Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với hiệu trưởng các trường trung cấp, CĐ tại hội thảo “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” được tổ chức sáng 16-1 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 16-1 tại TP.HCM có sự tham dự của các trường trung cấp, CĐ nghề và các trường CĐ mới chuyển từ Bộ GD-ĐT sang Bộ LĐ-TB&XH quản lý về mặt nhà nước, các hiệp hội, lãnh đạo UBND TP.HCM và Hà Nội.
Tại hội nghị, Bộ LĐ-TB&XH trình bày đề án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Trường nhiều, chất lượng hạn chế
Theo Bộ LĐ-TB&XH, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Hiện cả nước có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có trường trung cấp, CĐ. Tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2011-2015 thực hiện được khoảng 9,17 triệu người. Trong số này, bộ đã tổ chức kiểm định, công nhận kết quả kiểm định chất lượng dạy nghề của 51% trường CĐ nghề, 20% trường trung cấp nghề, 3,5% trung tâm dạy nghề.
Cũng theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, việc đào tạo giáo dục nghề nghiệp từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”, gắn với nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu việc làm của thị trường lao động.
Tuy vậy, cơ cấu và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả chương trình, đội ngũ, chất lượng đào tạo vẫn bị chính Bộ LĐ-TB&XH và các đại biểu tham gia hội nghị đánh giá là còn nhiều hạn chế.
Giai đoạn 2011-2015, quy mô tuyển sinh không đạt mục tiêu chiến lược và liên tục giảm qua các năm. Cơ cấu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp còn bất cập, tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo, giữa các vùng miền chậm được khắc phục, chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực.
Bên cạnh đó, chương trình, giáo trình đào tạo còn nhiều nội dung mang tính hình thức. Theo đánh giá của các trường Anh quốc (thuộc dự án chuyển giao một số công cụ quản lý của Anh quốc cho một số trường của Việt Nam, giai đoạn 2015-2017), tất cả các trường Việt Nam đều chưa triển khai đồng bộ việc lấy học sinh làm trung tâm trong hoạt động của mình. Tỉ lệ thất nghiệp của học sinh ở trình độ trung cấp, CĐ còn cao...
Tại hội nghị, đại diện nhiều trường vừa được chuyển giao từ Bộ GD-ĐT bày tỏ sự lo lắng về cơ chế, chính sách cũng như hoạt động, tuyển sinh của trường khi chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH. Một số đại biểu cho rằng Bộ LĐ-TB&XH cần có văn bản chính thức về việc thực thi các chính sách liên quan đến các trường CĐ, trung cấp thuộc Bộ GD-ĐT trước đây, để các trường, địa phương có căn cứ thực hiện, bởi hiện nay vẫn chưa có bản chính thức nào.
Ông Trần Thanh Hải - hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông - lo lắng: “Không biết khi nào Bộ LĐ-TB&XH tiếp quản chính thức, bởi hiện các trường còn gặp nhiều khó khăn trong việc mở ngành cho kỳ tuyển sinh 2017”.
Về vấn đề này, ông Đào Ngọc Dung - bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - cho hay trong thời gian Bộ LĐ-TB&XH chưa thay đổi, sửa chữa thì các trường áp dụng theo các văn bản của Bộ GD-ĐT trong hoạt động, điều hành. Nếu thật sự cần thiết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ sửa, nhưng theo hướng thuận lợi hơn cho các trường.
Phải tự chủ
Ông Trần Công Chánh, chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, trung cấp kinh tế - kỹ thuật Việt Nam, cho rằng phải phân luồng học sinh thật mạnh. Có người học mới có thể nâng cao chất lượng được. Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp còn yếu, lý luận nhiều nhưng thiếu thực tế.
Do vậy, cần phải có đề án nâng cao chất lượng đội ngũ. Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách cho người học nghề nghiệp như khung, bậc lương phải tăng lên theo tay nghề chứ không cào bằng theo bậc học như hiện nay.
Ông Lương Văn Tiến - hiệu trưởng Trường CĐ Công nghiệp xây dựng - cho rằng: “Cần phải quy hoạch lại mạng lưới các trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không thể để nhiều như thế này. Nhiều trường đầu tư máy móc, nhà xưởng, nhưng không được sử dụng do không có người học, gây lãng phí.
Việc quy hoạch lại có thể giảm số trường, sáp nhập trường, tập trung đầu tư vào những trường hoạt động tốt để nâng cao chất lượng. Hiện nay, nhiều trường loay hoay tuyển sinh để sống thì làm sao phát triển, nâng cao chất lượng được”.
Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cũng cho rằng vấn đề việc làm cho đối tượng học giáo dục nghề nghiệp rất quan trọng.
Thực tế những năm qua, các trường CĐ, trung cấp chỉ tuyển được khoảng 50%, nếu tính riêng lẻ có những trường tỉ lệ tuyển sinh còn thấp hơn nữa, do người tốt nghiệp khó khăn khi tìm việc. Không có học sinh thì khó mà nâng cao được chất lượng đào tạo.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải thay đổi một cách căn bản giáo dục nghề nghiệp.
“Phải đổi mới, nếu cứ để thế này sẽ chết. Chúng ta nhất định phải tự chủ. Khi triển khai tự chủ đại học, lúc đầu rất khó khăn, nhưng sau khi thực hiện các trường đánh giá là tốt hơn nhiều so với trước khi tự chủ.
Tự chủ là chìa khóa đầu tiên để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Các trường phải được tự chủ về chuyên môn, tổ chức bộ máy, mở ngành. Đề nghị các bộ, địa phương phải đẩy mạnh việc này. Việc cấp ngân sách cũng phải thay đổi, không thể cào bằng ngân sách mãi được. Trường nào làm tốt hơn sẽ được cấp ngân sách nhiều hơn” - Phó thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu ra các giải pháp về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác doanh nghiệp. Phó thủ tướng cho rằng phải đẩy mạnh kiểm định. Việc kiểm định nên do các hiệp hội độc lập thực hiện, không thuộc Bộ LĐ-TB&XH.
Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cho rằng việc kết hợp với doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở khảo sát nhu cầu tuyển dụng, việc làm, thực tập, mà có thể tiến đến cho phép trường được thành lập xưởng sản xuất ngay trong trường, bên cạnh các trang thiết bị mô phỏng. Chương trình đào tạo cần được xây dựng theo chuẩn quốc tế.
Các chương trình đào tạo quốc tế mà Bộ LĐ-TB&XH đã nhập về cần được nhân rộng ra, thiết lập cơ sở học liệu mở để tất cả các trường có thể tham khảo.
CĐ muốn lên ĐH vì không tuyển sinh được! Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đặt câu hỏi: “Tại sao ở đâu cũng phải có trường ĐH, CĐ? Các quy hoạch về mạng lưới gửi lên cho tôi đều giữ nguyên số lượng trường, vì sao? Chúng ta phải thay đổi điều này. Nhiều trường CĐ đề nghị với tôi được nâng cấp lên ĐH, với lý do tuyển sinh không được. Làm CĐ không tốt thì làm sao làm ĐH được! Cũng có trường CĐ làm tốt muốn lên ĐH. Nhưng khi lên ĐH chưa chắc đã làm tốt, trong khi lại từ bỏ điều mà mình đang làm rất tốt. Người ta nói Việt Nam thừa thầy thiếu thợ. Điều này cũng đúng, nhưng thực ra tỉ lệ người học ĐH tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/3 so với Hàn Quốc. Vấn đề là các nước họ làm liên thông rất tốt. Ở các nước, người ta học liên thông để mở rộng kiến thức và vẫn làm công việc họ có thế mạnh nhất, chứ không phải như ở Việt Nam, mang tấm bằng ĐH về và yêu cầu bố trí công việc khác!”. |
Theo đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” của Bộ LĐ-TB&XH, đến năm 2020, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khoảng 70 trường chất lượng cao, trong đó khoảng 10 trường tiếp cận với trình độ ASEAN-4 và các nước tiên tiến trên thế giới; hình thành 150 nghề trọng điểm, trong đó 50 nghề cấp độ quốc tế. 100% nhà giáo dạy các ngành nghề trọng điểm quốc gia, quốc tế và khu vực ASEAN, 70% nhà giáo dạy các ngành nghề không được đầu tư trọng điểm đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề... 60% trường CĐ, 40% trường trung cấp, 10% trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 80% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm quốc gia được kiểm định chất lượng. Ban hành mới tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho 250 nghề; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 4 triệu người lao động. Đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến cơ chế chính sách, chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, đội ngũ, mạng lưới... để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận