Buổi sáng, sương núi giăng trên mái nhà, ngọn cây. 5 giờ 30, còn sớm lắm. Tiếng trống trường giòn giã tập trung chúng tôi đứng dưới sân ký túc xá điểm danh. Một ngày mới. Tất cả phải có mặt đầy đủ để tập thể dục. Những khuôn mặt còn ngái ngủ chợt tỉnh táo khi bài hát truyền thống của trường vang trên chiếc loa treo sát khu tập thể nhân viên: “Từng hàng cây xanh vươn lá dưới mái trường rộn vang tiếng ca, trập trùng mây núi non xa giữa đất trời nở hoa tươi thắm, từng đàn chim bay trong nắng sớm hôm em đến trường...”. Chúng tôi khởi động bằng cách chạy một vòng bờ ao. Từng hàng nối đuôi nhau, chạy qua vườn rau, khu nhà hiệu bộ, nhà ăn rồi trở lại sân ký túc, vừa chạy vừa trêu đùa. Những anh lớn chạy thêm vòng thứ hai rồi mà nhóm con gái chúng tôi mới lạch bạch được nửa vòng thứ nhất. Buổi sáng, trời còn hơi tối lại se se lạnh, đứa nào đứa nấy mệt thở ra khói nhưng rất vui. Đôi lần tôi chạy đường tắt, bị quản sinh phát hiện ghi vào sổ. Cả tuần bị phạt lau cầu thang mà vẫn không chừa.
Suốt ba năm học, tôi quen với việc dậy sớm ngắm những màn sương trắng như tấm chăn bông, bồng bềnh, mờ ảo. Từ lan can phòng 308, tôi nhìn xuống khuôn viên. Mỗi ngày mới, tôi lại nhận ra thêm một vẻ đẹp từ những hàng cây, bãi cỏ, bờ ao hay nụ cười bất chợt nào đó. Tôi để ý thấy Dâư thường xuống khu nhà ăn lấy nước rất sớm, hai tay cầm hai ca nhựa, vừa đi vừa huýt sáo. Dâư hơn tôi ba tuổi và hát những bài dân ca Mông tuyệt hay, tuy vậy chẳng bao giờ tôi gọi là anh. Vì ngôi trường của tôi có rất nhiều bạn lớn tuổi đi học, ngay từ đầu đã xưng hô bạn bè nên rất khó thay đổi.
Thi thoảng tôi gọi với theo: “Dâư ơi!”, cậu bạn đứng lại nói với lên: “Không cầm được nữa rồi”. Tôi phá lên cười “Mình có nhờ Dâư lấy giùm nước đâu”. Tôi thích sự vô tư, chân thật của cậu ấy. Mỗi lần Dâư về thăm nhà, tôi lại đón đợi như một đứa trẻ ngóng mẹ đi chợ về. Tôi thích được ăn bánh trứng kiến vào mỗi dịp tháng ba mà Dâư không quên để phần cho tôi, hoặc những gói xôi nếp nương đủ màu sắc thơm lừng. Tôi bé con nhất lớp, lại hay ốm nên sự quan tâm của cậu ấy khiến mọi người ghen tị.
Ngày nhập học, thầy chủ nhiệm đọc danh sách lớp, tôi ấn tượng nhất khi thầy đọc mãi không được tên Dâư, lúc đó cậu bạn còn rụt rè đứng cuối lớp chưa dám lên tiếng. Bạn Sị lớp trưởng mới phát âm giúp thầy. Thời gian đầu tôi cũng không phát âm được và thường gọi là bạn “Dô”. Có lần Dâư thắc mắc cái tên dễ đọc thế mà không ai nói được là sao, ở bản tên này là nói dễ nhất rồi mà. Dâư lớn tuổi nhất lớp nên bao nhiêu việc Dâư đều xung phong, từ việc tưới rau, bón phân cây ăn quả đến tỉa cành cây trong khuôn viên.
Những buổi lao động do nhà trường phân công, chúng tôi không phải làm nhiều, bày trò góp tiền đi mua bim bim về ngồi túm tụm ăn với nhau. Mỗi đứa mang một “thương hiệu”: Tày, Dao, Nùng, Mông... Chúng tôi không hiểu tiếng nói của nhau, chỉ học bập bõm vài từ cơ bản như ăn cơm, học bài, đi chơi nhưng yêu ngôn ngữ của nhau lắm. Nhờ thế, chúng tôi bớt đi nỗi nhớ nhà. Dâư chẳng để ý đến những câu chuyện của chúng tôi, cứ cặm cụi làm việc một mình, xong việc lại lên thư viện ngồi đọc báo. Chúng tôi dành cho biệt hiệu “Dâư dzồ” bởi sự chăm chỉ mọi lúc mọi nơi, có những việc không ai sai bảo cũng xông xáo, nhiệt tình.
Một tuần, hai tuần Dâư bỏ về không xin phép. Lớp tôi từ lo lắng chuyển sang bực bội vì điểm xếp loại thi đua đang từ cao nhất bỗng tụt xuống thấp nhất. Nhà trường gửi giấy báo về nhà Dâư mới chịu xuống. Hôm Dâư đi học trở lại, bậc hạnh kiểm cậu ấy cũng bị hạ xuống mức trung bình. “Dâư phải chăm học đi chứ, phải học thì sau này mới đỡ khổ...” - thầy Đoàn ân cần khuyên. Cả lớp tôi vẫn chưa hết hậm hực. Tôi cấu vào tay Dâư nói: “Sao không ở nhà luôn đi”. Dâư gãi đầu gãi tai, mặt cúi gằm nói: “Học trường nội trú có nhiều cái sướng nhưng nhớ nhà lắm, ở bản được đi kéo gỗ vẫn thích”. Sau lần đó, Dâư được chuyển lên ngồi bàn đầu, kết quả học tập cũng tiến bộ hơn.
Mãi đến ngày ra trường, chúng tôi mới ngỡ ngàng khi Dâư nói rằng đã có vợ và đứa con một tuổi ở nhà. Tôi bỗng chạnh lòng. Vậy mà bấy lâu chúng tôi hồn nhiên không nhận ra bên cạnh mình có một người anh ân cần, chín chắn luôn sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ ai. Buổi sáng trước lúc chuẩn bị đồ đạc về nhà, tôi đứng ở lan can nhìn lại những nơi thân thuộc. Buổi sáng mùa hè không có sương giăng, phượng đỏ rực một góc sân trường. Hôm đó nhà bếp không chuẩn bị bữa ăn sáng và nấu nước như mọi hôm. Chúng tôi cũng không thiết ăn sáng nữa. Chúng tôi nhìn nhau nói không lên lời. Đứa thì gói kẹo, hộp sữa làm quà cho con của Dâư...
Bây giờ mỗi đứa một nơi, hầu hết cũng đang học đại học. Mỗi buổi sáng nhìn sương giăng trên thành phố, tôi lại nhớ về ngôi trường xưa da diết. Năm tháng học trường nội trú không chỉ cho tôi có nhiều kiến thức, có những người bạn tốt mà còn giúp tôi trưởng thành hơn trong cách sống.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận