05/08/2021 14:08 GMT+7

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 2: Đi tìm tác giả cầu Trường Tiền

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Hàng ngàn bài báo, hàng trăm cuốn sách có cả từ điển, viết về Huế, về cầu Trường Tiền lâu nay đều ghi rằng: cầu Trường Tiền do Hãng Eiffel (Pháp) xây dựng.

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 2: Đi tìm tác giả cầu Trường Tiền - Ảnh 1.

Cầu Thành Thái ( Trường Tiền) đã được phục hồi sau cơn bão năm 1904, mặt cầu đúc lại ximăng - Nguồn ảnh: Bảo tàng Quai Branly

Vì vậy, người Huế và du khách thập phương đều truyền tụng chiếc cầu sắt này cùng với tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris là "anh em ruột" cùng một "người cha" là kỹ sư Gustave Eiffel. 

Nhưng các tài liệu lưu trữ trong văn khố nước Pháp đã cho thấy rất rõ không phải như vậy.

Không phải là Eiffel

Sau khi đến Huế gặp vua Thành Thái (3-1897) và bàn việc xây dựng cầu Trường Tiền, quan Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đề nghị cần tổ chức đấu thầu để chọn nhà thầu phù hợp cho việc xây dựng chiếc cầu sắt qua sông Huế (người Pháp lúc đó không gọi là sông Hương). Cả sách Đại Nam Thực Lục - chính sử của triều Nguyễn - lẫn các văn bản của phủ Toàn quyền Đông Dương đều ghi rõ những thông tin này.

Tuy nhiên, phải đến ngày 10-12-2020, thông tin này mới được làm rõ khi ông Tim Doling - tác giả của cuốn sách Exploring Huế - lên tiếng trong bài báo "Bác bỏ những chuyện hoang đường về Eiffel trong lĩnh vực du lịch Việt Nam". Theo chỉ dẫn của Tim Doling, chúng tôi đã tìm thấy nhiều tư liệu đặc biệt về cầu Trường Tiền đang lưu trữ trong Thư viện quốc gia của Pháp.

Một chương trình cùng các thông số kỹ thuật cho việc đấu thầu xây dựng cầu sắt bắc qua sông Huế đã được Toàn quyền Đông Dương P. Doumer phê duyệt vào ngày 26-5-1897. Tiếp đó, ngày 31-8-1897, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành nghị định số 884, thành lập một ủy ban để thẩm định các hồ sơ dự thầu do quan Khâm sứ Trung Kỳ làm chủ tịch, với các thành viên là giám đốc Sở Công chánh Trung Kỳ và Bắc Kỳ, kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung Kỳ, đại úy pháo binh phụ trách tiểu khu Huế, và kỹ sư phó của Tòa Công sứ Thừa Thiên làm thư ký.

Đến ngày 27-9-1897, đại diện của triều đình là quan đại thần Nguyễn Thân được bổ sung làm phó chủ tịch ủy ban này. Ủy ban đã nhóm họp tại Huế ngày 15-10-1897, xem xét các hồ sơ tham gia đấu thầu và báo cáo để Toàn quyền Đông Dương quyết định.

Có 5 hồ sơ dự án tham gia đấu thầu xây dựng chiếc cầu qua sông Huế. Sau khi xem xét báo cáo của ủy ban xét chọn thầu, Toàn quyền Đông Dương đã ban hành nghị định số 1204 phê duyệt dự án của nhà thầu Société Schneider et Cie et Letellier, đại diện là kỹ sư Dessoliers ở Hà Nội. Số tiền được phép chi cho công việc này là 723.826,50 francs, từ ngân sách của chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ (tức của Pháp) năm tài chính 1898. Các nghị định trên đây được in trong cuốn Bulletin officiel de l’Indo-chine Française (Công báo Đông Dương) số 9 và 11 năm 1897.

Dự án của bốn nhà thầu bị loại cũng được nhận tiền thưởng và bản đồ án đó trở thành tài sản của chính quyền bảo hộ. Hai nhà thầu Compagnie Fives-Lille và Société de Levallois-Perret được thưởng 2.000 francs, hai nhà thầu Société des Ponts et Travaux và Société Daydé et Pillé en fer được thưởng 1.000 francs. 

Thông tin này được ghi trong nghị định số 1205, ngày 5-11-1897 của Toàn quyền Đông Dương in trong Công báo Đông Dương số 11-1897. Trong đó, nhà thầu Société de Levallois-Perret chính là "hậu duệ" của Công ty Etablissements Eiffel do kiến trúc sư G. Eiffel làm chủ tịch, nhưng vào năm 1893 ông Eiffel đã từ chức, và công ty này không còn mang tên ông nữa.

Bản báo cáo "Tình hình Đông Dương từ năm 1897 đến năm 1901" của Toàn quyền Đông Dương P.Doumer gửi Chính phủ Pháp cho biết dự án của Schneider et Cie et Letellier được đánh giá là vượt trội so với các nhà thầu khác. Việc xây dựng cây cầu này đã chính thức giao cho nhà thầu này vào ngày 23-11-1897.

Schneider et Cie et Letellier là ai? Cho đến lúc này vẫn ít người biết đến.

Công ty công nghiệp hàng đầu nước Pháp

Trong khi Công báo Đông Dương đều ghi nhà thầu Schneider et Cie et Letellier trúng thầu xây cầu qua sông Huế thì sách Xứ Đông Dương của P.Doumer lại ghi "nhà thầu Creusot đã thi công cây cầu này" khiến cho nhiều người thắc mắc. 

Nhà thầu Creusot chính là Công ty Schneider et Cie. Còn Letellier là một công ty khác của Pháp. Schneider et Cie et Letellier là liên danh của hai công ty Schneider et Cie và Letellier et Cie (Cie là viết tắt của từ tiếng Pháp compagnie: công ty).

Theo tài liệu của Schneider et Cie công bố vào năm 1900 hiện lưu hành tại Thư viện quốc gia Pháp, công ty này được hai anh em nhà Schneider là Adolphe và Eugène thành lập vào năm 1836, tại thị trấn Le Creusot thuộc tỉnh Saône-et-Loire, vùng Bourgogne-Franche-Comté phía Đông nước Pháp. 

Schneider et Cie chuyên hoạt động trong lĩnh vực luyện kim, khai khoáng (than đá và quặng sắt), chế tạo máy (đầu máy, động cơ, tuôcbin...), cung ứng thiết bị xây dựng. Giữa thế kỷ 19, Schneider et Cie trở thành một trong vài tập đoàn công nghiệp đầu tiên của Pháp đạt đẳng cấp quốc tế, đã tham gia tích cực vào cuộc khai thác thuộc địa của Pháp ở các châu lục.

Từ năm 1870, Schneider et Cie đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất thiết bị cho ngành xây dựng dân dụng như đường sắt (đường ray, đầu máy xe lửa, cầu), đóng tàu thuyền, xây dựng hải cảng, cầu đường, thiết bị đường sông (âu thuyền, đập), nhà xưởng công nghiệp...

Công ty này còn được gọi là Schneider - Creusot, chính là tên của người thành lập và nơi ra đời, về sau công ty đóng trụ sở chính ở Paris. Năm 1913, Schneider et Cie là một trong hai công ty công nghiệp có tên trong danh sách 20 công ty tư bản hàng đầu của Pháp. 

Đến đầu thế kỷ 20, Schneider et Cie tham gia vào lĩnh vực điện lực (máy phát điện, máy biến áp và phân phối điện). Một thời gian sau, cái tên Schneider et Cie không còn nữa, bởi nó đã thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư trước đó, và trở thành Công ty Schneider Electric hiện nay chuyên sản xuất các sản phẩm quản lý điện năng và tự động hóa.

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 2: Đi tìm tác giả cầu Trường Tiền - Ảnh 2.

Thông tin cầu Thành Thái trong hồ sơ cầu kim loại do Hãng Schneider et Cie thi công - Ảnh chụp lại từ tư liệu của Thư viện quốc gia Pháp

Schneider cũng không ngờ Trường Tiền vào lịch sử

Xem các tài liệu do Schneider et Cie giới thiệu về các sản phẩm của mình, sẽ cảm thấy như công ty này kiến thiết nên cả một phần hạ tầng hiện đại của thế giới bấy giờ, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cầu đường. Trong 58 năm (1853 - 1911), Schneider et Cie đã xây dựng hơn 350 cây cầu lớn nhỏ ở khắp bốn châu lục Âu, Mỹ, Á, Phi, trong đó có cây cầu nổi tiếng thế giới Alexandre III bắc qua sông Seine ở trung tâm thủ đô Paris. 

Tại Việt Nam, Schneider et Cie đã xây dựng 28 chiếc cầu trong 34 năm cuối thế kỷ 19, trong đó có những cây cầu sắt lớn trên tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh và Hải Phòng - Hà Nội - Việt Trì, Hà Nội - Lạng Sơn, như cầu bắc qua sông Thái Bình, sông Thương, sông Cầu, sông Kỳ Cùng, Phủ Lý, Ninh Bình...

Trong bộ tài liệu giới thiệu những chiếc cầu mang tên Schneider et Cie, chiếc cầu sắt bắc qua sông Huế không nổi bật lắm. Nhưng ở Việt Nam, Tập đoàn Schneider không ngờ rằng chiếc cầu ấy đã trở nên nổi tiếng với cái tên Trường Tiền, không chỉ vì vẻ đẹp kiến trúc mà còn vì nó là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử, trở thành một trong những biểu tượng của Huế.

Không chỉ Schneider mà còn có Letellier

Các văn bản của Toàn quyền Đông Dương về việc đấu thầu xây dựng cầu qua sông Huế đều ghi nhà thầu được chọn là "La société Schneider et Cie et Letellier". Có thể hiểu đây là một liên danh của hai công ty: Schneider et Cie và Letellier et Cie. Thông tin về Schneider et Cie thì đã rõ, vì tài liệu lưu trữ vẫn còn khá nhiều, nhưng Letellier et Cie thì rất ít.

Sau khi dò tìm ở các kho tư liệu liên quan, chúng tôi thu nhận được một số thông tin về công ty này. Letellier et Cie là một công ty của Pháp, ra đời tại thị trấn Douvres-la-Délivrande thuộc tỉnh Calvados, vùng Normandie ở tây bắc nước Pháp. Công ty này từng tham gia xây dựng kênh đào Panama. Tại Việt Nam, Letellier et Cie là nhà thầu thi công nhà máy nước Yên Phụ (Hà Nội) vào năm 1894 và sau đó thi công mạng lưới cấp nước cho thành phố Hà Nội.

**********

Tháng 10 năm Giáp Tý (11-1900), vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer dự lễ khánh thành chiếc cầu sắt qua sông Hương. Ban đầu, người Pháp lấy niên hiệu của vua để đặt tên là cầu Thành Thái.

>> Kỳ tới: Cây cầu truân chuyên

Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 1: Nhịp cầu nối đường thiên lý Trường Tiền - chuyện chưa kể cây cầu lịch sử - Kỳ 1: Nhịp cầu nối đường thiên lý

TTO - Trường Tiền, cây cầu ra đời từ hơn một thế kỷ trước, đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc với nhiều người. Nhưng có những chuyện của cây cầu cổ xưa ấy ít người biết hoặc biết không chính xác.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên