kg. “Khi mua, tôi được nhà phân phối cài phần mềm, trên sản phẩm đóng gói có mã vạch, dùng điện thoại quét mã là biết cả thông tin ngày heo được giết mổ...”, chị Hằng nói và cho biết phải mua thịt ngoại cũng chủ yếu vì lo an toàn thực phẩm.
Quyết làm, chỉnh sửa dần Dù có kiểm soát nhiều khâu, nhưng chị Thu Hằng (Q.9) cảnh báo “trong quá trình vận chuyển, nguy cơ thịt có nguồn gốc và thịt trôi nổi được trà trộn là có thể xảy ra”. Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu khó khăn nhất là việc vận hành chương trình liên quan tới rất nhiều khâu, rất nhiều người nên sẽ có những sai số. “Nhưng cứ làm rồi chỉnh sửa hoàn thiện dần” - ông Hòa nói. |
Người nuôi chần chừ
Dù đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu rõ nguồn gốc sản phẩm là tất yếu nhưng không phải chủ trang trại, nông dân nuôi heo nào cũng thông. Đã năm lần bảy lượt được vận động tham gia dự án nhưng ông Nguyễn Trường Duy (Quang Trung, Thống Nhất, Đồng Nai) vẫn không muốn tham gia.
Theo ông Duy, hàng trăm người nuôi heo quanh ông cũng không quan tâm, thậm chí lẩn trốn vì “vào đề án đồng nghĩa heo phải đạt chất lượng VietGAP, nhưng làm thì chi phí hàng chục triệu, chưa kể tiền đầu tư chuồng trại nhưng giá bán heo vẫn như nuôi bình thường”...
Đang mở rộng năng lực sản xuất lên 3.000 con heo mỗi năm nhưng ông Trần Hữu Lâm (Sông Rây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai) cũng còn băn khoăn với đề án. Theo ông Lâm, rất nhiều người nuôi quy mô vài chục con vẫn nhờ thương lái trà trộn với heo trại khác, vì thế có tem nhưng chưa chắc thịt đó “chuẩn”.
Tuy nhiên, với quy mô trại hơn 1.000 con heo, anh Luận (xã Thái Mỹ, H.Củ Chi, TP.HCM) lại rất hào hứng tham gia chương trình. Theo anh Luận, trước đây anh làm trang trại nuôi heo VietGAP nhưng giá bán bấp bênh vì người tiêu dùng vẫn chưa tin tưởng khi liên tiếp phát hiện heo bơm chất cấm.
“Tôi rất muốn chương trình đi vào thực hiện để lấy lại niềm tin nơi người tiêu dùng, từ đó việc kinh doanh sẽ trơn tru hơn”, anh Luận nói và cho rằng với chăn nuôi có quy mô thì số tiền chi phí tăng thêm không đáng kể.
Chưa phải người nuôi heo nào cũng muốn tham gia đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo. Trong ảnh: trại heo gần 1000 con của của một nông dân. Ảnh Nguyễn Trí |
Cần người tiêu dùng hỗ trợ
Về lo ngại thịt heo bán lẻ nên dễ bị trà trộn, tư thương dán tem cả vào thịt heo không rõ nguồn gốc, ông Đào Hà Trung - chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, trưởng nhóm dự án “truy xuất nguồn gốc” thịt heo - cho biết việc phân phối tem cho tiểu thương sẽ được tính toán, cấp dựa trên mặt bằng chung: ví dụ mỗi tiểu thương bán 50kg thịt, sử dụng hết 80 con tem thì sẽ cấp, tuy nhiên tem này chỉ sử dụng được trong ngày.
Về giá thành con tem, mỗi vỉ có 48 tem, giá khoảng 2.900 đồng/vỉ, mỗi tem có giá chỉ khoảng 60 đồng.
Trước câu hỏi liệu có xảy ra tình trạng trà trộn hàng hóa, ông Nguyễn Ngọc Hòa, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định tại các chợ đầu mối, tất cả hàng hóa đều phải có tem, niêm phong mới được cho nhập chợ, tương tự tại chợ lẻ, ban quản lý chợ phải kiểm soát việc này. Ngoài ra sẽ có hệ thống camera do Nhà nước đầu tư để giám sát thì cũng sẽ có camera “ngầm” để kiểm soát thêm một vòng nữa.
“Nếu trà trộn tiểu thương sẽ phải sử dụng số tem cao hơn bất thường, lúc này chúng tôi sẽ khoanh vùng và giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện sẽ công bố công khai sạp bán hàng gian dối” - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, với việc xây dựng chương trình truy xuất nguồn gốc, ngoài đảm bảo được chất lượng thịt còn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng cho người bán. Theo đó, chỉ cấp phép cho các tiểu thương tham gia chương trình nếu có đăng ký kinh doanh, nộp thuế, kinh doanh bên trong nhà lồng chợ. “Đối với người bán dạo, bán không nộp thuế, không rõ nguồn gốc sản phẩm sẽ không được tham gia chương trình”.
Đặc biệt, để chương trình thành công, ông Hòa cho biết cần sự đóng góp không nhỏ của người tiêu dùng trong việc mua ở đâu, mua như thế nào. “Nếu ai đi mua thịt cũng đòi hỏi phải có tem, lúc đó thịt heo bẩn, thịt heo không rõ nguồn gốc sẽ không còn đất sống” - ông Hòa nói.
Bắt đầu từ ngày 10-12-2016 Chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng công nghệ thông tin nằm trong mô hình “Chợ thí điểm an toàn thực phẩm” do Sở Công thương, Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và Hội Công nghệ cao TP.HCM thực hiện. Chương trình sẽ được bắt đầu thí điểm từ ngày 10-12-2016 và triển khai chính thức trên toàn thành phố từ ngày 1-3-2017. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận