08/01/2015 12:39 GMT+7

Trường nghề nguy khốn: “Phải đẩy mạnh tư nhân hóa dạy nghề”

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cứ loay hoay,  không thể gỡ hết khó khăn cho mình,chưa phát triển tương xứng với nhu cầu nhân lực thực tế, vì sao?

TS Hoàng Ngọc Vinh - Ảnh: N.Hoàng

Khi công bố kết quả tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp lớn không ngớt than phiền khó tuyển được thợ lành nghề, trong khi các trường nghề lại “đau đầu” vì không tuyển nổi học sinh bởi nỗi lo học xong lại... thất nghiệp.

Hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cứ loay hoay trong mâu thuẫn này, không thể gỡ hết khó khăn cho mình và hoàn toàn chưa phát triển tương xứng với nhu cầu nhân lực thực tế, vì sao? Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Ngọc Vinh - vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT - chia sẻ:

- Hơn 10 năm qua, dù ngành dạy nghề đã làm được nhiều việc, nhưng công tác tuyển sinh gặp nhiều khó khăn và chính sách phát triển thiếu đồng bộ khiến tôi cảm nhận có điều gì đó thiếu ổn định của các trường nghề trong lòng một hệ thống giáo dục chung.

Điểm yếu kém nhất vẫn nằm ở tư duy và nhận thức của các cấp quản lý và những người thực hiện GDNN. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước còn khá lớn, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đào tạo nghề đôi khi chạy theo phong trào mà không tính đến nhu cầu thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc điểm lao động và thị trường việc làm VN.

Nguồn: Vụ Giáo dục trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - Ảnh: Thanh An  - Đồ họa: V.Cường

Chúng ta đã có bước đi sai lầm

* Đào tạo nghề nhiều năm qua được đầu tư không ít, VN lại thường xuyên giành thứ hạng cao trong các cuộc thi tay nghề khu vực và quốc tế, nhưng GDNN vẫn chưa đào tạo được những thợ lành nghề, chuyên nghiệp dường như vẫn là một bất cập chưa được lý giải một cách thỏa đáng, thưa ông?

- Chính sách đào tạo nghề cần phải chú ý đến trình độ giáo dục của người lao động VN. Nếu có trình độ giáo dục tốt, công tác đào tạo nghề sẽ không mấy khó khăn. Song lịch sử để lại đất nước ta có trên 84% lao động trong độ tuổi chưa có trình độ chuyên môn kỹ thuật, phần lớn trong số đó rất khó và thậm chí không thể đào tạo để có trình độ trung cấp hay CĐ.

Chúng ta đã có bước đi sai lầm mang tính chiến lược là quá tập trung đầu tư phát triển các trường nghề để đào tạo ra trình độ trung cấp, CĐ, không chú trọng đào tạo kỹ năng bằng những khóa đào tạo ngắn hạn tại doanh nghiệp hoặc đào tạo kỹ năng gắn với việc làm.

Sự thiếu hụt kỹ năng mới là điều mà GDNN phải chú ý hiện nay, chứ đừng nên chỉ có mải mê đào tạo nghề ra các trình độ. Nói cách khác, đào tạo nhân lực gồm hai bộ phận chính: đào tạo kỹ năng để xóa đói giảm nghèo, cải thiện tình trạng việc làm và đào tạo để có nhân lực thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước với các trình độ trong hệ thống GD-ĐT.

Đào tạo nghề đôi khi chạy theo phong trào mà không tính đến nhu cầu thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như đặc điểm lao động và thị trường việc làm VN

Cần chú ý lịch sử các cuộc thi tay nghề khu vực, VN đoạt thứ hạng cao phần nhiều nhờ những người học CĐ hay ĐH - tức là những người có “cái đầu” tốt, nhận thức tốt, tiếp thu tốt thì “cái tay” mới tốt được, đó là thực tế.

Chúng ta thiếu thợ lành nghề bởi những người thợ của chúng ta chưa được các thầy lành nghề, có kinh nghiệm nghề nghiệp đào tạo.

Phần lớn giáo viên đào tạo nghề tốt nghiệp từ trường ĐH, chất lượng vốn hạn chế lại thiếu kinh nghiệm thực tế từ ngành nghề của mình nên gặp khó khăn trong việc giúp học sinh hình thành năng lực nghề nghiệp. Trong điều kiện ấy, quan hệ giữa trường nghề và doanh nghiệp quá lỏng lẻo càng làm ảnh hưởng đến tay nghề của học sinh khi ra trường.

Hãy khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nghề

* Việc để hai bộ GD-ĐT, Lao động - thương binh và xã hội cùng quản lý nhà nước hệ thống GDNN nhiều năm qua đã để lại các di chứng cần sớm khắc phục. Nhiều trường chuyên nghiệp than phiền họ được đầu tư ít hơn các trường nghề nên bị thua thiệt. Là vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, ông nghĩ sao về những trăn trở này của các trường?

- Kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã nói nhiều và Chính phủ cũng biết sự bất cập này. Do thiếu đầu mối quản lý nhà nước thống nhất để điều phối về đào tạo nhân lực, nên xuất hiện và tồn tại dai dẳng sự mất cân đối về cơ cấu trình độ nhân lực giữa công nhân - trung cấp - ĐH, mất đi sự phát triển hài hòa, kết nối giữa giáo dục phổ thông với GDNN và với giáo dục ĐH.

Mặt khác, cả hai bộ cùng làm công tác quản lý nhà nước về GDNN đã tạo ra sự phình biên chế trong bộ máy từ trung ương đến địa phương. Chi phí cho việc vận hành hai hệ thống tăng gần gấp đôi do đều phải làm những công việc tương tự nhau: xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch, xây dựng cơ sở vật chất, phát triển chương trình, giáo trình, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thanh tra kiểm tra... Các trình độ thiếu tính tiêu chuẩn và khó hiểu với người nước ngoài, điều đó còn gây khó khăn cho hội nhập quốc tế về giáo dục và lao động.

15 năm qua, hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm hơn 500 trường trung cấp chuyên nghiệp, CĐ với quy mô tuyển sinh trên nửa triệu người mỗi năm phần lớn sống được và phát triển chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa (học phí), mà hầu như không được đầu tư bằng các chương trình mục tiêu của Chính phủ.

Nhiều trường có lợi thế về địa lý hoặc ngành đào tạo thì phát triển tốt, nhưng không ít trường trung cấp chuyên nghiệp không được đầu tư nên đã đánh mất sứ mạng của mình là cung cấp cho đất nước lao động có trình độ trung cấp quay sang liên kết đào tạo ĐH, CĐ.

Người học và giáo viên trong những trường này chịu sự bất bình đẳng do điều kiện học hành, làm việc và đãi ngộ thua kém các trường nghề do không được đầu tư.

Thực tế nói đến GDNN, người ta thường chú ý đến dạy nghề và bao cấp cho nó. Rất đáng tiếc, các trường trung cấp chuyên nghiệp hoặc CĐ - với lịch sử tồn tại hàng trăm năm và đội ngũ giáo viên cùng chất lượng tuyển đầu vào tốt hơn - nếu cũng được đầu tư từ chương trình mục tiêu, chỉ cần bằng 1/2 trường nghề, thì đã có thể phát triển rất mạnh.

* Với tất cả những khó khăn và bất cập đã được chỉ ra, theo ông, đâu là “cú hích” quan trọng thúc đẩy sự phát triển GDNN?

- Giải pháp phát triển GDNN đã được nêu trong nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tôi chỉ nhấn mạnh giải pháp căn bản là thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GD-ĐT để thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN của bộ ngành và địa phương cũng như của các tổ chức chính trị xã hội khác như chỉ thị 37 của Ban Bí thư đã chỉ ra, khi ấy ta sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực để phát triển GDNN và tăng cường phân cấp cho chính quyền địa phương, xóa dần bao cấp kinh phí như trước đây.

Phải tập trung phát triển đội ngũ giáo viên GDNN để có tay nghề cao, đào tạo người học theo cách tiếp cận năng lực nghề nghiệp, tập trung mạnh để đào tạo kỹ năng, đào tạo lại cho người lao động trong độ tuổi kể cả những người tốt nghiệp CĐ hay ĐH chưa có việc làm.

Nhà nước cũng chỉ nên đầu tư vào những ngành, nghề trọng điểm có ảnh hưởng đến tăng trưởng, năng lực cạnh tranh quốc gia và những vùng khó khăn, còn lại nên đẩy mạnh tư nhân hóa đào tạo nghề.

Hãy khuyến khích mạnh hơn doanh nghiệp đào tạo nghề là con đường tốt nhất nâng cao chất lượng, hiệu quả của đào tạo nghề như nhiều quốc gia khác đã làm. Chừng nào chúng ta còn quá trông chờ vào nguồn ngân sách eo hẹp quốc gia thì chừng đó công tác GDNN sẽ không thể cất cánh được.

Tăng tuyển học sinh tốt nghiệp THCS, bỏ học ở THPT

Bộ GD-ĐT đã có cảnh báo về việc suy giảm quy mô tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT từ hơn bốn năm về trước.

Bộ hoàn toàn chia sẻ khó khăn với các trường trung cấp chuyên nghiệp trong công tác tuyển sinh hiện nay và đã có chỉ đạo các sở GD-ĐT, các trường chú trọng tuyển sinh những đối tượng tốt nghiệp THCS, học sinh bỏ học ở THPT và tăng cường áp dụng công nghệ đào tạo mở các khóa đào tạo kỹ năng ngắn hạn cho người lao động đáp ứng nhu cầu thị trường. Đã có những trường trung cấp chuyên nghiệp thu được từ 5-10 tỉ đồng một năm bằng việc đào tạo kỹ năng như vậy.

 

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên