Phóng to |
Ca sĩ Thanh Thảo giao lưu với các bạn sinh viên trong đêm giao lưu văn nghệ “Góp đá xây Trường Sa” tại ĐH Tây nguyên - Ảnh: Thuận Thắng |
Mở đầu chương trình giao lưu văn nghệ, cả sân vận động ĐH Tây nguyên với gần 10.000 người bỗng tĩnh lặng khi trên màn hình sân khấu xuất hiện đoạn phim giới thiệu về biển đảo. Trong cái se lạnh đặc trưng của Tây nguyên, hình ảnh chiến sĩ neo níu nhà giàn ngày đêm giữ biển được bình yên, âm thanh tiếng sóng rì rào vỗ vào bãi đá... được chiếu trên màn ảnh do phóng viên báo Tuổi Trẻ thực hiện đã phác họa một Trường Sa luôn ẩn chứa đầy bão tố, sóng cả.
Một Trường Sa gần gũi và thân thương
Trong những ngày nhân dân cả nước đau đáu hướng về vùng biển đảo, thế hệ trẻ Tây nguyên đã quyết tâm chung tay. Câu chuyện đầy xúc động về những đồng tiền lẻ được chắt chiu từ những buổi đi chợ, những phần ăn sáng của sinh viên không phải là chuyện mới nhưng lần đầu tiên được phát động và đón nhận nhiệt tình ở Trường ĐH Tây nguyên đã cho thấy rằng: dẫu xa cách về địa lý nhưng Trường Sa, Hoàng Sa vẫn gần lắm trong trái tim mỗi con người Tây nguyên. Thầy Lương Huỳnh Việt Thắng - chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Tây nguyên - xúc động kể rằng những ngày tổ chức “góp đá” trên giảng đường thật sự là đợt tuyên truyền đầy ý nghĩa, vượt trên tổng số tiền hơn 30 triệu đồng mà các bạn đã đóng góp là cả tấm lòng, sự ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với vùng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Giây phút được mong chờ nhất trong đêm giao lưu là khi hình ảnh những người lính hải quân bước lên sân khấu chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động từ đảo xa. Thượng tá Nguyễn Văn Thư - phó chính ủy lữ đoàn 146 (trực thuộc Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân), người từng nhiều lần có mặt tại các đảo - cho biết lính canh đảo không gì khổ bằng thiếu nước, nước ở đảo xa đối với cán bộ chiến sĩ là “máu”.
Mặc dù sáng 25-3 phải theo xe về Nha Trang để kịp chuyến tàu ra Trường Sa, nhiều chiến sĩ trong lữ đoàn 146 vẫn cùng đồng đội “cháy” hết mình khi hát về Trường Sa giữa miền cao nguyên. Trung úy Vũ Xuyến (Vùng 4 hải quân) nói dù đã được đi giao lưu nhiều nơi nhưng khi được hát về đồng đội của mình trên Tây nguyên, trong lòng anh bỗng ngập tràn cảm xúc rất lạ.
Tây nguyên cùng cả nước hướng về Trường Sa
Khi biết báo Tuổi Trẻ tổ chức “đưa biển đảo lên cao nguyên”, hàng trăm cán bộ đoàn viên Ngân hàng Vietcombank Đắk Lắk đã khẩn trương đóng góp số tiền 10 triệu đồng, 2.000 đoàn viên Công an tỉnh Đắk Lắk đóng góp hơn 42 triệu đồng “gửi đá” ra xây đảo...
Trong đêm giao lưu, ông Nguyễn Đăng Phong - giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Đăng Phong (TP Buôn Ma Thuột) - chia sẻ câu chuyện “góp đá” đầy thú vị. Ông Phong kể ông luôn quan tâm đến tình hình an ninh chính trị của đất nước, đặc biệt là sự bình yên của vùng thềm lục địa, bởi ông hiểu rằng “biển có lặng sóng thì đất liền mới bình yên”. Một buổi sáng cuối năm 2011, sau khi đọc những dòng thông tin nóng hổi về việc tàu Trung Quốc táo tợn cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam ngay trong vùng biển đặc quyền Tổ quốc, chỉ trong năm phút “hội ý”, ông và vợ đã quyết định ra ngân hàng để chuyển về tòa soạn báo Tuổi Trẻ 50 triệu đồng “góp đá xây Trường Sa”. Không chỉ vậy, những ngày qua ông Phong còn tổ chức “góp đá xây Trường Sa” ngay tại xưởng sản xuất của mình và góp được thêm 30 triệu đồng gửi chiến sĩ làm nhiệm vụ ở vùng hải đảo.
Ca khúc Bay qua biển đông do ca sĩ Quách Bảo Đăng thể hiện đã kết thúc đêm giao lưu xúc động và ngập tràn cảm xúc. Trường Sa dẫu xa xôi nhưng sẽ gần mãi với người dân Tây nguyên như lời chia sẻ của ông Phạm Đức Hải - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Những chú heo đất của các bạn sinh viên hay những món quà từ các doanh nghiệp hôm nay là điểm khởi đầu mới trong hành trình đưa đá ra xây dựng Trường Sa. Mỗi viên đá là một tiếng nói, là một tấm lòng thể hiện ý chí, nguyện vọng và sức mạnh nhằm bảo vệ chủ quyền bờ cõi của không chỉ người dân Tây nguyên mà là của người dân cả nước”.
Học sinh tiểu học “Góp đá xây Trường Sa” Sáng 23-3, đại diện Trường tiểu học Trần Cao Vân (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đã đến văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trao số tiền 15.002.000 đồng cho chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. Cô Quách Thị Ngọc Lâm - hiệu phó Trường tiểu học Trần Cao Vân - cho biết nhà trường đã phát động “Góp đá xây Trường Sa” từ tháng 2 và kết thúc vào ngày 17-3. 1.956 học sinh của trường đã tham gia chương trình. “Các em đã sử dụng số tiền tiết kiệm từ nuôi heo đất, không mua quà để cùng góp đá xây Trường Sa” - cô Lâm nói. ĐOÀN CƯỜNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận