03/09/2020 09:44 GMT+7

Trường nghề cam kết có việc làm

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Một số trường nghề đã ký cam kết ra trường có việc làm cho sinh viên như một cách thu hút người học.

Trường nghề cam kết có việc làm - Ảnh 1.

Các khách mời trao đổi tại tọa đàm "Chọn trường nghề cho lối vào đời" do báo Tuổi Trẻ và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp tổ chức trong tháng 8-2020 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trước mỗi khóa học, Trường CĐ Viễn Đông (TP.HCM) ký hợp đồng cam kết đảm bảo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nếu người học ra trường không có việc đúng ngành hoặc làm lương thấp, trường cam kết hoàn trả học phí.

“Có người hỏi lỡ làm ở công ty được một tháng bị đuổi thì sao. Tôi nói dù 10 năm sau, trường vẫn sẽ hỗ trợ các bạn vì các bạn là sản phẩm của trường.

ThS Phan Thị Lệ Thu (phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông)

Nhu cầu nhân sự quá lớn

ThS Phan Thị Lệ Thu - phó hiệu trưởng - cho biết trước đây khi bắt đầu thực hiện chiến lược này, trường gặp một số chật vật do còn khá mới và cần xây dựng uy tín. Tuy nhiên chỉ sau một năm thực hiện, trường nhận thấy nhiều cơ hội bởi nhu cầu nhân sự của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực rất lớn. Chương trình đào tạo chưa khớp với yêu cầu về lao động của doanh nghiệp khiến một số nơi còn tình trạng sinh viên tốt nghiệp thất nghiệp.

Nhìn thấy thách thức này, Trường CĐ Viễn Đông mạnh dạn mời các doanh nghiệp liên kết với trường, thường xuyên đánh giá chương trình đào tạo sát với thực tế. Doanh nghiệp có thể kiến nghị trường đưa vào những môn cần thiết để khớp với những đòi hỏi về tay nghề ở người lao động. Trường thậm chí sẵn sàng trả tiền cho doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo cho sinh viên. Chẳng hạn, trường còn trả chi phí cho một số doanh nghiệp cho phép học sinh, sinh viên đến cơ sở của mình học, bên cạnh cách truyền thống là mời họ đến trường giảng dạy.

Ở học kỳ cuối, học sinh, sinh viên được tạo điều kiện đến thực tập ở những doanh nghiệp phù hợp và phần lớn được giữ lại làm việc. "Doanh nghiệp cũng có lợi khi không phải đào tạo lại và có được lao động đúng như những gì mong muốn. Trong nhiều năm thực hiện, trường chưa bị sinh viên than phiền vì không thực hiện đúng hợp đồng lúc nhập học. Có người hỏi lỡ làm ở công ty được một tháng bị đuổi thì sao. Tôi nói dù 10 năm sau, trường vẫn sẽ hỗ trợ các bạn vì các bạn là sản phẩm của trường" - cô Thu nói thêm.

Doanh nghiệp tham gia đào tạo

Trong khi đó, gần hai năm nay, Trường CĐ Quốc tế TP.HCM chuyển việc ký cam kết 100% sinh viên có việc làm từ đại diện nhà trường về cho các khoa bộ môn. ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng - cho biết khoa trực tiếp giảng dạy thì cần có trách nhiệm với học sinh, sinh viên của mình. "Các em cũng như các sản phẩm do khoa tạo ra. Khoa không dám cam kết chất lượng thì tốt nhất là thôi làm" - ông Lý nói.

Theo ông Lý, để đạt được tỉ lệ 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm thì "không thể chỉ nói miệng". "Mỗi khoa được trường hỗ trợ phát triển về chương trình đào tạo, giảng viên, hệ thống thực hành, phương pháp đào tạo. Các trưởng khoa được yêu cầu linh động và nhiệt huyết để mời được các giám đốc, chủ doanh nghiệp tham gia giảng dạy, phản biện chương trình, hỗ trợ đầu ra cho người học. Trường cũng có những tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc. Nếu không đảm bảo tiêu chí 100% học sinh, sinh viên có việc, khoa sẽ bị đánh giá thấp điểm và có thể bị cắt một số quyền lợi như khen thưởng..." - ông Lý nói.

Nhiều cách giải quyết việc làm

TS Trần Kim Tuyền, hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết hiện có nhiều cách để nhà trường giải quyết nhu cầu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Thứ nhất, trường liên kết với các công ty, doanh nghiệp từ đầu để học kỳ cuối sinh viên đến thực tập. Thông thường các bạn đều được giữ lại tiếp tục làm việc. Thứ hai, trường mở các ngày hội giới thiệu việc làm trong khoảng thời gian tốt nghiệp của học sinh, sinh viên để người học và doanh nghiệp có thể gặp nhau. Thứ ba, một số doanh nghiệp đến phỏng vấn và trao tặng các suất học bổng cho học viên từ đầu và cam kết gắn bó với các em sau khi hoàn thành chương trình học. Cuối cùng, trường có bộ phận tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm cho sinh viên.

Để đảm bảo chất lượng đầu ra, đại diện các doanh nghiệp có thể kiểm tra, tư vấn, góp ý về chương trình hoặc trực tiếp tham gia giảng dạy. Một bộ phận trong trường sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ kỹ sư, chuyên gia từ các doanh nghiệp để nâng cao kỹ năng sư phạm khi đứng lớp. "Quan trọng là sự chủ động của nhà trường. Trường mà không gắn với doanh nghiệp là thua. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng được, nhưng không có doanh nghiệp là không có đầu ra cho sinh viên" - ông Tuyền nói.

Tỉ lệ có việc làm trên 80%

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay cả nước có trên 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó gần 400 trường cao đẳng, hơn 460 trường trung cấp và khoảng 1.050 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Năm 2019, các trường trong hệ thống tuyển được trên 2,3 triệu học viên, chủ yếu tập trung ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ.

Từ tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành năm 2019, tỉ lệ học sinh, sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%. Trong đó, sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp đạt 80%. Phần lớn học sinh, sinh viên chưa có việc làm ngay do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc tìm kiếm những công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn. Ở nhiều trường chất lượng đào tạo uy tín, tỉ lệ người học ra trường có việc luôn đạt 100%.

Cần gì để thành công khi chọn trường nghề? Cần gì để thành công khi chọn trường nghề?

TTO - Từ những câu chuyện thực tế, các khách mời trong tọa đàm ‘Chọn trường nghề cho lối vào đời’ đã chỉ ra những yêu cầu cốt lõi để thành công cho các học viên, sinh viên trường nghề.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên