Phóng to |
Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa |
Lam Sơn trong tôi là...
Một thời để nhớ: Mùa đội tuyển. Đó là khoảng thời gian tôi sẽ mang theo, sẽ cất giữ mãi trong tâm hồn mình. Ba tháng, thời gian quá ngắn ngủi để khi chia xa thấy hụt hẫng và trống vắng biết nhường nào.Tôi tạm xa lớp 11 văn để bước vào một khung trời mới - khung trời với bao niềm ước vọng ấp ủ vào đội tuyển quốc gia từ ngày mới vào lớp 10. Ước mơ thành hiện thực. Bất ngờ và hạnh phúc!
Một lớp học chỉ có tám cô gái trên tầng cao đầy gió nhưng vẫn luôn rôm rả tiếng cười. Tám cô gái chuyên văn gặp nhau trong một ngày giữa tháng mười nắng nhạt. Mỗi người một tính cách. “Chị cả” Hạnh My mơ màng, trong trẻo như giọt nắng tinh khôi của mùa thu mà vẫn thật chín chắn trong những suy nghiệm về cuộc sống, Minh Trang như nốt lặng của bản nhạc buồn, Đồng Nga mang vẻ nhu mì, hiền thục của một cô gái Việt truyền thống, Thiều Nhung lúc nào cũng tươi roi rói, Phương Chi hồn nhiên, luôn thích làm duyên, Mai Tôn như nụ hoa nhú lên đón nắng mới để bung nở. Chính niềm say mê văn chương và tình yêu Lam Sơn đã trở thành nhịp cầu nối cho những tâm hồn.
Vào đội tuyển... Đó là cuộc chiến đấu đầy thử thách và trách nhiệm. Từ một con bé lầm lũi, rầu rĩ và lạnh lùng, tôi mở lòng hơn, vui tươi hơn. Tám đứa cùng ngồi trên một con thuyền nhỏ. Cô Giang, cô Hiền là những người chèo lái vững vàng đưa thuyền cập bến. Giữa mùa đội tuyển, chúng tôi được “đổi gió” bằng một chuyến đi Hà Nội. Vậy là tám đứa có những bữa cơm chung, những đêm ngủ chung, những buổi lòng vòng quanh thủ đô để tìm nguồn cảm xúc mới. Tám đứa càng thêm gần gũi, yêu thương nhau như chị em ruột thịt. Ấn tượng nhất trong tôi vẫn là chuyến tàu ngày trở về đầy lưu luyến sau một tuần sống ở Hà Nội. Đó là một chuyến tàu đêm buồn lặng. Không ai nói với nhau câu gì. Cả tám đứa nhìn qua cửa sổ trông về một điều gì đó xa xăm...
Ngồi trên chuyến tàu đó, tôi mới nhận ra đằng sau vẻ nghiêm khắc của cô Hiền là sự gần gũi và giàu tình cảm, đằng sau những bài giảng văn lại chứa đựng những điều rất đời, rất thật. Cuộc sống phải chăng là vậy, người ta không bao giờ được phép nhìn con người giản đơn, một chiều. Chỉ khi ta biết lắng nghe và cảm nhận mới hiểu hết được. Cũng giây phút ấy, tôi mới thật yêu mến vẻ đẹp hiền hậu của cô Giang cùng những trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Cô bảo cuộc sống phải biết hi sinh vì người khác để lòng mình luôn thấy nhẹ nhõm. Sự bon chen, ích kỷ chỉ khiến ta thêm mệt mỏi. Người học văn càng phải mở lòng hơn nữa. Văn chương không bao giờ chấp nhận sự đóng khép lòng mình. Cô nắm lấy bàn tay tôi trên chuyến tàu đêm im ắng ấy. Đêm đông, gió thổi từng cơn luồn qua những khe nhỏ mà lòng tôi lại ấm biết bao. Bao năm tôi đã sống khắc kỷ, giờ mới thấy mình sống nhạt biết chừng nào. Và từ khoảnh khắc nắm bàn tay cô Giang, tôi nhận ra mình đang lớn!
Lam Sơn trong tôi là...
“Người mẹ” hiền từ - người mẹ sẵn sàng ôm ấp, chở che và yêu thương tôi những tháng ngày sống tự lập. Lam Sơn mang một vẻ đẹp cổ kính và trầm mặc, hằn in trên lớp sơn nâu bàng bạc. Chúng tôi gọi đó là màu của nhân hậu, bao dung. Thứ màu đã phủ lên một lớp trầm tích của truyền thống và ngưng đọng lịch sử của tám mươi năm. Lam Sơn trong trái tim tôi là cõi thương, cõi nhớ... Nhớ một hành lang vàng ươm hoa dẻ, nhớ góc sân thượng bé nhỏ tám đứa ngồi chung, lặng im, nghe gió. Nhớ về đêm hội trại kỷ niệm tám mươi năm ngày thành lập trường tưng bừng, sôi nổi... Như còn đó vẹn nguyên niềm xúc động trong buổi khai giảng đầu tiên ở Lam Sơn khi thầy phó hiệu trưởng dõng dạc: “Tự hào vì chúng ta là học sinh Trường chuyên Lam Sơn”. Rồi tất cả cùng ngân vang ca khúc truyền thống Lam Sơn mến yêu của thầy Trần Lê Chức: Ngày mai tung cánh bay xa xây nước non nhà / Thêm đẹp giàu tươi vui hạnh phúc / Đem tâm trí thanh xuân dâng cho Tổ quốc / Chúng ta quyết xứng là / Lớp người của Lam Sơn mến yêu.
|
Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận