Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập
Trong lịch sử của Quân đội Việt Nam, Kostas Sarantidis là cái tên đặc biệt sẽ được nhắc mãi với quá nhiều điều đặc biệt.
"Về được đây là ta mừng cho hắn lắm"
Khuôn viên nhà tang lễ Quân khu 5 sáng 2-8 chật kín người. Trong hàng binh ngũ chỉnh tề, đại tá Võ Văn Minh - nguyên cán bộ Trung đoàn 803 (sau này về làm trưởng Phòng lịch sử Quân khu 4) - cùng hai đồng đội chiến đấu cùng thời với đại úy Kostas Nguyễn Văn Lập đứng run run tiễn đưa người bạn thân thiết.
Đại tá Võ Văn Minh cho biết ông gặp Kostas Sarantidis vào năm 1949 sau khi Kostas được biên chế ra chiến đấu tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.
"Hồi mới đầu thì Lập chưa nói được tiếng Việt nhiều. Tụi tui thì đói, lính thằng nào cũng da xanh, chân đất, đầu trần, trên người không có vũ khí nào mà thấy Lập thì da trắng, to khỏe. Tụi tui chiến đấu cùng nhau trong biên chế thuộc Trung đoàn 803, thấy ổng to khỏe nên lúc nào cũng giao cho khẩu súng nặng nhất" - ông Minh nhớ lại.
Đại tá Võ Văn Minh cùng đồng đội chiến đấu cùng thời chào tiễn đưa đại úy Kostas Nguyễn Văn Lập - Ảnh: B.D.
Theo ông Minh, càng chiến đấu cùng nhau, ngay cả những người lính Việt cũng phải nể phục sự dũng cảm, gan lì và nhanh nhẹn của Kostas. "Tôi biết Lập học hành rất ít, đâu chỉ tới lớp 3 lớp 4 gì đó nhưng đó là một người lính cực kỳ thông minh và lanh lẹ. Lập nói được 4-5 thứ tiếng, từ tiếng Đức, Hy Lạp, tiếng Anh, tiếng Pháp rồi rành cả tiếng Việt Nam như người bản địa".
Theo ông Minh, vào năm 1965, sau thời gian dài chiến đấu tại Việt Nam, Kostas Nguyễn Văn Lập trở về Hy Lạp sống cùng mẹ già. Ở nửa vòng trái đất, đồng đội Việt của ông vẫn tiếp tục cầm súng qua nhiều cuộc chiến để tìm kiếm tự do, độc lập. Họ không hề biết rằng Lập không một ngày nào thôi thương nhớ và ngóng về đồng đội.
Lễ di quan và tiễn đưa Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập về nơi an nghỉ cuối cùng - Ảnh: TTXVN
Người nhà của Kostas kể rằng khi xem tivi biết tin Việt Nam đại thắng mùa xuân 1975 khỏi đế quốc Mỹ, ông đã bật khóc rồi đi tìm tất cả đầu báo để đọc tin tức. Một ngày vào năm 2015, báo Quân Đội Nhân Dân đăng một bức thư của người gửi từ Hy Lạp.
Người này kể về quãng thời gian chiến đấu ở Quảng Nam - Đà Nẵng và bày tỏ mong muốn tìm lại được đồng đội cũ. Khi văn thư giao tờ báo hằng ngày tới căn nhà số 111 Ngũ Hành Sơn, đại tá Võ Văn Minh giật nảy người khi biết tác giả của bức thư trên tờ báo chính là đại úy Nguyễn Văn Lập - đồng đội của ông.
Quốc kỳ Việt Nam được phủ lên hòm đựng tro cốt của người lính quốc tịch Hy Lạp - Ảnh: B.D.
"Lập nè, Lập Việt Minh đây!"
Đại tá Minh bùi ngùi kể lại rằng ông tìm tới tận trụ sở báo Quân Đội Nhân Dân để nhờ gửi bức thư tới liên lạc với Lập. Thật bất ngờ, một thời gian sau ông Minh nhận được cú điện thoại từ Hy Lạp. Người gọi là Kostas Nguyễn Văn Lập.
"Tui mừng tới phát khóc. Tưởng nó về Hy Lạp rồi quên mình, quên đồng đội rồi, nào ngờ mấy chục năm nay vẫn cố gắng tìm kiếm. Kostas đón máy bay qua Việt Nam, tui ra sân bay và thấy ổng bước xuống, già lắm rồi nhưng cái dáng to cao, gan lì đó làm sao không nhận ra được. Tụi tui ôm nhau khóc, ổng cũng khóc, rồi sụt sùi bảo Minh ơi, tao Lập đây, Nguyễn Văn Lập - đại úy quân đội Việt Minh đây!" - ông Minh nhớ lại.
Hình ảnh tiếp nhận tro cốt Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Kostas Sarantidis - Nguyễn Văn Lập tại sân bay và đưa về Nhà tang lễ Quân khu 5
Trong lễ tiễn đưa Kostas Nguyễn Văn Lập được tổ chức theo nghi lễ quân đội Việt Nam sáng 2-8, ông Minh cùng hai đồng đội bước không còn vững tới tiễn đưa. Ba cựu binh được cho ngồi một ghế riêng trong khi quan khách đứng tưởng niệm. Khi thấy ông Minh tới, ba cô con gái của ông Lập bay từ Hy Lạp qua đã không cầm được nước mắt vì xúc động.
"Xong ở đây về nhà mình nhé! Lập về được đây là ta cùng mọi người mừng cho hắn lắm vì lúc sống khi nào ổng cũng nói muốn được chôn cất ở Việt Nam. Về đây được gần đồng đội, được về với bà con thân thuộc, rứa là toại nguyện rồi" - ông Minh ôm người thân của ông Lập, giọng run rẩy.
Ông Lê Hồng Trường - đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hy Lạp - cho biết để đưa được tro cốt của Kostas Nguyễn Văn Lập về Việt Nam là cả một sự cố gắng và thuận lòng của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và người thân của ông Lập.
"Tôi qua nhận công việc ở Hy Lạp một thời gian ngắn thì bác Lập mất. Nhưng mỗi lần gặp chúng tôi bác luôn hỏi về Việt Nam, rồi nói rằng chỉ muốn được đưa tro cốt về chôn cất ở Việt Nam. Con người ta quy luật là lá rụng về cội, ai cũng muốn về nằm lại nơi quê hương sinh ra mình nhưng bác Lập lại là một trường hợp quá đặc biệt.
Không chỉ là người nước ngoài duy nhất tới nay được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, mà là người hiếm hoi xin đưa tro cốt tới một đất nước không phải nơi mình sinh ra. Điều đó cho thấy sức ảnh hưởng to lớn của hình ảnh đất nước, tình cảm nhân dân con người Việt Nam" - ông Trường nói.
Theo đại sứ Trường, tháng 6-2021 ông Kostas qua đời tại quê nhà Hy Lạp, ngoài lễ tang theo truyền thống người bản xứ thì gia đình cũng tổ chức cho ông kết hợp nghi lễ truyền thống phong tục người Việt Nam.
Di nguyện của ông được gửi đến các cơ quan ngoại giao, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trong chuyến thăm Hy Lạp năm 2021 đã lắng nghe, tác động và yêu cầu các cơ quan trong nước làm các thủ tục để ông Kostas hoàn thành tâm nguyện.
Sau nhiều tháng chờ đợi, lúc 20h đêm 1-8, chuyến bay chở tro cốt đại úy Kostas với sự có mặt của ba cô con gái cùng người con rể đã hạ cánh. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã làm lễ tiếp nhận trang nghiêm ngay tại sân bay Đà Nẵng, linh cữu ông Lập được đặt tại nghĩa trang Quân khu 5 đóng tại Hòa Vang.
Tro cốt của ông Lập được đưa về an táng tại nghĩa trang Quân khu 5 - Ảnh: B.D.
"Thây tôi về Hy Lạp, hồn tôi ở lại Việt Nam"
Bà Foteini Sarantidou - con gái ruột của đại úy Kostas Nguyễn Văn Lập - cho biết từ ngày về quê nhà, bố của bà sống y hệt một người Việt Nam. Ông xem tivi các chương trình về Việt Nam, luôn giữ bên mình bộ quân phục Quân đội nhân dân Việt Nam mang quân hàm đại úy mà ông được cấp khi còn chiến đấu với cái tên Nguyễn Văn Lập.
Ông có tất cả 4 người con gồm một con trai đầu, ba cô con gái sau và hai cháu nội. Điều rất đặc biệt là tất cả con, cháu của ông đều đặt tên Việt Nam: Trung Thành (1959 - hiện làm việc ở Liên minh châu Âu), Bạch Tuyết (1961 - cựu hiệu trưởng trường tiểu học), Bạch Nga (1963) và con gái út tên là Tự Do.
Tro cốt của ông Lập được đưa về an táng tại nghĩa trang Quân khu 5 - Ảnh: B.D.
"Trong phòng của bố luôn treo bức tranh thêu bằng chỉ vàng với dòng chữ "Thây tôi về Hy Lạp, hồn tôi ở lại Việt Nam". Như cánh chim bay lạc, nay bố tôi được về lại quê hương của chúng ta, đất mẹ Việt Nam.
Chúng tôi cảm thấy tâm hồn ông sẽ hạnh phúc khi dạo chơi ở phố cổ Hội An, được gặp những người đồng đội cũ ở Đại đội 1, Tiểu đoàn 39, Tiểu đoàn 26, Tiểu đoàn 365 thuộc Trung đoàn 803 anh hùng" - bà Foteini Sarantidou Bạch Tuyết nghẹn ngào khi đứng lên đọc lời cảm tạ trong lễ tiễn đưa bố mình.
Người lính đặc biệt
Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập sinh năm 1927 tại Athens, Hy Lạp và mất ngày 25-6-2021 sau thời gian lâm bệnh nặng. Tính tới nay, ông là trường hợp duy nhất một người ngoại quốc được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 1943, Kostas Nguyễn Văn Lập bị bắt đi lính phục vụ trong Đức quốc xã. Tháng 2-1946, ông bị đưa tới Việt Nam phục vụ trong quân đội lê dương Pháp.
Bà Bạch Tuyết - con gái cả của đại úy Lập - xúc động khi gặp đồng đội cũ của cha mình - Ảnh: B.D.
Chứng kiến tội ác dã man của thực dân, Nguyễn Văn Lập quyết định trốn khỏi lính Pháp tới vùng tự do ở tỉnh Bình Thuận và tham gia lực lượng Việt Minh. Từ đó, ông chính thức mang tên Kostas Nguyễn Văn Lập.
Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Kostas Nguyễn Văn Lập được giao nhiệm vụ làm công tác địch vận trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng và giành được nhiều chiến công vang dội. Năm 1949, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1965, ông cùng gia đình trở về Hy Lạp sống cùng mẹ già và dành hết thời gian giúp đỡ Việt Nam.
Với cống hiến đặc biệt của mình, Kostas Nguyễn Văn Lập được Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2010, ông được công nhận quốc tịch Việt Nam, tới năm 2013 ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận