Phóng to |
Kirani James - niềm tự hào của thể thao Grenada - Ảnh: Reuters |
Năm 2011, James đoạt HCV cự ly 400m nam tại Giải vô địch điền kinh thế giới. Nhưng việc đăng quang Olympic 2012 với 43”94 được HLV Harvey Glance của James ví như “bước đột phá kỳ diệu” bởi trước nay chưa có VĐV nào ngoài nước Mỹ chạy 400m dưới 44 giây.
Để có được thành công này, James đã đổ rất nhiều mồ hôi và nước mắt. Lớn lên trong một làng chài nhỏ Gouyve, hằng ngày cha anh phải vất vả làm thuê kiếm sống. Cuộc sống khổ cực hun đúc cho James sức chịu đựng dẻo dai và sớm bộc lộ tài năng điền kinh. Chính việc giành HCB Giải vô địch điền kinh trẻ thế giới 2007 năm 14 tuổi giúp James được nhận học bổng của Đại học Alabama (Mỹ).
Từ đó, thành công ở các giải trẻ thế giới, Pan American Junior Championships, giải vô địch thế giới... đã giúp James đổi đời và trở thành một tượng đài thể thao của người dân Grenada. Cái tên Kirani James còn dùng để đặt tên đường tại thủ đô St Georges của Grenada. James phát biểu với tờ Guardian (Anh): “Đây là bước tiến lớn trong sự nghiệp của tôi. Giờ này có lẽ 110.000 người dân Grenada đang có được khoảnh khắc hạnh phúc cùng nhau trong buổi tiệc khổng lồ trên đường phố”.
Tuổi thơ và con đường đi đến thành công của VĐV đoạt HCB chạy 400m nam người Cộng hòa Dominica Luguelin Santos (44,46 giây) có phần gian nan hơn. Santos nhớ lại: “Nỗi ám ảnh lớn nhất tôi từng trải qua trong đời là cái đói. Như trò chơi đuổi bắt, tôi cố chạy nhưng cái đói cứ bám theo như bạn đồng hành khi tôi bắt đầu tập điền kinh. Khi đó tôi rất nghèo, thậm chí không đủ tiền mua một đôi giày nên phải tập luyện bằng chân đất. Vì thế, đôi chân của tôi thường xuyên bị đá cắt chảy máu đau đến muốn khóc”.
Dù là nhà vô địch Pan American Games nhưng cuộc sống của VĐV đi bộ 21 tuổi người Guatemala Erick Barrondo vẫn rất khó khăn. Nói về anh, tờ Guatemala Times viết: “Sinh ra ở vùng nông thôn nghèo Aldea Chuyuc ngoại ô thành phố San Christobal Verapaz, anh cùng gia đình sống trong điều kiện hết sức khó khăn”.
Trước khi lên đường dự Olympic 2012, Barrondo phải gom tất cả tiền bạc mới mua được một chiếc tivi cũ cho gia đình. Đó là quyết định hết sức đúng đắn để cha mẹ Barrondo có thể chứng kiến giây phút hạnh phúc của con mình khi Barrondo bước lên bục nhận HCB nội dung đi bộ 20km. Đây là chiếc huy chương Olympic đầu tiên trong lịch sử đất nước Guatemala nghèo khó và luôn chìm đắm trong bạo lực. Đích thân Tổng thống Guatemala Otto Perez đã gọi điện chúc mừng Barrondo.
Phát biểu với giới truyền thông, Barrondo nói: “Dù luôn đối mặt nhiều khó khăn nhưng đất nước tôi lúc nào cũng tràn đầy khát vọng vươn lên. Nếu nhờ vào thành công này, có ai đó đổi dao, súng để lấy đôi giày và bắt đầu luyện tập thể thao, tôi sẽ là người hạnh phúc nhất hành tinh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận