Học viên trong lớp học tại Trường trung cấp Việt Giao, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Các lớp học song song là chủ đề nổi bật được đề cập tại hội thảo khoa học cấp thành phố về giải pháp thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Chương trình diễn ra tại Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM ngày 8-8.
Chia sẻ tại hội thảo, ThS Võ Thành Trung - phòng quản lý đào tạo Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức - cho biết hiện nay chuyển đổi số trong các trường nghề không đơn giản chỉ là thay đổi cách dạy, cách học mà còn là đưa toàn bộ hoạt động đào tạo lên môi trường số.
Ông cho biết hầu hết các trường cao đẳng, trung cấp tại TP.HCM hiện đã thay đổi hoạt động giảng dạy, học tập và đặc biệt là các khâu quản lý, tuyển sinh trên môi trường số.
Chẳng hạn nếu trước đây, các khâu tuyển sinh của Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức đều phát sinh rất nhiều giấy tờ, thì nay đã tích hợp trên một cổng của trường. Cổng thông tin này quản lý thí sinh ngay từ lúc nộp hồ sơ, nhập học và trong suốt thời gian học tập.
Dữ liệu từ sinh viên giúp nhà trường đánh giá được chất lượng học tập và các nguồn tuyển sinh. Mọi dữ liệu của thí sinh, người học đều được một bộ phận chuyên môn của nhà trường lưu trữ trên không gian số và có thể tra cứu trực tuyến.
ThS Nguyễn Thị Phương Thùy - khoa công nghệ thông tin Trường cao đẳng Kinh tế TP.HCM - chia sẻ về mô hình "lớp học hiện đại" đang được áp dụng tại trường. Theo đó, với một lớp học luôn tồn tại hai phiên bản song song thật và ảo.
Phiên bản thật là lớp học tương tác giữa học sinh và giảng viên tại trường. Phiên bản ảo là không gian ảo trên Google Classroom. Giáo viên và học sinh sẽ cùng làm việc trên hệ thống này. Các video bài giảng, tài liệu liên quan sẽ được chia sẻ chung giữa người học và người dạy trên đây. Các bài tập cũng sẽ được đưa ra trên nền tảng này: học sinh sẽ làm bài và giảng viên sửa bài cho các em hoàn toàn trên Internet.
Thay vì chỉ sử dụng sách giáo trình, "lớp học hiện đại" sẽ cung cấp cho sinh viên nhiều loại tài liệu học tập đa dạng như video, bài giảng trực tuyến, bài viết, tài liệu tham khảo trực tuyến, ứng dụng di động và cả game...
"Việc thêm một phiên bản lớp học ảo giúp mở rộng không gian học tập và tương tác giữa giảng viên và sinh viên, từ đó giúp nâng cao chất lượng học tập cho các em. Điều này rất khác với các lớp học cao đẳng truyền thống khi hễ bước ra khỏi lớp là xem như xong", cô Thùy nói.
Tuy nhiên theo cô Thùy, một trong những rào cản khi thực hiện mô hình này là hỗ trợ trang thiết bị cho một số học sinh không có điều kiện. Bên cạnh đó còn là nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin cho giảng viên, bởi thực tế không phải giảng viên nào cũng thuần thục công nghệ số.
Tương tự, ThS Chung Ngọc Quế Chi, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng chuyển đổi số và phát triển năng lực số cho giảng viên là giải pháp lâu dài. Bản thân một lớp học không thể chuyển đổi số nếu giảng viên chưa cập nhật tư duy giảng dạy.
Bên cạnh đó, cô Chi chia sẻ một thách thức không nhỏ nữa là phát triển hạ tầng dữ liệu số tại trường. Hiện tại, nguồn lực đầu tư cho công nghệ thông tin ở các trường nghề còn tương đối hạn chế. Vì thế các trường sẽ phải tính toán lựa chọn trang bị thêm thiết bị, phần mềm nào có khả năng ứng dụng cao và cho hiệu quả dễ thấy nhất trong nhà trường để chuyển đổi số. Một số lĩnh vực có thể ưu tiên áp dụng bao gồm dạy học, đánh giá và quản lý…
Sẽ có hội đồng cố vấn cho các lớp học nghề
Cũng trong ngày 8-8, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM tổ chức hội nghị bàn về chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Đáng chú ý, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM sẽ thành lập một hội đồng cố vấn bao gồm đại diện của các doanh nghiệp. Hội đồng này sẽ tham gia vào quá trình định hướng và đánh giá chất lượng đào tạo.
Từ đó, hội đồng sẽ đưa ra ý kiến, đề xuất, và gợi ý để cải thiện chương trình đào tạo và đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM sẽ tạo ra cơ chế xây dựng đối tác dài hạn với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể đóng góp vào việc xây dựng chương trình đào tạo, cung cấp tài liệu tham khảo, hỗ trợ kỹ thuật, hoặc tài trợ cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận