TTO - 17h30 ngày 4-4-1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam dân chủ cộng hòa, gửi đi bức điện mật về quần đảo Trường Sa, mở ra trang lịch sử mới thiêng liêng cho quần đảo Tổ quốc.
Quần đảo Trường Sa với hơn 100 đảo lớn nhỏ và bãi đá san hô ngầm, rộng khoảng 180.000km2, một phần lãnh thổ của Việt Nam, khi đó đang bị quân đội Việt Nam cộng hòa trấn giữ.
46 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày lênh đênh giữa đại dương, vượt muôn vàn khó khăn đi tìm đảo, giải phóng đảo và ở lại giữ đảo vẫn còn sống động trong tâm khảm những người lính đặc công nước.
TTO - Trong lúc các cánh quân trên bộ của ta bắt đầu tiến công ồ ạt vào thị xã Xuân Lộc (Đồng Nai) chặt đứt tuyến phòng thủ vòng ngoài Sài Gòn, Bộ tư lệnh Hải quân nhận lệnh đưa ngay tàu ra quần đảo Trường Sa.
Lực lượng giải phóng đảo ngay lập tức được thành lập từ Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng).
Là đặc công nước nhưng chưa ai trong số này có tiền lệ đánh chiếm đảo.
17h30 ngày 4-4-1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Quốc phòng, gửi đi bức điện mật về việc giải phóng quần đảo Trường Sa.
5 ngày sau, ngày 9-4-1975, Bộ tư lệnh Hải quân nhận lệnh đưa ngay tàu đi đảo. Khi đó, đại đội 1 của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126 đang làm nhiệm vụ bảo vệ một số căn cứ ở bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), được lệnh bàn giao gấp cho Quân khu 5 và tập kết ngay tại quân cảng Đà Nẵng.
20h ngày 10-4-1975, biên đội ba tàu của Đoàn 125 gồm 673, 674 và 675 cập cảng Đà Nẵng. Ba chiếc tàu được cải trang thành tàu đánh cá, không số, không treo cờ.
Lực lượng giải phóng đảo (gồm 3 phân đội của đội 1) được thành lập, phiên hiệu Đoàn C75, do Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Năng, trung đoàn trưởng Trung đoàn Đặc công Hải quân 126, làm chỉ huy trưởng.
4h sáng 11-4-1975, Đoàn C75 xuất phát từ Đà Nẵng ra Biển Đông. Ngoài lực lượng đặc công nước của hải quân còn có một phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5) đi cùng.
Theo thông tin tình báo đưa về, lực lượng Việt Nam cộng hòa đóng trên 5 đảo (Sơn Ca, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa, Song Tử Tây) có khoảng 150 lính, thuộc tiểu đoàn 371 Phước Tuy. Sở chỉ huy chung được đặt tại đảo Nam Yết. Đây cũng là đảo có quân số đông nhất (50 lính). Đảo đông thứ hai là Song Tử Tây với 39 lính.
"Ý định của trên là đi giải phóng đảo Song Tử Tây trước để rút kinh nghiệm sau đó còn đánh tiếp các đảo khác vì có nhiều khó khăn ban đầu với đặc công đi đánh đảo", ông Đào Mạnh Hồng, 69 tuổi, một trong những người trực tiếp đi giải phóng đảo Song Tử Tây, kể.
Song Tử Tây là hòn đảo ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, cách Đà Nẵng 480 hải lý. Nhưng nhờ những lần chở vũ khí cho chiến trường miền Nam, thường xuyên qua vùng biển này nên thủy thủ Đoàn 125 không khó khăn để nhận biết đảo.
Ông Phan Xuân Ạp, 68 tuổi, một cán bộ Tiểu đoàn đặc công nước 471 (Quân khu 5) tham gia giải phóng đảo, cho biết: "Đúng ra mình phải trinh sát nhưng lúc đó không còn thời gian nữa".
Thuyền trưởng tàu 673, ông Nguyễn Xuân Thơm, kể lúc đó thông tin được cung cấp chỉ đơn giản: đảo Song Tử Tây hình quả trám, phía tây thấp, phía dông cao hơn mặt biển vài mét. Trên đảo có 3 lô cốt, ở giữa hình như có lô cốt hầm ngầm.
17h ngày 13-4-1975, biên đội tàu đến gần đảo Song Tử Tây. Chỉ huy trưởng Mai Năng lệnh cho tàu 673 vòng vào gần đảo để trinh sát. Sau đó các tàu di chuyển ra xa đảo để làm công tác chuẩn bị thực hiện phương án chiến đấu. Sở chỉ huy chiến đấu được đặt trên tàu 675.
Phân đội 1 được chỉ huy trưởng chiến dịch chọn đánh trận đầu tiên.
Đại đội trưởng Đại đội 1 Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy chung, thượng sĩ Đào Mạnh Hống (sau này gọi Đào Mạnh Hồng - PV), phân đội trưởng phân đội 1, chỉ huy trực tiếp phân đội đánh đảo. Thượng sĩ Đào Mạnh Hống khi đó đã có 5 năm kinh nghiệm chiến đấu, từng đánh 15 trận ở Cửa Việt (Quảng Trị).
Phân đội tiên phong này có 3 tổ chiến đấu và được hỗ trợ thêm 2 khẩu đội DKZ và 1 khẩu cối 82mm của Tiểu đoàn 471 đặc công Quân khu 5.
Theo phương án, tàu 673 chở phân đội 1 vào gần đảo để đổ bộ trước. Hai tàu còn lại cơ động ra án ngữ ở phía Bắc và phía Nam đảo sẵn sàng yểm hộ khi cần thiết.
1h sáng 14-4, tàu 673 tắt đèn, lặng lẽ tiến vào gần đảo, thả xuồng. Thời gian là yếu tố sống còn. Phân đội 1 chia làm 3 mũi, bắt buộc phải đột nhập lên đảo trước khi trời hửng sáng.
"Khi xuồng cách đảo khoảng 5km, bộ đội nhảy xuống biển bơi vào đảo. Suốt mấy ngày trên tàu, thậm chí đến lúc xuống xuồng cao su chuẩn bị vào đảo tôi vẫn còn say sóng. Nhưng khi thả quân bơi vào thì tỉnh như sáo! Sóng dữ lắm, đêm tối lại không được sử dụng đèn pin nên tất cả phải bơi nương theo sóng. Thỉnh thoảng lại bị cuốn dạt đi", ông Hồng kể.
Do sóng đánh quá mạnh, khẩu cối 82mm của mũi 1 rơi xuống nước. Sau hơn 2 giờ vật lộn với sóng lớn và nước xoáy, lực lượng đổ bộ đã tiếp cận được các vị trí từ hướng nam, hướng tây và hướng đông nam đảo.
Gần 4h30. Ngoài đảo trời hửng sáng sớm hơn trong đất liền.
"Trên đảo chỉ có mấy cây cao, chim hải âu, chim biển rất nhiều. Lúc bò lê tiếp cận còn đè bẹp cả trứng chim. Lính ở vọng gác thấy chim bay lên bắn vài phát vu vơ cảnh báo chứ không phát hiện ra mình. Vì thế khi chúng tôi lên đến chiến hào và nổ súng chúng mới phát hiện ra", ông Lê Xuân Phát kể.
4h30 ngày 14-4, phân đội trưởng Đào Mạnh Hống lệnh cho chiến sĩ Lê Minh Đức bắn 3 phát B41 vào ăng-ten sở chỉ huy, mở đầu trận đánh.
Nghe hiệu lệnh, đồng loạt các tổ chiến đấu ẩn mình dưới cát ồ ạt xông lên, tấn công cùng lúc vào các lô cốt, công sự trên đảo.
Với kỹ chiến thuật được rèn luyện trong chiến trận và quyết tâm giải phóng đảo, những người lính đặc công đã vượt qua làn đạn chống trả, nhanh chóng làm chủ chiến trường.
Lính đảo bị dồn co cụm về phía tây nam đảo. Toàn bộ 33 người còn lại bị bắt sống, toàn bộ vũ khí bị tịch thu.
TTO - Hai chiến sĩ đầu tiên hi sinh ở Trường Sa 46 năm về trước. Một người hi sinh ngay tại đảo Song Tử Tây. Một người bị thương, theo tàu về đất liền nhưng không qua khỏi. Đó là liệt sĩ Tống Văn Quang và Ngô Văn Quyền.
46 năm trước, khi ra Trường Sa, ông Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu Tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5.
"Khi lên Song Tử Tây, lực lượng hỏa lực DKZ của chúng tôi đi cùng để hỗ trợ cho 3 mũi đặc công của hải quân đổ bộ lên đảo. Quang trong mũi đổ bộ đầu tiên. Cậu ấy là khẩu đội trưởng DKZ", ông Ạp kể.
Trong trận đấu kéo dài 30 phút ác liệt, hạ sĩ Tống Văn Quang hi sinh. Năm đó anh mới 22 tuổi.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Quế, hiện sống ở thành phố Hải Phòng, nhớ lại giây phút tiễn biệt người đồng đội mới biết tên sáng sớm 14-4-1975.
"Lúc đó gần sáng, anh em tổ chức chôn cất cậu ấy ngay đảo Song Tử Tây, định sau này đưa về. Ngoài đảo lúc đó thiếu thốn đủ thứ, đồng đội lấy tăng võng bọc lại rồi đào huyệt cát chôn chứ làm gì có quan tài. Anh em nuốt nước mắt nổ súng chia buồn, tiễn biệt đồng đội".
Những thông tin về liệt sĩ Tống Văn Quang trong ký ức đồng đội rất ngắn gọn, ngoài cái tên, đến quê quán, năm sinh, gia đình, đơn vị cụ thể... những người còn sống đều không biết.
"Hồi đó đi làm nhiệm vụ bí mật. Có biết ai là ai đâu. Khi hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi mới biết có lực lượng của Quân khu 5 đi cùng tăng cường", ông Quế cho hay.
Mong muốn tìm hiểu về người liệt sĩ ấy, chúng tôi tiếp tục tìm về quê hương anh. Bắc Thái là tỉnh cũ, bây giờ là xã Cao Ngạn, huyện Đồng Hỷ giờ thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Hai cụ thân sinh của liệt sĩ Quang đã mất từ lâu. Ông Tống Văn Ngọc, 73 tuổi, anh trai liệt sĩ Tống Văn Quang, cho biết anh là con thứ năm. Năm sinh thật là năm 1953 chứ không phải 1949.
"Chú Quang đẻ được 3 ngày thì bố mất. Nhà tôi có hai người đi bộ đội. Tôi đi chiến trường B3 tháng 4-1966. Tôi vừa về thì chú Quang đi", ông Ngọc nói.
Chị dâu anh Quang kể: "Khi được đi bộ đội, chú Quang vui lắm. Tôi và mẹ chồng đồ xôi gánh đến đơn vị tiễn chú thì nghe nói đơn vị đã hành quân đến ga Đồng Quang trú chân. Hai mẹ con lại tất tưởi chạy đến nhưng cũng không kịp".
"Chú Quang đi bộ đội từ năm 1972 rồi đi một mạch. Từ lúc nhập ngũ cho đến khi đi chiến đấu không có tin tức, thư từ gì. Đến khi chú ấy hi sinh gia đình nhận giấy báo tử mới biết".
Người thứ hai hi sinh là hạ sĩ Ngô Văn Quyền, 20 tuổi, chiến sĩ đặc công của Trung đoàn Đặc công Hải quân 126.
46 năm trước, khi ra đảo Song Tử Tây, ông Đào Mạnh Hồng là phân đội trưởng phân đội 1 (Đại đội 1 - Trung đoàn Đặc công Hải quân 126) là người thân thiết nhất với hạ sĩ Ngô Văn Quyền.
Ông vẫn còn nhớ trên đường ra đảo, anh em nhiều người bị say sóng. Thỉnh thoảng, hạ sĩ Quyền thả cho phân đội trưởng Hống (sau này là Hồng) miếng đậu xanh ép khô, đưa cho ngụm nước uống.
Ông Hồng bảo đặc công phải đánh nhanh, làm chủ chiến trận càng sớm càng tốt. Trận đánh giải phóng đảo Song Tử Tây kéo dài 30 phút nhưng 15 phút đầu rất ác liệt.
"Quyền trong tổ chiến đấu đầu tiên cùng tôi. Cậu ấy là người che đạn cho tôi. Lẽ ra viên đạn đó găm vào tôi... Tôi đang lao về phía trước, Quyền đi sau phát hiện một người lính trong giao thông hào giơ súng nhô ra nên lao lên đỡ đạn... ", người cựu chiến binh rớm nước mắt khi nhớ lại khoảnh khắc không thể quên ấy.
Hôm sau, hạ sĩ Ngô Văn Quyền theo tàu chở hàng binh về Đà Nẵng. Lúc đó anh đau đến nỗi không đi được. Phân đội trưởng Đào Mạnh Hống phải bế ra xuồng để đưa lên tàu.
"Lúc đó tôi ôm Quyền khóc", ông Hồng xúc động nhớ lại giây phút chia tay mà không ngờ là lần gặp nhau cuối cùng đó.
"Quyền là một trong những chiến sĩ tôi quý nhất, nhanh nhẹn, gan dạ trong chiến đấu. Hiền lành, giản dị với anh em, đạo đức tác phong tốt. Tôi bảo em cứ an tâm điều trị, anh em mình sẽ gặp lại nhau khi cùng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nó còn cười bảo: Các anh cứ yên tâm ở lại. Em khỏe là theo đơn vị chiến đấu ngay".
Một tháng sau, khi về Sài Gòn, phân đội trưởng Đào Mạnh Hống mới biết hạ sĩ Ngô Văn Quyền không còn nữa...
TTO - Sau khi trực tiếp đổ bộ giải phóng đảo Song Tử Tây, những người lính trẻ với vũ khí thô sơ, ăn ở thiếu thốn trăm bề phải căng mình cảnh giác với đủ thứ rình rập để đảo không bị rơi vào tay kẻ khác.
Song Tử Tây bị mất, chính quyền Sàu Gòn điều 2 tàu chiến số hiệu QH16 và QH402 từ Vũng Tàu ra, định phản kích chiếm lại đảo.
Tuy nhiên, trước những diễn biến dồn dập trên chiến trường và e sợ sự phòng thủ chắc chắn trên đảo, mấy chiếc tàu chỉ lảng vảng rồi quay về tăng cường cho lực lượng phòng thủ ở Sở chỉ huy chung trên đảo Nam Yết.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh chỉ để lại một bộ phận phòng thủ, bảo vệ đảo Song Tử Tây, số còn lại về Đà Nẵng để bổ sung vũ khí trang bị, rút kinh nghiệm, chuẩn bị kế hoạch giải phóng các đảo còn lại.
Phân đội 1 (Đại đội 1, Trung đoàn Đặc công Hải quân 126) được giao nhiệm vụ ở lại bảo vệ đảo. Đây cũng là lực lượng đã trực tiếp đổ bộ vào giải phóng đảo Song Tử Tây.
Các cựu chiến binh kể ngay sáng hôm sau khi đảo Song Tử Tây được giải phóng, đã xuất hiện 2 tàu gỗ vào sát đảo thăm dò.
"Tàu không treo cờ nhưng thấy rõ ý đồ của Trung Quốc từ khi đảo Hoàng Sa bị đánh chiếm năm 1974 ai cũng đoán ra", cựu chiến binh Đào Mạnh Hồng, 69 tuổi, một trong những người tham gia sự kiện ngày ấy, sau đó ở lại giữ đảo, nhớ lại.
Ông nói: "Lúc đó anh em đã chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu đến người cuối cùng để giữ đảo".
Cách đảo Song Tử Tây khi đó khoảng 10 hải lý còn có tàu chiến của Việt Nam cộng hòa, có lúc cũng vào rất gần.
Đối diện Song Tử Tây gần 2 hải lý, đảo Song Tử Đông lúc đó đã bị Philippines chiếm giữ trái phép. "Khi mình giải phóng đảo Song Tử Tây, bên đó cũng triển khai lực lượng, buổi tối bật đèn sáng choang", cựu chiến binh Lê Xuân Phát cho biết.
Vũ khí của phân đội ở lại giữ đảo Song Tử Tây rất thô sơ. Những ngày đầu, trên đảo không có nhà cửa kiên cố, chỉ có nhà lợp tôn tạm bợ nhưng lúc đánh nhau cũng đã bị đạn bắn thủng lỗ chỗ, hỏng hết, trong khi đêm nào cũng mưa, mà mưa là như bão.
Ngoài ra còn mấy cái hầm công sự nửa chìm nửa nổi, cách mặt đất khoảng 2m. "Bộ đội mình chủ yếu ở trong đó rồi dựng lều bạt làm các chốt bảo vệ xung quanh đảo. Muỗi nhiều lắm", ông Phát cho biết.
Đồ ăn tươi gần như không có, lực lượng giữ đảo Song Tử Tây những ngày đầu tiên phải ăn toàn thực phẩm mang theo khi ra giải phóng đảo: lương khô, gạo sấy và một số lương thực lính đảo còn bỏ lại.
Nguồn trứng chim bạt ngàn trên đảo lúc ấy trở thành món ăn cứu cánh cho bộ đội.
"Chim nhiều lắm. Mình đi mà từng đàn từng đàn cứ sà xuống, đậu cả trên tay, vơ tay một cái là được 1-2 con. Món tươi chủ yếu là trứng chim luộc chấm muối tự làm. Nước biển lấy phơi trên áo mưa, bịch nilông, sau vài ngày nắng là có muối ăn", ông Hồng kể.
Ăn uống kham khổ, toàn đồ khô, ai cũng bị kiết nên phải đào củ sâm biển nấu nước uống cho mát.
Cái ăn, chỗ ngủ đã vất vả, thiếu chất, đời sống tinh thần cũng nghèo nàn không kém. Đảo cách biệt hoàn toàn với đất liền, bộ đội cả ngày lẫn đêm chỉ loanh quanh trên đảo. Tối sinh hoạt, đọc báo, điểm danh rồi đi ngủ.
"Nói vậy nhưng chúng tôi không có thời gian rỗi, vẫn duy trì kỷ luật quân đội nghiêm ngặt, canh gác, tập thể dục rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt tập thể... Một tuần chỉ có tối chủ nhật được nghỉ" - ông Phát nói.
Khi rỗi thì kể chuyện tiếu lâm, đánh cờ: "Mấy cậu lính trẻ có đứa nào có người yêu đâu mà vẫn kể về người yêu như thật, toàn nói phét cho vui".
Nam Yết là đảo thứ ba được giải phóng.
Cựu chiến binh Phan Xuân Ạp, 68 tuổi, một trong những người ở lại giữ đảo Nam Yết, cho biết: "Khi chúng tôi đổ bộ vào đảo Nam Yết mới biết lính đồn trú đã rút đi trước đó vài tiếng. Đây là đảo chỉ huy nên phòng thủ dày đặc. Mìn mo chôn đầy quanh đảo".
Ông Ạp còn nhớ rõ những ấn tượng về đảo Nam Yết khi đó: "Bộ đội lên tiếp quản nhưng cơ sở vật chất chẳng có gì. Cả đảo chỉ có duy nhất một cái nhà xây dạng cấp bốn", cựu chiến binh Tiểu đoàn 471 cho hay.
Cũng như đảo Song Tử Tây, lực lượng giữ đảo Nam Yết cả tháng trời chỉ ăn uống thực phẩm tự có. "Nấu nướng khó khăn lắm vì không có củi. Không thể lấy dầu ở tàu lên được vì tàu cơ động, không cung cấp dầu được", ông Ạp nói.
Tận dụng mấy bao cá khô lính đảo để lại, anh em tranh thủ câu thêm cá cải thiện bữa ăn: "Cá lúc đó nhiều lắm, đi hàng đàn, hàng đàn. Mình câu là cắn câu ngay".
Đến ngày 29-4-1975, Trường Sa - hòn đảo lớn nhất, hòn đảo thứ năm và cũng là hòn đảo cuối cùng mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ ở quần đảo Trường Sa, được giải phóng.
Lực lượng giữ đảo đã bàn giao cho Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Cuối tháng 5-1975, đơn vị chuyển về trực thuộc Hải quân.
TTO - Không sơ khai như 46 năm trước, Trường Sa hôm nay không còn là những hòn đảo hoang vắng. Quần đảo Trường Sa đang thay da đổi thịt từng ngày.
Ngày nay, trên những hòn đảo cách xa đất liền hàng trăm kilomet này đã có những tòa nhà cao tầng, có sóng điện thoại, có dân sinh sống, có tiếng trẻ ê a học bài, có tiếng chuông chùa ngân vang bình yên...
Huyện đảo Trường Sa hiện có 3 đơn vị hành chính: thị trấn Trường Sa, xã đảo Sinh Tồn và xã đảo Song Tử Tây.
Không còn chìm trong bóng tối buồn tẻ khi đêm xuống như 46 năm trước, các đảo ở Trường Sa giờ như thành phố nổi sáng rực đèn điện. Nguồn điện được lấy từ các trụ tuabin gió hiện đại.
Song Tử Tây - hòn đảo đầu tiên được giải phóng - nay là xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Nằm cách Cam Ranh khoảng 310 hải lý, hành trình ra Song Tử Tây hiện đã được rút ngắn, chỉ còn 2 ngày 1 đêm.
Người từ đất liền ra đây bất ngờ với rất nhiều thứ trên hòn đảo này. Đó là âu tàu kiên cố, rộng lớn với diện tích hơn 3,5ha, là nơi trú ẩn an toàn cho tàu cá ngư dân đánh bắt xa bờ vào tránh bão.
Đặc biệt đội dịch vụ hậu cần nghề cá ở âu tàu đảo Song Tử Tây còn cung cấp miễn phí nước ngọt, các dịch vụ y tế, sửa chữa tàu thuyền cho bà con ngư dân. Ngư dân muốn sử dụng nhiên liệu, nhu yếu phẩm cũng được mua với giá như trong đất liền.
Trên đảo Song Tử Tây có ngọn hải đăng rất đẹp. Đây là ngọn hải đăng đầu tiên đầu tiên do Việt Nam xây dựng ở quần đảo Trường Sa (tháng 10-1993), thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế.
Nếu thế hệ bộ đội giữ đảo thời kỳ đầu tiên chỉ có rau sam dại ăn thì ngày nay, các đảo ở Trường Sa đã trồng được rất nhiều loại rau và có rau xanh quanh năm.
Nhìn những luống rau ngót, rau muống, rau mồng tơi, rau cải... xanh mướt mắt, khó để nghĩ những loại rau ấy được trồng ở hòn đảo xa xôi, thời tiết khắc nghiệt và nước ngọt thiếu thốn này.
Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn... ngày xưa hoang vắng, sơ khai bao nhiêu bây giờ khác lạ bấy nhiêu. Quần đảo Trường Sa hôm nay như những miền quê nhỏ giữa đại dương mênh mông. Cây xanh rợp bóng chứ không trơ trụi như trước.
Cách đất liền hơn 500km nhưng đảo xa cũng có đu đủ, xoài, dừa..., cũng có cánh cò, chim bồ câu, có những chú bò thẩn thơ nằm dưới bóng tra mát rượi giữa trưa nắng, có những con vật nuôi quen thuộc trong đất liền như chó, heo, gà, vịt...
Ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn... có trường học, có người dân lập nghiệp sinh sống, có trụ sở UBND xã đảo, có bệnh xá, có cả dân quân tự vệ. Đến nay đã có 5 ngôi chùa ngày đêm hương khói vọng tiếng chuông ở quần đảo Trường Sa.
Ở Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, ngày ngày phụ nữ bận rộn với việc trồng rau, nuôi gà, sáng đưa con đến trường, về nấu cơm, giặt giũ, quét dọn nhà cửa... Các ông chồng làm dân quân. Ngày biển êm thì xin phép chỉ huy đảo cho chèo mủng đi giăng lưới kéo cá. Tối xem tivi, kiểm tra bài vở con học…
Trong lúc khách từ đất liền ra hân hoan chụp ảnh, đi khám phá đảo, thích thú nhặt những cành san hô, vỏ ốc đẹp bên bờ biển trong veo thấy cả đáy rồi đánh một giấc ngon lành khi đêm về, ở những vọng gác quanh đảo, trên sở chỉ huy, những người lính biển vẫn lặng thầm với nhiệm vụ của mình: quan sát những bất thường ngoài biển, canh gác bảo vệ đảo.
Đôi mắt những người lính biển luôn hướng ra khơi xa.
Ở vùng biển quanh các đảo tiền tiêu Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn Đông... các tàu Trung Quốc hoạt động thường xuyên, nên mức độ căng thẳng và công việc đặc thù hơn so với đảo khác. Việc huấn luyện, rèn luyện bộ đội cũng vất vả, căng thẳng hơn.
"Ở đây yếu tố tinh thần cực kỳ quan trọng" - chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông, trung tá Trần Văn Quế nói.
"Với các đảo khác, tàu Trung Quốc ít hơn nhưng khu vực này xuất hiện rất nhiều. Quan trọng nhất là xử lý các tình huống với phương pháp hòa bình, đúng đối sách, quan điểm của Đảng, Nhà nước".
Những người lính đóng quân nơi tiền tiêu Tổ quốc không chỉ có lòng yêu nước mà còn phải có tinh thần thép trước những chiêu trò thăm dò, thị uy và phải đủ tỉnh táo, khôn ngoan nhận ra cả những cái bẫy để không mắc phải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận