18/03/2013 09:35 GMT+7

Trường Sa - khúc bi tráng 14-3 - Nước mắt mẹ không còn...

LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG

TT - Nhiều năm nay, lần theo dấu vết những chiến sĩ Gạc Ma, những người đã hi sinh hay người may mắn trở về, điều ám ảnh nhất với chúng tôi không chỉ là những nỗi đau âm ỉ trong im lặng hay số phận nổi chìm của những người lính mà chính là ánh mắt của những người mẹ liệt sĩ Gạc Ma.

Gặp rất nhiều người lính dạn dày trận mạc, đi qua khói lửa chiến tranh, ai cũng nói khi ra trận, tiếng kêu của nhiều người lính khi trúng đạn giặc thù là hai tiếng: “Mẹ ơi!”. Có lẽ chính vì thế mà tiếng kêu ấy trở nên đau đáu khắc khoải theo về đậu nơi ánh mắt của những bà mẹ.

Dọc dài theo hành trình tìm về quê hương những người lính Gạc Ma, chúng tôi đã gặp những bà mẹ đã mòn mỏi khóc chờ con, đã hi vọng và chờ đợi, để rồi khi chúng tôi gặp, trước mắt chúng tôi là một bà mẹ đúng nghĩa của câu hát “Nước mắt mẹ không còn để khóc những đứa con”. Mẹ Dương Thị Tạo, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Thiềng E83 công binh hải quân, quê ở Đồng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình), là một bà mẹ như thế.

Năm 2009 chúng tôi có dịp ghé vào căn nhà nhỏ của mẹ ven quốc lộ 1. Lúc đó mẹ sống một mình trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ, nền đất cất từ mấy chục năm trước. Hỏi mẹ vì sao không về sống với các con gái của mẹ đang ở trong làng cho ấm áp mỗi khi trời dông gió, mẹ bảo: “Tui ở nhà ni để chờ thằng Thiềng về! Hắn đi bộ đội, người ta về cả rồi mà hắn vẫn chưa...”.

Mẹ nói vậy rồi ôm tấm hình của anh Thiềng ra “khoe”: “Lúc còn ở nhà hắn khỏe lắm, cứ mần việc cho tui suốt ngày không khi mô nghỉ cả”. Với tấm hình đó trên tay, vài ngày mẹ Tạo lại ngồi nơi bậu cửa, mặt ngó ra quốc lộ 1 ì ầm tiếng xe vào ra, hi vọng rồi có lúc thằng Thiềng của mẹ mang balô bước chân về.

Lần này chúng tôi lại về thăm mẹ Tạo. Căn nhà nhỏ trên cát trắng ngày ấy giờ không còn nữa, nó đã xập xệ theo tháng năm qua và gió mưa nên đã mục nát phải tháo dỡ. Mẹ vẫn không chịu về ở với người con trai út là anh Phan Văn Thoan, dù nhà anh chỉ cách nhà mẹ có vài chục mét, mẹ bảo mẹ phải ở trong căn nhà cũ đó để đợi thằng Thiềng về, kẻo mẹ đi chỗ khác lỡ nó về không có ai đón...

Chị Phan Thị Thảo, con gái mẹ, em gái anh Thiềng, đưa chúng tôi vào gặp mẹ trong căn buồng nhỏ. Trời trở lạnh. Mẹ nằm dưới mấy lần chăn đắp. Chị Thảo kéo chăn ra, gọi: “Mạ ơi, có người tới thăm đây nì!”. Mẹ vùng dậy thật nhanh, cái miệng móm mém cười hết cỡ: “Mô mô, thằng Thiềng về rồi à?”. Chúng tôi lặng người! Chị Thảo cố kìm nước mắt, nói: “Bây chừ trí nhớ của mạ đã lẫn rồi, không mấy khi tỉnh táo nữa. Chỉ khi mô nghe ai nhắc đến tên anh Thiềng thì mạ mới như chợt tỉnh. Có ai tới là mạ lại hỏi “Có phải thằng Thiềng về với mạ đó không bây?”.

Chị Phan Thị Thuyến, chị gái đầu của anh Thiềng, kể: “Cứ mỗi khi có ai mang áo quần bộ đội đi qua đường là mạ tui ngóng, rồi hỏi răng thằng Thiềng thất lạc đi mô mà lâu về rứa, về cho mạ ngó hắn một chút rồi chết cho thỏa”. Khi đơn vị đưa balô của anh Thiềng về, mẹ ôm balô đi lòng vòng quanh nhà, hết đặt xuống chỗ này lại nhấc đến chỗ kia, nói với mọi người: “Hắn sống chớ chết mô được, cất cho hắn để mai mốt hắn còn lấy đi vô đơn vị nữa”...

Ở một vùng cát trắng ven biển khác thuộc xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), mẹ Nguyễn Thị Tròn, năm nay 84 tuổi, cũng ngày đêm mang nặng nỗi đớn đau không khác gì mẹ Tạo. Con mẹ là anh Hoàng Văn Túy cũng đã nằm lại với biển Trường Sa vào ngày 14-3-1988. Thương con thân xác nằm dưới biển khơi giá lạnh, mẹ Tròn với chồng là cụ ông Hoàng Nhỏ (85 tuổi) đã lập cây dâu làm hài cốt cho anh Túy, đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ xã. Ngày giỗ, mẹ lại lụi cụi tới nghĩa trang thắp hương, đốt lửa mong cho thân xác con được ấm áp... Một thời mẹ như phát điên. Hằng ngày mẹ đi lang thang vô định trên các động cát trắng.

Anh Hoàng Văn Phong, con trai mẹ, kể: “Những ngày đó anh em bầy tui phải chia nhau đi theo mạ kẻo sợ mạ nghĩ quẩn rồi xuống biển bị sóng cuốn”. Mẹ Tròn thì bảo lúc đó trong óc mẹ cứ hiện lên hình ảnh của thằng Túy, cứ như là hắn đang đi biển đánh cá sắp về. “Tui đi tìm hắn về ăn cơm, sợ hắn mải chơi quên về ăn cơm...” - mẹ Tròn nói. Mẹ nhớ khi anh Túy chưa đi bộ đội, anh theo bạn bè đi biển đánh được nhiều cá lắm, mẹ đi chợ bán mãi mới hết.

“Mạ biết là có nhiều đứa hi sinh ở Trường Sa chứ chẳng riêng chi thằng Túy con trai mạ. Nhưng mà mấy đứa toàn hi sinh dưới biển cả nên mạ buồn, vì không biết bây chừ hài cốt của tụi hắn trôi dạt đi nơi mô rồi” - mẹ Tròn nói, giọt nước mắt chỉ đủ ứa ra trên gương mặt hằn đầy nếp nhăn vì tuổi tác. Mẹ kể: “Tết năm Thìn đó (1988), thằng Túy về thăm ba mạ trong ngày 30 thì sáng ngày mồng 1 hắn nói là có lệnh đơn vị kêu vô để đi công tác. Trước khi lên xe hắn còn cười, nói lại là ba tháng nữa ra quân con về mần ăn nuôi ba mạ, lo chi. Chừ nghĩ lại hắn nói như có điềm chi...”.

Làm sao kể hết những ngóng vọng của những bà mẹ dọc dài theo dải đất này. Cũng ở xã miền cát Quảng Thủy (Quảng Trạch, Quảng Bình) chúng tôi đã lặng im trước ngôi mộ của liệt sĩ Trần Văn Quyết, anh là một trong số tám liệt sĩ được xác định danh tính sau khi xét nghiệm ADN trong số di cốt mang lên từ tàu HQ-604 bị đắm dưới đáy biển Gạc Ma và được đưa về quê nhà. Gia đình rất mừng, nhưng anh Phú, anh trai anh Quyết, cứ nghẹn ngào: “Mang được hài cốt em về thì cha mạ tui đã không chờ được nữa, thương Quyết nằm dưới biển lạnh, mạ tui khóc đến lòa mắt, trước khi trút hơi thở cuối cùng mạ tui còn thương xác đứa con chưa về được”.

Và mới đây thôi, sau ngày giỗ thứ 25 của đứa con trai Hoàng Ánh Đông, cũng là lính E83, hi sinh ngày 14-3-1988 ở Gạc Ma, bố của liệt sĩ Đông, ông Hoàng Sĩ, cũng đã ra đi mang theo nỗi khắc khoải vô biên về thân xác con mình đang đâu đó trong khoang con tàu đắm... Còn bao nhiêu niềm trông ngóng nghẹn ngào và hi vọng của những ông bố, bà mẹ liệt sĩ Gạc Ma giờ đang im lặng trong khoang con tàu HQ-604?

Bao giờ tiếp tục tìm kiếm hài cốt?

Ngay sau khi phát hiện vị trí tàu chìm và tổ chức cất bốc hài cốt, Quân chủng Hải quân đã thành lập Ban chỉ đạo quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hi sinh tại quần đảo Trường Sa do đồng chí phó chính ủy quân chủng làm trưởng ban. Tuy nhiên, như đã nói, do vị trí tàu HQ-604 bị chìm nằm trên thềm san hô chỉ cách đảo Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép chưa đến 1 hải lý, nên sau lần cất bốc vào tháng 8-2008, việc tiếp tục tìm kiếm bị cản trở.

Như vậy, đến nay, sau 25 năm, hài cốt của hơn 40 liệt sĩ hi sinh trong trận Gạc Ma vẫn chưa được tìm thấy và quy tập về quê nhà.

Chúng tôi nhớ đến bảy nấm mộ gió quây quần ở phía sau tượng đài của Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Nẵng, những nấm mộ đề tên tuổi nhưng dưới lớp vỏ đá granito kia không hề có chút xương cốt nào. Và nhiều lắm những mộ gió của người lính Gạc Ma chúng tôi đã gặp ở quê nhà những liệt sĩ. Không còn nước mắt khóc con của những người mẹ già, nhưng có một câu hỏi xoáy lên từ ánh mắt của mẹ: bao giờ con được về đây, dù chỉ là chút cốt xương đã 25 năm lạnh giá dưới đáy trùng dương?

Rất nhiều người mẹ quá già và sợ mẹ không chờ đợi được...

____________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6: Kỳ 7: KỲ 8: Kỳ 9: Kỳ 10:

HgCmVoNQ.jpgPhóng to25 năm trước, nhân dân khắp mọi miền theo dõi sát sao sự kiện 14-3-1988 - Ảnh: My Lăng chụp từ Bảo tàng Hải quân VNWlGzr1a8.jpgPhóng to Mộ liệt sĩ Trần Văn Quyết, một trong số tám liệt sĩ được xác định danh tính trong số hài cốt mang lên từ tàu HQ-604. Nhưng bố mẹ anh không còn khi đưa hài cốt anh về quê - Ảnh: Lam Giang
LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên