Bệnh viện 22-12 vừa kỷ luật cách chức, buộc thôi việc bác sĩ trưởng khoa sản bị tố ôm tiền của nhiều sản phụ "biến mất" - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Giám đốc thuộc Cục Quân y Bộ Quốc phòng, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), vừa quyết định kỷ luật, cách chức, buộc thôi việc đối với bác sĩ Phạm Thanh Nam - bệnh viện ngay từ ngày ký quyết định, 27-6-2018.
Chiều 27-6, thượng tá bác sĩ Nguyễn Văn Hòa - giám đốc Bệnh viện 22-12 - cho biết bác sĩ Phạm Thanh Nam - trưởng khoa Sản của bệnh viện đã cắt liên lạc với bệnh viện và "biến mất" từ nhiều ngày qua.
Bác sĩ Nam bị kỷ luật vì "lợi dụng chức, vụ, quyền hạn và sự tín nhiệm của nhân viên cấp dưới cố tình làm sai quy trình nhập viện, điều trị và xuất viện của bệnh viện".
Ngoài ra, bác sĩ Nam còn "tự ý hợp đồng thu tiền của bệnh nhân ngoài bệnh viện, đưa bệnh nhân vào viện nhưng không đóng tiền viện phí. Từ đó, biển thủ tiền thanh toán viện phí của bệnh nhân trước khi khám và điều trị tại khoa sản Bệnh viện 22-12".
Theo ông Hòa, Bệnh viện 22-12 đã kiểm tra và cho đến nay có tới 13 sản phụ báo đã nộp đầy đủ tiền cho bác sĩ Nam theo "hợp đồng cung cấp dịch vụ thai sản trọn gói" để được đưa vào sinh đẻ tại Bệnh viện 22-12.
Nhiều sản phụ cho biết số tiền họ đã thực nộp cho bác sĩ Nam là gần 20 triệu đồng, cao hơn giá ghi trong "hợp đồng dịch vụ trọn gói" đã ký kết. Trong đó, có 10 sản phụ được bác sĩ Nam đưa vào khoa Sản mổ đẻ, một sản phụ sinh thường và hai người chưa sinh.
Việc thăm khám cho các sản phụ nhiều tuần trước khi sinh được thực hiện bên ngoài bệnh viện, tại phòng khám của bác sĩ Nam, đến ngày sinh mới đưa vào Bệnh viện 22-12.
Theo bác sĩ Hòa, tất cả sản phụ đã nêu và Bệnh viện 22-12 "đều là nạn nhân đã bị bác sĩ Nam lừa gạt".
Vụ "lừa gạt" kể trên của bác sĩ Nam bị "vỡ lở" khi nhiều sản phụ xuất viện, quá hẹn nhưng không được Bệnh viện 22-12 trả lại giấy tờ và cấp giấy chứng sinh để làm giấy khai sinh cho trẻ sơ sinh vì chưa thanh toán viện phí.
Chiều 27-6, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ Online, BS Lê Tấn Phùng - phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa - cho biết Bệnh viện 22-12 là bệnh viện được Cục Quân y - Bộ Quốc phòng cấp giấy phép hoạt động.
Còn "cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định của Bộ Y tế, phải có trách nhiệm cung cấp giấy chứng sinh cho người đến sinh tại cơ sở. Nếu trẻ sinh ra tại Bệnh viện 22-12 thì bệnh viện này có trách nhiệm cấp giấy chứng sinh".
Tối cùng ngày, bác sĩ Hòa cho biết thêm trong hai ngày qua, Bệnh viện 22-12 đã cử hai đoàn công tác do hai phó giám đốc làm trưởng đoàn, đến từng nhà các sản phụ ở Cam Ranh, Diên Khánh và TP Nha Trang đã vào sinh tại bệnh viện để thương thảo, cùng chia sẻ chi phí sau khi bị bác sĩ Nam lừa gạt, không đóng viện phí cho bệnh viện.
Nhưng theo ông Hòa, hầu hết gia đình các sản phụ đã sinh đều không đồng tình "chia sẻ" với bệnh viện. Tuy vậy, Ban giám đốc Bệnh viện 22-12 đã quyết định trả lại CMND, thẻ BHYT và cấp giấy chứng sinh cho tất cả sản phụ đã nêu để làm giấy khai sinh cho trẻ đã sinh tại bệnh viện này.
Phòng khám sản phụ khoa Thanh Nam và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe EVA, ở chung nhà số 6 Huỳnh Tịnh Của (phường Phước Long, TP Nha Trang) đã đóng cửa sau khi giám đốc là bác sĩ Phạm Thanh Nam "biến mất" (chụp chiều 27-6-2018) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN
Chiều 27-6, phóng viên Tuổi Trẻ Online đã đến khu vực Bình Tân, TP Nha Trang, nơi có phòng khám sản phụ khoa Thanh Nam và Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe EVA, ở chung nhà số 6 Huỳnh Tịnh Của, do bác sĩ Nam làm giám đốc.
Nhiều cư dân ở gần cho biết phòng khám và công ty này đã đóng cửa khoảng hai tuần qua, trong khi có nhiều người đến tìm bác sĩ Nam để đòi nợ.
Một phụ nữ giới thiệu là chủ nhà cho bác sĩ Nam thuê cũng cho biết bác sĩ Nam đã bỏ trốn và có gọi điện thoại về cho bà để xin tiền ăn uống…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận