13/04/2018 10:15 GMT+7

Truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu: Vẫn còn bỏ ngỏ

BÌNH MINH
BÌNH MINH

TTO - Trong khi nhiều nước yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc đối với trái cây nhập khẩu từ VN nhưng ở chiều ngược lại, người tiêu dùng băn khoăn tại sao không áp dụng các quy định như vậy với trái cây ngoại nhập?

Truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu: Vẫn còn bỏ ngỏ - Ảnh 1.

Trái cây không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bày bán tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc thiếu các quy định chặt chẽ về truy xuất nguồn gốc dẫn tới tình trạng nhiều loại rau quả Trung Quốc nhập về VN, sau đó biến mất trên thị trường và được phù phép thành rau củ trong nước hoặc trái cây từ các thị trường cao cấp.

Tin vào người bán

Là người đang thực hiện chế độ thanh lọc cơ thể (detox) bằng nước ép rau quả, chị Diệp Chinh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết hay mua các loại táo, củ dền, cà rốt về để ép nước uống. 

Vì trái cây mua về thường chỉ rửa sạch rồi cho vào máy ép sau đó uống ngay nên chị khá cẩn trọng khi chọn mua. Rau quả trong nước, chị mua của những thương hiệu nổi tiếng, còn trái cây không có trong nước như lê, táo, kiwi,… chị rất đắn đo mỗi khi mua hàng.

Trong các siêu thị hay cửa hàng bán trái cây đều có ghi rõ nguồn gốc của trái cây như  như cam Mỹ, táo Úc, kiwi New Zealand, lê Hàn Quốc…  Tuy nhiên, đó đều là thông tin mà người bán đưa ra, thực tế có đúng là hàng nhập khẩu từ các nước nói trên hay không thì không thể biết được. 

"Tôi chỉ mua ở các siêu thị và cửa hàng uy tín nhưng vẫn chủ yếu dựa vào niềm tin. Nếu có cách nào có thể truy xuất nguồn gốc trái cam hay trái táo mình mua từ nhà sản xuất nào, quốc gia nào thì yên tâm hơn nhiều", chị Chinh cho hay.

Băn khoăn của chị Chinh cũng là lo lắng của nhiều người tiêu dùng hiện nay khi mua trái cây ngoại nhập vì không có khả năng biết chính xác loại trái cây đó đến từ đâu. Chính vì vậy khách hàng rất lo lắng việc mua nhầm hàng trái cây Trung Quốc nhưng đội lốt trái cây từ Anh, Mỹ, Úc.

Khó truy xuất nguồn gốc

Nếu như người tiêu dùng chọn mua tại các kênh phân phối hiện đại tạm yên tâm vì tin rằng thương hiệu lớn phải làm ăn uy tín, thì người mua tại các cửa hàng trái cây nhỏ lẻ hay các xe bán hàng còn khó truy xuất nguồn gốc hơn.

Trong số 10 thị trường xuất khẩu trái cây lớn nhất của VN thì gần như nước nào cũng yêu cầu phải có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng và yêu cầu cao về chất lượng. 

Trong đó, những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… yêu cầu trái cây VN xuất khẩu sang nước họ phải theo những tiêu chuẩn rất khắt khe. 

Theo Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), để chuẩn bị cho một loại trái cây tươi xuất khẩu vào các nước trên phải mất từ 3-5 năm.

Không chỉ có các thị trường khó tính, mới đây thông tin từ Bộ phận Thị trường châu Á-Phi cho biết đã nhận được yêu cầu từ chính quyền tỉnh Quảng Tây để tìm ra nguồn gốc trái cây nhập khẩu VN thông qua các cửa khẩu tại tỉnh này. 

Theo đó, từ ngày 1-4, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập trái cây từ VN phải cung cấp hình ảnh đóng gói có chứa dấu vết và thông tin chất lượng sản phẩm khi làm thủ tục xin giấy phép kiểm dịch động thực vật nhập khẩu tại cơ quan kiểm dịch nhập khẩu Quảng Tây. 

Các lô hàng cũng phải liệt kê tên của loại quả và nguồn gốc của chúng, cũng như tên và mã của các cơ sở đóng gói bằng tiếng tiếng Trung Quốc. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thêm nhãn với thông tin, mã vạch, mã phản hồi nhanh hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất kỳ lúc nào.

Như vậy, một thị trường được coi là dễ tính như Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc để đảm bảo an toàn thực phẩm. 

Người tiêu dùng trong nước và các công ty kinh doanh bài bản cũng thắc mắc tại sao VN chưa áp dụng những tiêu chuẩn này đối với trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng và các thị trường khác nói chung để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và bình đẳng cho doanh nghiệp?

Việc Trung Quốc áp dụng quy định các lô hàng trái cây của VN vào nước họ phải truy xuất nguồn gốc là một yêu cầu rất cơ bản trong kinh doanh nông sản, thực phẩm.

Ông Phùng Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH Toàn cầu trái cây tươi (tỉnh Bến Tre)

Việc truy xuất nguồn gốc ban đầu sẽ gây khó khăn cho một số doanh nghiệp gom hàng đủ loại trên thị trường để xuất khẩu vì phải xây dựng vùng nguyên liệu bài bản. Nhưng về lâu dài điều này tốt cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.

Tuy nhiên, VN cũng nên áp dụng các quy định về truy xuất nguồn gốc với trái cây nhập khẩu, vì nhiều doanh nghiệp đã cố tình trộn hàng Trung Quốc với hàng cao cấp để bán cho người tiêu dùng vì không kiểm soát được nguồn gốc.

Theo Tổng cục hải quan, trong ba tháng đầu năm 2018 VN đã nhập khẩu 345 triệu USD các loại rau quả, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, xuất khẩu rau quả của VN đi các thị trường đạt trên 970 triệu USD. 

Dù thặng dư về ngành hàng rau quả và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng này là rất cao nhưng trong những năm trở lại đây, tốc độ nhập khẩu rau quả còn cao hơn. Trái cây Thái Lan chiếm hơn 60% nguồn cung nhập khẩu, tiếp theo đó là Trung Quốc với gần 20%, xếp sau đó lần lượt là Mỹ, EU, Úc, Hàn Quốc, Chi lê…

Theo quy định của Cục bảo vệ thực vật (đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn thực phẩm trái cây nhập khẩu) thì các yêu cầu với hàng hóa từ các nước nói trên chỉ dừng ở mức độ trái cây được đóng gói tại các cơ sở được cấp phép của nước xuất khẩu, phải được xử lý (ví dụ bảo quản lạnh) và được kiểm dịch. Những quy định chi tiết hơn về truy xuất nguồn gốc như phía Trung Quốc áp dụng với trái cây VN là chưa có.

Cần sớm áp dụng truy xuất nguồn gốc

TS Võ Mai, Phó chủ tịch Trung ương Hội làm vườn VN cho biết, có nhiều loại trái cây ôn đới mà VN khó trồng được như các loại táo, lê, cherry, kiwi… trong khi nhu cầu của người dân ngày càng tăng do thu nhập cao lên do đó phải nhập khẩu.

Nhưng còn một nguồn cung rất lớn nữa từ Thái Lan đều là những loại trái cây mà VN đang trồng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, mít… tốc độ nhập khẩu về VN tăng rất cao trong những năm qua.

Nguyên nhân là mẫu mã và chất lượng hàng của Thái Lan ổn định hơn hàng VN nên các thương lái ưa chuộng, chưa kể một lượng lớn trái cây từ Thái Lan nhập về VN rồi xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Việc truy xuất nguồn gốc là yêu cầu bình thường trong thương mại ngày nay nhưng sẽ có tác động tích cực tới chất lượng sản phẩm và sự minh bạch của thị trường. VN cần sớm áp dụng các quy định này với rau quả nhập khẩu", TS Võ Mai cho biết.

BÌNH MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên