Đi xem đội bóng bầu dục của trường thi đấu cũng là cách hiệu quả đối với sinh viên - Ảnh: Q.V.
Một công trình nghiên cứu khoa học ở Mỹ mới đây cho thấy ít nhất có 27 triệu người Mỹ dùng thuốc chống trầm cảm và mỗi năm có gần 400.000 người tìm cách tự sát. Do vậy, việc phòng tránh áp lực cuộc sống (stress) - nguồn gốc của căn bệnh trầm cảm - là điều mà các trường ĐH Hoa Kỳ rất quan tâm.
Stress học đường đến từ đâu?
Tại các trường ĐH Mỹ, họ xác định stress xuất phát đầu tiên là việc tách rời khỏi gia đình ngay khi vào giảng đường ĐH. Mặc dù sinh viên có thể có một phần tự lập nhưng cũng có nghĩa là mất đi sự hỗ trợ về tình cảm, giáo dục gia đình, chi tiêu tài chính...
Thiết lập một quan hệ xã hội hay thói quen mới khiến sinh viên năm đầu rất dễ vấp ngã hoặc bị trầm cảm. Do vậy trong các cuộc gặp gỡ đầu năm, nhà trường phổ biến về vấn đề giảm thiểu stress để phụ huynh cùng bắt tay hợp tác phòng chống cùng con.
Sinh viên năm 1 (một số nơi đến năm 2) đều phải ở ký túc xá nếu gia đình không ở gần trường để giảm thiểu áp lực đó, hạn chế tác động lôi kéo từ bên ngoài.
Ở độ tuổi thấp hơn, sự cạnh tranh trong học tập cũng sẽ là một nguồn lớn gây căng thẳng. Từ lớp 3, hầu như ngày nào học sinh cũng sẽ phải làm bài tập ở lớp và việc kiểm tra được thực hiện rất thường xuyên.
Cuối học kỳ thì các bài thi quốc gia sẽ được tổ chức đồng loạt. Đây là thời gian mà phụ huynh nhận được nhiều email nhất từ nhà trường về việc dặn dò học sinh ăn đủ, ngủ sớm, tinh thần thoải mái chuẩn bị cho kỳ thi.
Kết quả các kỳ thi nhà trường gửi về trên mạng sẽ giúp phụ huynh biết được khả năng từng môn của con cái mình so với mặt bằng chung trên toàn nước Mỹ. Nhờ việc theo dõi này, phụ huynh dễ thấy nguyên nhân và chia sẻ với con chứ không thể đổ lỗi cho việc "học tài thi phận".
Việc biết được kết quả chung đó cũng là áp lực cho những học sinh luôn phấn đấu trong học tập với mong muốn có được điểm trung bình chung GPA tốt sau này xin học ở các trường ĐH danh tiếng.
Stress trở nên rõ ràng hơn khi vào con đường ĐH. Học sinh Mỹ cũng luôn cảm thấy đang phải cạnh tranh để vào học trường y hoặc trường luật, trở thành sinh viên thì cạnh tranh để có được các vị trí trợ giảng, làm việc cho giáo sư để có học bổng hoặc thậm chí để tìm việc tốt sau này.
Phòng tránh stress hữu hiệu
Tại Trường ĐH Texas Tech (bang Texas), mỗi trường thành viên đều có chương trình hữu hiệu để giảm thiểu stress cho sinh viên. Trung tâm tư vấn sinh viên sẽ có các bài thuyết trình về việc giải quyết khúc mắc gây nên sự căng thẳng trong mối quan hệ của sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường.
Các bài thuyết trình cung cấp thông tin tương tác về các dấu hiệu căng thẳng, tâm sinh lý khi bị căng thẳng, những tác nhân gây ra căng thẳng và làm thế nào để đối phó.
Đối với hội sinh viên thì các cuộc thi thể thao được tổ chức thường xuyên, các đội tuyển thể thao thi đấu liên tục lôi kéo sinh viên đến cổ vũ hay các bữa tiệc vui cạnh hồ bơi dành cho sinh viên sau ĐH có gia đình...
Tại trường ĐH luật cũng đã tổ chức các chương trình giảm thiểu stress bằng những khóa "matxa trị liệu" cung cấp liệu pháp xoa bóp từ các chuyên gia trị liệu có giấy phép trong khoảng thời gian 1 giờ hoặc 30 phút với giá rất... sinh viên.
Ngoài ra, phòng "Mind spa" với nhiều công cụ để giúp sinh viên thư giãn, cải thiện trí nhớ luôn mở cửa trong ngày với mỗi suất kéo dài 45 phút. Hay phòng "Mind & body" cho phép sinh viên thực hành các chiến lược đối phó để quản lý căng thẳng.
Chương trình này sẽ tạo phản hồi sinh học để đo lường mức căng thẳng thông qua nhịp tim và những thay đổi điện nhỏ trong ngón tay của sinh viên.
Nhưng có lẽ sinh viên vẫn thích nhất là phòng "Mind relax" với nhiều loại ghế matxa không trọng lực có thể giúp giảm căng thẳng và các thiết lập áp suất không khí cho phép ngồi thoải mái để ngồi thiền nghe các bài nhạc và âm thanh thư giãn.
Ở Trường ĐH CMSU (bang Missouri), trước mỗi kỳ thi kết thúc học kỳ mùa thu vào tháng 4 hằng năm, sự kiện lớn mang tên "Fun before final" (Vui trước mùa thi) luôn được tổ chức với nhiều trò chơi vui nhộn, các game thể thao bên hồ bơi, matxa, ăn uống...
Tất cả đều miễn phí để mang đến cho sinh viên cảm giác thoải mái nhất trước kỳ thi của mình, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp ra trường.
Cùng với đó là cuộc diễu hành quanh trường nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề tự tử nơi học đường, phát tờ rơi "Stress nơi giảng đường: Những điều mà mọi người cần nên biết".
Những câu chuyện có thật...
Nghiên cứu sinh Việt Nam theo diện học bổng 322 tại Trường ĐH Texas Tech (thành phố Lubbock, bang Texas) hầu hết ai cũng đều biết đến N.H.C., du học sinh ngành toán đến từ ĐH Cần Thơ cách đây 7 năm. C. luôn than thở về nỗi nhớ gia đình, cô đơn khi học một mình, ít tiếp xúc sinh viên Việt Nam trong trường, không có ai quen biết giúp đỡ và nhiều khó khăn khác.
Và rồi chỉ sau một tháng thì C. "lặn không sủi tăm" mà không một ai biết lý do, kể cả gia đình. Sau một thời gian dài mới biết C. tự ý bỏ học, trở về Việt Nam nhưng không muốn gặp gia đình do quá căng thẳng trong việc học tập và nỗi cô đơn xa nhà.
Ở Mỹ, thỉnh thoảng khi đi qua chiếc cầu vượt dành cho người đi bộ, sinh viên lại đảo mắt nhìn nhau đã có một số trường hợp sinh viên nhảy xuống tự tử do kết quả học tập không như ý muốn. Những bản tin trên truyền hình về việc sinh viên mang súng vào trường bắn giáo sư do bị cho điểm kém hay sinh viên chơi "cỏ" khiến cho sinh viên Việt Nam mới sang phải "gặp nhau cuối tuần" nhiều hơn để chia sẻ và giảm stress.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận