Một tiết học của học sinh Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM) vào sáng 4-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, sở ấn định thời gian kiểm tra cuối học kỳ 1 đối với học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trong 2 tuần, từ 10 đến 22-1. "Tức là tùy tình hình dạy và học thực tế mà ban giám hiệu các trường quyết định thời gian kiểm tra cụ thể, chứ không hẳn là phải tổ chức kiểm tra ngay từ 10-1. Nếu thấy việc ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh cần thêm thời gian nữa thì các trường linh động đến 17-1 mới tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra", cán bộ này nói.
Phụ đạo trái buổi
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, từ ngày 5-1 các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.HCM đã bắt tay ngay vào việc tăng tốc ôn thi. Trong đó, ngoài việc ôn thi trực tiếp trên lớp, những học sinh yếu kém hoặc học từ xa không hiệu quả sẽ được giáo viên dạy phụ đạo riêng theo từng bộ môn.
Cô Nguyễn Thị Minh Tâm - hiệu trưởng Trường THPT Phong Phú, huyện Bình Chánh - thông tin: "Thời điểm này học sinh khối 10, 11, 12 sẽ học trực tiếp 1 buổi/ngày với nội dung chủ yếu là ôn tập những bài đã học từ đầu năm đến nay. Giáo viên bộ môn sẽ nắm lại tình hình học tập của học sinh và thực hiện kế hoạch phụ đạo trái buổi cho những học sinh chưa tiếp thu được bài học như mong muốn trong thời gian học trực tuyến vừa qua".
Thầy Trần Văn Luyện - hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5 - cho biết: "Tỉ lệ học sinh lớp 7, 8, 9 ở trường chúng tôi đi học lại đạt hơn 96%. Khối 9 đã có hơn ba tuần học trực tiếp nên chuẩn bị cho kỳ kiểm tra khá thuận lợi. Riêng lớp 7, 8 sẽ được giáo viên bộ môn ôn tập, củng cố kiến thức ngay tuần đầu tiên khi đi học lại. Tinh thần là trường sẽ ra đề kiểm tra cho toàn khối ở tất cả các môn đánh giá bằng điểm số. Các môn còn lại sẽ do giáo viên bộ môn ra đề".
Học sinh mong kiểm tra trực tiếp
Trái với lo lắng của phụ huynh về việc học trực tuyến trong suốt một học kỳ nhưng lại phải làm bài kiểm tra trực tiếp, nhiều học sinh tỏ ra tự tin hơn khi được đi học lại.
N.H.P. - học sinh lớp 11 Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận - nói: "Kiểm tra trực tuyến thì đề thi có phần dễ chịu hơn và nhẹ nhàng hơn, học sinh cũng dễ đạt được điểm cao hơn. Mặc dù vậy nhưng em vẫn thích làm bài kiểm tra trực tiếp vì nó mang lại kết quả trung thực và chính xác. Theo em thì điều nguy hiểm nhất của kiểm tra trực tuyến là khiến cho học sinh tự ảo tưởng về năng lực của bản thân. Tức là có trường hợp học sinh đạt điểm bài kiểm tra rất cao nhưng đó chưa hẳn là học sinh giỏi".
Tương tự, M.H.Th. - học sinh lớp 12 Trường THPT Marie Curie - phân tích: "Đối với học sinh khối 12 thì điểm số rất quan trọng, nhất là với những học sinh dự kiến sẽ dùng điểm học bạ để xét tuyển vào đại học. Cũng vì lý do này mà nhiều phụ huynh và cả học sinh đều muốn làm bài kiểm tra trực tuyến để có bảng điểm đẹp. Có thể ý kiến của tôi không nhận được sự đồng tình của bạn bè, nhưng việc kiểm tra trực tiếp trong thời điểm này theo tôi là rất cần thiết. Cần phải có bảng điểm phản ánh đúng năng lực của học sinh thì mới biết mình đang ở đâu, mình cần phấn đấu như thế nào. Vì cuối năm học này học sinh lớp 12 phải trải qua một kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Nếu cứ kiểm tra trực tuyến, đến khi thi tốt nghiệp THPT lại thi trực tiếp thì còn nguy hiểm hơn".
Ban giám hiệu nên "cầm trịch" việc ra đề
Nhiều giáo viên lại phản ánh với Tuổi Trẻ rằng Sở GD-ĐT giao cho các trường THCS, THPT chủ động ra đề kiểm tra cuối học kỳ nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh. Thế nhưng, thực tế không hoàn toàn diễn ra như vậy. Khi được giao quyền thì một số tổ trưởng chuyên môn vẫn giữ nguyên ma trận đề và mức độ khó của các câu hỏi như năm trước nhằm nâng tầm quan trọng môn học của mình lên.
Một giáo viên môn sử ở quận 3 nói: "Tôi đã có ý kiến với một đồng nghiệp là sao đề kiểm tra lại chi li và làm khó học sinh như vậy. Có nhất thiết phải phân chia mỗi câu hỏi 0,25 điểm và đề kiểm tra phải đủ 40 câu hay không? Có nhất thiết phải biên soạn một đề cương ôn tập dài dằng dặc cả mười trang giấy A4 để gây áp lực cho học sinh không? Bởi các em học hơn mười môn chứ đâu phải một môn. Tôi đề nghị giảm bớt số câu hỏi trong đề thi nhưng không được tổ trưởng chấp nhận. Do đó, tôi mong ban giám hiệu nhà trường cần quán triệt và cầm trịch trong việc ra đề kiểm tra cuối học kỳ 1 này, đừng giao phó cho các tổ trưởng chuyên môn".
* Ông Nguyễn Văn Hiếu (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):
Học đến đâu kiểm tra đến đó
Sở GD-ĐT TP đã có văn bản hướng dẫn, đồng thời đã hướng dẫn rất kỹ trong buổi họp chuyên môn về việc tổ chức kiểm tra cuối học kỳ 1 năm học 2021 - 2022. Sở và phòng GD-ĐT sẽ không ra đề chung mà giao cho các trường THCS, THPT tự ra đề kiểm tra cuối kỳ. Thậm chí, các trường có thể giao cho giáo viên bộ môn tự ra đề kiểm tra cho những lớp mình phụ trách.
Nguyên tắc là học sinh học đến đâu thì đề kiểm tra sẽ ra đến đó. Đặc thù của quá trình dạy và học trong học kỳ 1 ở TP.HCM là học sinh phải học trên Internet, chương trình giảng dạy chỉ ở mức cơ bản chứ rất ít đào sâu, ít mở rộng... Vì vậy, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường biên soạn đề kiểm tra cuối kỳ 1 với đa số những câu hỏi ở mức nhận biết và thông hiểu, các câu hỏi dạng vận dụng sẽ rất ít và cũng chỉ dừng ở mức kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống trong cuộc sống ở mức độ thấp chứ không phải mức độ cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận