04/08/2016 08:40 GMT+7

Trưởng thành ngày về

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Hôm nay là ngày cuối cùng họ khoác lên mình bộ áo lính, cùng nhau duyệt đội hình lần cuối trong lễ tiễn quân. Lúc này ai cũng mong thời gian ngừng trôi.

Chiến sĩ Trung đoàn Gia Định chào nhau lưu luyến trong ngày xuất ngũ - Ảnh: M.PHƯỢNG
Chiến sĩ Trung đoàn Gia Định chào nhau lưu luyến trong ngày xuất ngũ - Ảnh: M.PHƯỢNG

“Môi trường quân đội với kỷ luật thép. Học - chơi đâu ra đó. Nhờ vậy mình học được tính kiên trì, nhẫn nại cũng như sự cần cù, chịu khó

Hạ sĩ NGUYỄN HOÀNG ÂN (25 tuổi)

Buổi sáng ngày cuối tháng 7, dưới cờ quyết thắng của Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP.HCM), 316 quân nhân xuất ngũ đợt 2-2016 đứng trang nghiêm.

Nhớ mãi thời quân ngũ

Binh nhất Phan Công Hậu (22 tuổi) khoe: “Trước kia mình toàn ngủ nướng. Vô đây cứ nghe còi báo thức thổi cái toét, mọi người vội vàng mặc quân phục thật nhanh để chạy xuống điểm danh. Đi bộ đội, có nhiều việc chưa từng làm thì bây giờ tụi mình đều thạo hết, kể cả làm đường, vét kênh, xây nhà”.

Các chiến sĩ cho biết thời gian quân ngũ giúp họ biết yêu thương người khác. Binh nhất Phan Công Hậu xúc động nhớ lại kỷ niệm trong một lần diễn tập hành quân, tất cả chiến sĩ phải hành quân đi bộ từ ngã ba Thái Lan (Đồng Nai) tới Trường bắn quốc gia khu vực 3 ở núi Mây Tàu với quãng đường dài 100km.

“Tụi mình đi bộ mất năm ngày năm đêm. Trong quá trình đi, mọi người phải mang vác balô rất nặng. Lúc đó mình cầm hỏa lực nặng nên balô nặng tầm 32kg. Vừa khởi hành thì trời mưa tầm tã. Trong quá trình đi mình bị đau bao tử quằn quại, ráng đi nhưng đau quá đã gục xuống. Khi đó đồng đội ai cũng rã rời nhưng vẫn ráng sớt balô của mình ra để mang giúp. Mình chỉ đi người không và đã vượt qua được hành trình ấy - Hậu kể - Đi hành quân không bằng sức mà đi bằng cái đầu. Đồng đội động viên nhau để vượt qua tất cả”.

Một chiến sĩ khác cho biết đi bộ đội xa nhà giúp bản thân thấy thương cha mẹ nhiều hơn: “Hồi ở nhà mình cứ mải mê đi chơi. Nhiều bữa mẹ nấu cơm đợi mình, rảnh thì về ăn, không thì thôi. Đi bộ đội, những ngày đầu không hợp khẩu vị nên cơm hơi khó ăn. Lúc ấy mình nhớ đến những bữa cơm ở nhà, nhớ ba mẹ và thấy có lỗi rất nhiều”.

Nhiều dự định tương lai

Mới ngày đầu còn bỡ ngỡ, 316 tân binh hôm nào giờ chuẩn bị về lại địa phương, khép lại những ngày “lăn lê thao trường”. Như các quân nhân khác, binh nhất Phan Công Hậu cho biết thời gian tại ngũ đã hết, nhưng về địa phương sẽ tiếp tục đăng ký tham gia lực lượng dự bị ở địa phương, khi Tổ quốc cần Hậu và đồng đội sẵn sàng lên đường bảo vệ quê hương.

Công Hậu nhập ngũ khi đang học năm 4 Đại học Luật TP.HCM. “Mình về nhà nghỉ ngơi vài hôm rồi lên trường đăng ký tiếp tục học luật. Theo lịch thì ngày 18-8 này mình sẽ đi học lại” - Hậu cho biết.

Còn hạ sĩ Nguyễn Hoàng Ân trước đây làm công tác Đoàn tại xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP.HCM). Thích hình ảnh người bộ đội trong bộ quân phục và xuất phát từ một lần gặp bộ đội hành quân trên đường, Ân đã nộp đơn xin đi nghĩa vụ để hiểu cuộc sống xa nhà, hiểu đời lính cũng như để trui rèn sự vững vàng, trưởng thành của bản thân. 18 tháng trôi qua nhanh chóng, Ân cho biết khi về địa phương sẽ tiếp tục xin làm công tác Đoàn.

“Công việc cũ nhưng con người mình đã mới. Mình sẽ là một cán bộ Đoàn năng nổ, xông xáo hơn nhưng cũng sẽ là người đằm tính, nhẫn nại và kiên trì hơn. Mình nghĩ bất kỳ ai được rèn luyện trong môi trường quân ngũ thì mọi khó khăn sẽ không còn là ghê gớm nữa” - Ân chia sẻ.

Ngày nhập ngũ, nhiều quân nhân vẫn chưa có một việc ổn định, những dự tính cho tương lai còn nhiều bộn bề, lo lắng. Ngày về, những suy tư, trăn trở ấy vẫn còn nhưng họ đã tự vạch được ra con đường trước mắt sẽ đi.

Trung sĩ Lê Thành Phước (21 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) chia sẻ: “Tốt nghiệp cấp III xong, vì nhiều lý do, một phần do ham chơi nên mình không thi và học tiếp đại học. Sau đó mình ở nhà phụ giúp gia đình, cũng chưa tính công việc cụ thể sau này sẽ làm gì. Bây giờ có thẻ học nghề miễn phí, mình sẽ đi học nghề sửa chữa máy tính”. Trước đó, Phước đã học qua vài lớp ngắn hạn về sửa máy tính ở ngoài nên nhận thấy mình có đam mê công việc này. Lần này về Phước quyết tâm theo học nghề ở Trường cao đẳng Nghề số 7 (Q.10, TP.HCM) để có nghề nghiệp ổn định cho tương lai.

Tương tự, Phạm Tiến Đạt (20 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết sẽ nghỉ ngơi ít hôm sau khi về nhà và lên kế hoạch học nghề với thẻ học nghề được Bộ Quốc phòng cấp. “Giờ về mình không thi đại học nữa mà chọn học nghề cơ khí để tiết kiệm thời gian, có công việc tự lo cho bản thân” - Đạt cho biết.

316 quân nhân có mặt dưới cờ hôm nay dù có làm gì, đi đâu, về đâu nhưng họ hứa sẽ là những người có ích cho gia đình, xã hội, sống xứng đáng với lời thề đã hô vang: “Quyết tâm giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ!”.

Theo Bộ tư lệnh TP.HCM, số lượng hạ sĩ quan - binh sĩ xuất ngũ đợt 2-2016 có 316 người. Trong đó, 316 quân nhân đều được thăng quân hàm: 8 thượng sĩ, 90 trung sĩ, 37 hạ sĩ, 181 binh nhất. 43 quân nhân được khen thưởng các danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến.

Lần xuất ngũ này, tổng các khoản được hưởng theo tiêu chuẩn của quân nhân xuất ngũ: quân nhân nhập ngũ thuộc diện phục vụ tại ngũ 24 tháng được hưởng 17 triệu đồng và một thẻ học nghề có giá trị 12 tháng lương cơ sở, quân nhân nhập ngũ thuộc diện phục vụ tại ngũ 18 tháng được hưởng 14,580 triệu đồng và một thẻ học nghề có giá trị 12 tháng lương cơ sở.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên