12/08/2019 08:37 GMT+7

Trường nâng điểm chuẩn để từ chối thí sinh: cần có bàn tay của bộ

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Nâng điểm chuẩn lên cao ngất, chấp nhận 'trắng thí sinh' vài ngành không là chuyện riêng ở hai trường, cũng không phải là chuyện lạ lần đầu xuất hiện trong tuyển sinh.

Mùa tuyển sinh 2019, trong khi đa số các ngành đào tạo có phổ biến chỉ từ 15 - 18,5 điểm thì bất ngờ điểm chuẩn hai ngành đào tạo không thí sinh nào trúng tuyển của Trường ĐH Đồng Nai lại tăng vọt 22,6 - 24,7 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM nâng điểm chuẩn hai ngành "vượt trần" điểm của thí sinh để... không ai trúng tuyển.

Đẩy điểm chuẩn lên cao ngất, chấp nhận "trắng thí sinh" vài ngành không là chuyện riêng ở hai trường, cũng không phải là chuyện lạ lần đầu xuất hiện trong tuyển sinh.

Từ năm 2018, đã có trường sư phạm bị phản ứng dữ dội vì dùng chiêu này. Còn Bộ GD-ĐT lên tiếng: cách làm của trường vừa sai nguyên tắc, vừa không đảm bảo quyền lợi thí sinh.

Tiên lượng tình huống có thể lặp lại, trước đợt tuyển sinh 2019, Bộ GD-ĐT cảnh báo các trường sư phạm nếu có quá ít người đăng ký, không đủ mở lớp thì sớm thông tin để các em thay đổi nguyện vọng, không đẩy điểm chuẩn lên quá cao để đánh trượt toàn bộ thí sinh.

Nhưng rồi, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy. Trường hợp cá biệt của một trường CĐ sư phạm năm 2018 lại trở nên phổ biến hơn ở năm 2019 với sự góp mặt của nhiều trường, nhiều ngành.

Từ chối thí sinh trúng tuyển thực ra là việc chẳng đặng đừng với các trường khó khăn, đang khao khát nguồn tuyển, chỉ mong thêm thí sinh nào hay thí sinh ấy. Nhưng một ngành học chỉ có vài ba thí sinh thì tổ chức lớp học thế nào, bố trí giảng viên ra sao? Chưa kể, chính sinh viên vào học những ngành èo uột, rất có thể rồi cũng chán nản, bỏ ngang thì lãng phí xã hội tính thế nào?

Song dù chia sẻ với nỗi khó của các trường, nhiều chuyên gia vẫn ngao ngán: chủ động dùng công cụ điểm chuẩn bất thường đánh trượt thí sinh mà không hề có đối thoại với các em là cách hành xử khó chấp nhận. Vai trò điều tiết, quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT ở đâu khi quyền lợi nhà trường và thí sinh xung đột?

Đã có chuyên gia hiến kế khi không một trường nào tự giải quyết được thì phải cần đến bàn tay của bộ. Tại sao không gom thí sinh cùng đăng ký một ngành khó tuyển giao cho trường ĐH phù hợp đào tạo tập trung? Tất nhiên, sự lựa chọn cuối cùng vẫn thuộc về thí sinh...

Cả nước hiện có hàng trăm cơ sở đào tạo giáo viên mà chất lượng thì mỗi nơi mỗi kiểu. Nếu tính trung bình, mỗi tỉnh, thành hiện có từ 2-4 cơ sở đào tạo giáo viên, mà nhu cầu tuyển dụng nhiều nơi, nhiều bậc học đang lao dốc. Còn nhìn trên toàn hệ thống, việc tuyển sinh lao đao, quy mô đào tạo ngày càng sụt giảm không là chuyện riêng của trường sư phạm.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ thực hiện trên 200 trường ĐH đã chỉ ra vẫn còn khá nhiều trường thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên... Khá nhiều trường quy mô nhỏ và rất nhỏ (dưới 5.000 hoặc thậm chí dưới 2.000 sinh viên), chất lượng kém, hoạt động không hiệu quả.

Một số nơi đã tự tìm giải pháp bằng cách giải thể trường sư phạm hay thực hiện sáp nhập. Nhưng đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế của rất ít địa phương. Đến nước này, chỉ còn cách bố trí công việc đúng khả năng, quy hoạch ngành, trường rõ ràng mới có thể ngăn các trường "bí quá hóa liều", bất chấp quyền lợi thí sinh chỉ để lo cơm áo cho mình...

Thêm trường ĐH nâng điểm chuẩn để không thí sinh nào trúng tuyển

TTO - Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM quyết định nâng điểm chuẩn hai ngành "vượt trần" điểm thi của thí sinh để không thí sinh nào trúng tuyển.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên