Bj cáo Trần Phương Bình tại phiên tòa - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Tiếp tục trong phiên xử 26 bị cáo gây thiệt hại hơn 3.600 tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á (DAB) ngày 4-12, đại diện VKS và HĐXX đã thẩm vấn nguyên chủ tịch HĐQT của DAB và đại diện Ngân hàng Nhà nước về sai phạm suốt 10 năm tại DAB.
Tăng vốn khống, 10 năm thanh tra không phát hiện
Đại diện VKS đã có câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về trách nhiệm của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng Nhà nước trong việc để xảy ra sai phạm trong suốt gần 10 năm mà không phát hiện ra sai phạm.
Ông Võ Văn Thuần, đại diện NHNN, cho rằng việc tăng vốn điều lệ của DAB do NHNN tại TP.HCM báo cáo với NHNN, sau đó NHNN xuống kiểm tra về việc tăng vốn điều lệ năm 2007 và cho biết đều có biên bản.
Tuy nhiên, khi VKS đề nghị cung cấp các văn bản kiểm tra này thì đại diện NHNN nói sẽ cung cấp sau, dù vậy HĐXX cho rằng phải cung cấp trong ngày.
Khi chủ toạ hỏi vậy cổ đông vay chính tiền của DAB để mua cổ phần từ DAB thì có được không thì đại diện NHNN khẳng định không được. Thậm chí, nguồn tiền sử dụng để tăng vốn điều lệ là của cá nhân tổ chức khác, nếu phát hiện thì cũng không được chấp nhận.
Thẩm phán chủ tọa đưa ra lời khai của bị cáo Trần Phương Bình cho thấy từ năm 2007 đến 2014 tất cả nguồn tiền tăng vốn điều lệ đều là tiền khống, vậy NHNN giải thích sao về việc này? Đại diện NHNN cho rằng việc vốn khống để tăng vốn điều lệ, đại diện NHNN thấy khó vì không phát hiện ra.
Không phát hiện do không thanh tra toàn diện?
Chủ tọa tiếp tục truy: NHNN đã thực hiện nhiều lần kiểm tra nhưng không phát hiện việc tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn không hợp pháp, hay nói cách khác là không có nguồn vốn thật, vậy trách nhiệm của NHNN thế nào, của Thanh tra giám sát NHNN thế nào trong việc kiểm tra tại NHNN trong giai đoạn từ 2007 đến 2014?
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đại diện NHNN cho rằng: "Dấu hiệu thủ đoạn của các bị cáo tinh vi nên không thể nào ngày một ngày hai phát hiện được. Để NHNN đề nghị khởi tố vụ án này thì chúng tôi phải làm 16 tháng và phát hiện các hành vi sai phạm, bởi các hành vi này phát sinh lâu dài và rất khó khăn".
HĐXX cho rằng đã phân tích cho bị cáo và xem xét trách nhiệm của các đoàn kiểm tra, thanh tra giám sát NHNN, vì chỉ cần để ý thì dòng tiền kế toán sẽ phát hiện ra, rồi kiểm tra quỹ thì phát hiện ra, nhưng cơ quan tranh tra gần 10 năm không phát hiện được. Thủ đoạn không khác gì, vậy tại sao năm 2014 lại phát hiện?
Đại diện NHNN lý giải khi phát hiện việc điều chuyển tiền và vàng xuống chi nhánh, kiểm tra chi nhánh lại đưa lên hội sở, khi về hội sở lại bảo do sự cố tin học nên không kiểm tra. Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN có kế hoạch thanh tra theo từng chuyên đề, từng nội dung chứ không phải thanh tra toàn diện. Đến năm 2014 thanh tra toàn diện mới phát hiện hành vi vi phạm trong quá trình điều chuyển vốn từ nơi này qua nơi khác để qua mặt cơ quan nhà nước. Báo cáo về NHNN vẫn báo cáo tốt.
Khi chủ tọa hỏi có thấy trách nhiệm của NHNN khi để sai phạm kéo dài 10 năm hay không? Đại diện NHNN cho rằng đã rút ra bài học kinh nghiệm, việc thanh tra cần phải tranh tra toàn diện chứ không manh mún nhỏ lẻ để xảy ra sai lầm như hôm nay.
Nguyên chủ tịch HĐQT Phạm Văn Bự thấy chưa hoàn thành trách nhiệm
Đại diện VKS hỏi trách nhiệm nguyên chủ tịch HĐQT DAB là ông Phạm Văn Bự, ông cho biết ông được phân công phụ trách điều hành và chịu trách điều hành chung, còn phụ trách công việc hằng ngày do HĐQT phụ trách.
Ông Bự nói không biết việc ông Bình làm sai từ năm 2007 đến 2014 vì trong các báo cáo do HĐQT và công tác họp đều nói là hoạt động rất hiệu quả.
"Về việc ngân hàng Đông Á thiệt hại, đến giờ này tôi biết, giống như vai trò dù kiêm nhiệm, mình chưa hoàn thành nhiệm vụ của đại hội cổ đông cũng như điều lệ ngân hàng", ông Bự nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận