11/08/2011 06:55 GMT+7

Trưởng thôn vùng giải tỏa đối thoại với tỉnh

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - Lần đầu tiên sau hơn 13 năm chia tách, sáng 10-8, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh và các trưởng thôn, già làng, khối phố vùng giải tỏa.

eaVbCaAP.jpgPhóng to
Một trưởng thôn trình bày bức xúc của bà con trong thôn mình tại buổi đối thoại - Ảnh: TẤN VŨ

Cuộc đối thoại “vượt rào” bỏ qua chính quyền cấp xã, huyện để lắng nghe vướng mắc của người dân một cách thẳng thắn, thú vị.

Xin đừng đẩy dân vào núi

Từ sáng sớm, 115 trưởng thôn, già làng từ vùng núi, hải đảo đã tập trung đông đủ tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Các trưởng thôn, già làng đều rụt rè mang trong mình nỗi ưu tư nhất định của hàng ngàn cư dân vùng dự án, vùng giải tỏa, thậm chí cả ý kiến của nhiều người dân khiếu kiện, khiếu nại đến gặp chính quyền.

Cầm trên tay tập hồ sơ chi chít ý kiến của bà con ở thôn Hà My Đông B (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), trưởng thôn Nguyễn Thanh Vũ là người “phát pháo” đầu tiên với chính quyền tỉnh. “Chính quyền luôn nói thu hồi đất người dân và sẽ tái định cư chỗ mới tốt hơn chỗ cũ nhưng không có gì đổi mới hết. Điện, đường, trường, trạm y tế... đều không có hoặc làm rất tệ.

Đất đền bù giá 800.000 đồng/m2, trong khi đó người dân bán ngoài giá 5-6 triệu đồng/m2, chịu sao được? Tỉnh nghèo lại nhiều dự án, nhiều công ty nhảy vào xí phần đất mà không thi công, cuối cùng người dân lãnh đủ” - ông Vũ bức xúc.

Huyện Điện Bàn giáp ranh với TP Đà Nẵng và TP Hội An, nhưng hơn 10 năm nay quá nhiều dự án nhảy vào mà không triển khai khiến hàng trăm hộ dân tại xã Điện Dương không thể xây dựng nhà ở vì đất nằm trong vùng dự án.

Ông Vũ nói thẳng: “Quảng Nam đã thay ba đời chủ tịch tỉnh mà chưa ai giải quyết được chuyện này, hàng ngàn người dân không tách thửa đất được, không làm nhà được cho con cháu họ ở. Đường bụi, nước ô nhiễm, trong khi đó dự án thì các công ty lập ra bán qua bán lại không biết bao nhiêu lần, dân không bức xúc mới là lạ!”.

Ông Đinh Hùng Mỹ, trưởng thôn Trung Phước 3 (huyện Nông Sơn), bày tỏ dân vùng di dời giải tỏa huyện miền núi này thuộc diện hộ nghèo. Tiền áp giá đền bù không thỏa đáng, từ lúc áp giá đền bù đến khi triển khai mất mấy năm trời, chi tiền giữ lại 30%, dân lấy gì làm nhà và tái đầu tư sản xuất.

Cuối cùng thì dân phải quay vào núi làm rẫy, phá rừng. “Nếu không nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng ì ạch trong công tác đền bù, người nghèo sẽ càng nghèo thêm” - ông Mỹ thiết tha. Hàng loạt ý kiến về chính sách giá cả, tình trạng bất công trong công tác giải tỏa đền bù, người chậm di dời được đền bù cao hơn người tự nguyện đi trước, sự quan liêu của chính quyền địa phương, việc lợi dụng sự nhẹ dạ của người dân quê mà các chủ dự án ngang nhiên chiếm đất... cũng được người dân thẳng thắn bày tỏ với chính quyền tỉnh.

Tránh xa rời dân

Ông Lê Trí Thanh - trưởng Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Nam - cho biết công tác chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ này phải làm trước cả tháng. Các già làng, trưởng bản, trưởng thôn được tài trợ đi lại, ăn ở miễn phí. Mục đích của cuộc đối thoại là để người dân gửi được tiếng nói đúng nơi đúng chỗ một cách dân chủ và công khai. Từ đó, chính quyền biết mình cần làm gì và tránh được tình trạng áp đặt từ trên xuống mà người dân không đồng thuận.

Thông qua các cuộc gặp gỡ này để chính quyền tỉnh có chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi, ổn định cho người dân vùng giải tỏa, từ đó thu hút nhà đầu tư vào địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cho biết cuộc đối thoại hết sức cần thiết trên tinh thần thẳng thắn là nền tảng để chính quyền tỉnh có những điều chỉnh các chính sách sát thực với người dân.

“Trong 22 ý kiến và 75 kiến nghị của các trưởng thôn, già làng sáng nay tôi sẽ giao cho các ngành liên quan đưa vào chương trình của mình và chịu trách nhiệm giải thích, giải quyết cho người dân. Tỉnh cũng sẽ điều chỉnh các quyết định cho phù hợp và tạo sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền. Làm sao để Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân ba bên cùng có lợi thì dự án đó mới gọi là thành công” - ông Thu nói. Ngoài ra, ông Thu cũng kiến nghị chính quyền huyện nên thường xuyên tổ chức đối thoại với các trưởng thôn nhiều hơn nữa để nắm bắt vấn đề một cách sâu sát, tránh sự xa rời quan liêu và mất lòng tin nơi dân chúng.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên