Mẹ mắc COVID-19 điều trị tại nhà nên hai chị em học trực tuyến ở nhà (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 21-2, Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn về việc xử lý F0, F1 trong các nhà trường khi dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều trường ở TP.HCM, Hà Nội cho biết khó khăn nhất hiện nay chính là việc tổ chức dạy học sao cho bảo đảm được quyền lợi của tất cả học sinh.
"Trước đây chúng tôi thực hiện theo quy định cũ, giờ với hướng dẫn mới, tình hình sẽ "dễ thở" hơn. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất chính là việc tổ chức dạy học cho cả hai đối tượng cùng một lúc, nhất là bậc tiểu học. Một giáo viên không thể cùng lúc dạy cho cả học sinh đến trường và học sinh đang ở nhà" - một cán bộ Phòng GD-ĐT quận Bình Tân, TP.HCM thông tin.
Phụ huynh cũng "chia rẽ"
Theo vị cán bộ này, hiện ở nhiều trường phụ huynh đang chia làm hai nhóm khác nhau. Một nhóm cho rằng khi trong lớp có F0 thì tất cả học sinh phải nghỉ ở nhà học trực tuyến để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các em.
Nhóm khác lại cho rằng quy định của Bộ Y tế quá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế. Họ đã chấp nhận sống chung với dịch thì việc cách ly học sinh là F1 không còn ý nghĩa. Rằng họ phải đi làm, không có điều kiện ở nhà để chăm sóc con là F1.
Nhà trường và phụ huynh đang dần làm quen với việc dạy và học trong "bình thường mới" - Ảnh: TỰ TRUNG
Tương tự, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 cũng chia sẻ: "Việc xử lý F0, F1 trong trường học theo quy định mới của Bộ Y tế vẫn không thể làm hài lòng tất cả phụ huynh. Nhiều người khi thấy lớp của con mình có học sinh là F0 thì họ chất vấn cô giáo chủ nhiệm là tại sao để lớp có F0, rồi "lớp đã có F0 tại sao không cho học sinh học online đồng loạt?".
Vậy nhưng cũng có lớp khi cô giáo là F0, nhà trường yêu cầu tất cả học sinh ở nhà học online thì một số phụ huynh lại không đồng tình. Họ nói như vậy là tước mất quyền đi học của học sinh khi các em vẫn đang mạnh khỏe và sẵn sàng đến trường".
Em đi học, em ở nhà: dạy cách nào?
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nhiều trường phổ thông ở TP.HCM và Hà Nội đã có nhiều cách tổ chức dạy học khác nhau trong điều kiện học sinh các lớp không thể đến trường 100% như bình thường.
"Những ngày gần đây, số ca F0 là giáo viên, học sinh ở trường chúng tôi có tăng so với hồi tháng 1-2022. Học sinh là F0, F1 phải nghỉ ở nhà theo đúng quy định của ngành y tế đồng nghĩa với số học sinh đến trường ngày càng ít đi.
Phương án của chúng tôi là dồn lớp: những em hiện đang ở nhà cách ly sẽ học chung một lớp với giáo viên được phân công dạy trực tuyến. Những em đến trường sẽ dồn lại học chung một lớp trực tiếp với giáo viên" - hiệu trưởng một trường THPT ở vùng ven TP.HCM cho biết.
Trong khi đó, Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội có gần 200 học sinh là F0 và trên 600 học sinh là F1, số F0 và F1 chiếm trên 43%, trong đó có 22 lớp có trên 50% học sinh trong diện F0, F1.
"Trường tôi ra quy định lớp có trên 50% học sinh là F0 và F1 thì sẽ chuyển sang học trực tuyến 100% đối với lớp đó. Các lớp còn lại học "2 trong 1" (kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp).
Có trường hợp giáo viên vì ngại dạy "2 trong 1" đã nâng số lượng học sinh F1 lên để chuyển sang trực tuyến 100% nhưng khi phụ huynh phản ảnh, chúng tôi đã kiểm tra và yêu cầu giáo viên phải đảm bảo số liệu chính xác. Tình trạng như thế nào, áp dụng hình thức dạy học tương ứng thế đó, đảm bảo quyền lợi của học sinh" - cô Nguyễn Thị Nhiếp, hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết.
Trong hai tuần học sinh trở lại trường, rất nhiều trường học Hà Nội đã phải chuyển đổi nhiều lần giữa trực tuyến và trực tiếp. Nhưng theo cách lớp nào có F0 thì rà soát để F0 và F1 tạm ngừng đến trường, học sinh khác vẫn học trực tiếp; nếu số ca F0, F1 trong một lớp quá đông thì sẽ cho cả lớp đó học trực tuyến.
Theo cô Đào Thị Hồng Hạnh, hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (Hà Nội), trong tuần trước đã phải chuyển những lớp có nhiều F0 sang học trực tuyến. Sau một tuần không có phát sinh F0 học sinh sẽ trở lại học trực tiếp.
Nhưng trường hợp lớp học có một vài F0, F1 và vẫn tổ chức học trực tiếp thì cách xử lý đối với những học sinh phải ở nhà đang rất khác nhau giữa các trường. Dạy học "2 trong 1" là cách nhiều trường đang áp dụng nhưng mức độ, cách thức không giống nhau. Do quá phức tạp nên có trường không triển khai được học "2 trong 1" mà chọn cách gửi video bài giảng, gửi phiếu bài tập cho học sinh đang cách ly ở nhà qua Zalo, email.
Trong tình huống xen kẽ lớp trực tiếp, trực tuyến, giáo viên vẫn vất vả khi cùng một buổi vừa phải lên lớp dạy trực tiếp, vừa dạy trực tuyến ngay tại trường. Việc chạy từ trực tuyến sang trực tiếp và ngược lại cũng khiến nhiều giáo viên, học sinh mệt mỏi do hai cách thức dạy học, kiểm tra có những cái vênh nhau.
Mẹ mắc COVID-19, bé M. ở nhà học trực tuyến (ảnh chụp ngày 22-2) - Ảnh: TỰ TRUNG
Dạy học ở 3 "điểm cầu"
Thầy Trần Văn Huy, giáo viên vật lý Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), đang là F0 nhưng vẫn ở nhà dạy học sinh. "May là hai ngày nặng nhất là thứ bảy, chủ nhật không phải dạy, hôm nay thì tôi dạy trực tuyến ở nhà. Bây giờ giáo viên F0, F1 nhiều nên nếu có thể được thì giáo viên vẫn dạy" - thầy Huy chia sẻ.
Lớp học của thầy Trần Văn Huy vào sáng 22-2 là kiểu lớp học với ba "điểm cầu". Thầy ngồi nhà dạy cho cả học sinh ngồi học trên lớp và học sinh diện F0, F1 ngồi học ở nhà. Thầy Huy cho biết nhà trường đã trang bị màn hình tivi to trên lớp kết nối với một máy tính, khi cần chỉ kéo xuống đúng vị trí bảng đen nên trường hợp giáo viên phải ở nhà dạy thì học sinh trên lớp theo dõi qua tivi rất rõ cả hình và tiếng.
Tương tự, học sinh cũng trong diện phải cách ly tham gia giờ học qua nền tảng trực tuyến. Trên lớp có lắp camera, khi thầy gọi học sinh tại lớp phát biểu sẽ có học sinh hỗ trợ bật mic.
"Giáo viên phải linh hoạt và xác định vất vả hơn khi dạy trực tiếp bình thường và vất vả hơn cả dạy trực tuyến do phải quan tâm tới các nhóm học sinh khác nhau. Giáo viên phải bao quát được cả hai nhóm học sinh, tạo được sự tương tác, kết nối giữa thầy với hai nhóm học sinh, giữa hai nhóm học sinh với nhau" - thầy Huy nói.
Khi giao việc, cho học sinh làm bài tập ngay tại tiết học, học sinh trên lớp sẽ nhận phiếu giấy, còn học sinh ở nhà sẽ truy cập vào hệ thống ôn tập để làm. Như vậy, giáo viên sẽ phải đồng thời xử lý hai hình thức kiểm tra tại lớp.
Cô Nguyễn Kim Anh, một giáo viên trường này, cũng đang "cân" tiết học ba "điểm cầu", cho biết ngoài việc linh hoạt xử lý cả nội dung bài học và ứng dụng thiết bị để học sinh tiếp thu bài, có sự tương tác tốt nhất, giáo viên cũng phải chú ý để không nhóm học sinh nào bị cảm thấy mình "bên lề".
Dồn F0, F1 vào một lớp trực tuyến
Một lãnh đạo trường THPT ở Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết trường thiếu giáo viên để chạy cả trực tuyến và trực tiếp theo kiểu chia nhỏ lớp nên đã dồn học sinh F0, F1 cùng khối vào một lớp để phân giáo viên dạy trực tuyến. Những học sinh còn lại học trực tiếp. Việc này có thuận cho giáo viên nhưng khó khăn cho học sinh khi phải thay đổi lớp học, không bắt kịp với tiến độ bài học của các lớp khác nhau.
Giáo viên vượt khó
Giáo viên vừa dạy vừa phải xoay màn hình để học sinh trên lớp thấy học sinh ở nhà và ngược lại, nhất là khi thảo luận, trao đổi. Giáo viên kết hợp giữa bài giảng powerpoint và viết trực tiếp lên màn hình (hoặc viết lên bảng khi giáo viên có thể đến lớp) để học sinh theo dõi. Nhiều khi giáo viên còn phải làm "phiên dịch" vì học sinh tại lớp nói khó nghe, học sinh ở nhà không nghe được. Nhìn chung là rất vất vả nhưng cũng là một trải nghiệm tốt cho việc vượt khó.
Cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận