15/06/2012 05:37 GMT+7

Trường học là cuộc sống

HÀ TUYÊN
HÀ TUYÊN

TT - “Các em chẳng có gì đặc biệt cả” - phát biểu của giáo viên David McCollough Jr tại lễ tốt nghiệp một trường trung học ở Mỹ đã gây sốc cho các học sinh lớp 12, những người đang xúng xính trong mũ cao áo rộng và háo hức bước vào đời.

Không chỉ có vậy, phát biểu này cũng khiến những người đang ngồi bên các em, các bậc làm cha, làm mẹ phải giật mình nhìn lại cách thức nuôi dạy con cái.

“Sự quan tâm thái quá của người lớn khiến cái tôi của bọn trẻ phình to. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần một cách suy nghĩ mới” - David chia sẻ trên kênh tin tức Fox News sau khi phát biểu của ông gây xôn xao làng truyền thông Mỹ.

Đây là “gáo nước lạnh” giội xuống đầu các cô tú, cậu tú, nhưng nếu nhìn nhận sâu hơn một chút thì chính họ là nạn nhân của nền giáo dục. Không phải mọi đứa trẻ đều được quan tâm thái quá vì không phải mọi gia đình đều có điều kiện để làm việc này, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhưng một điều chắc chắn rằng dù có điều kiện hay không thì việc “bao cấp”, o bế về tinh thần là một thực tế dễ nhận ra ở nhiều gia đình, đúng như thầy giáo David đã chỉ ra: “Các em được nâng niu, phỉnh phờ, dỗ ngon dỗ ngọt, được nghe toàn những lời nài nỉ. Các em được người lớn ngợi khen đến tận trời xanh, được gọi là cục cưng...”.

Câu chuyện trên cũng không khó nhận thấy ở VN. Gia đình là vậy, còn nhà trường thì sao? Ở trường, trẻ được hướng vào một cuộc đua bất tận từ thuở bé với các điểm số, danh hiệu, xếp hạng và ngập chìm trong đống kiến thức “thiên kinh vạn quyển” đến mức thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi trở nên xa xỉ và hiếm hoi. Suốt 12 năm học phổ thông là 12 năm chạy đua với các kỳ thi, từ tiểu học lên trung học cơ sở, lên trung học phổ thông rồi sau đó là đại học. Mục tiêu đẹp đẽ của sự học (đáng ra là phải trang bị cho con người năng lực sống, năng lực biết học để tự học cả đời) đã biến dạng thành một đích đến duy nhất: học để thi! Nhà trường như thế sẽ chẳng ngạc nhiên khi “các em chẳng có gì đặc biệt”!

Đầu thế kỷ 20, John Dewey, nhà triết học, nhà tâm lý học, người được coi là cha đẻ của phong trào cải cách giáo dục Mỹ, có nói đại ý giáo dục không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống, giáo dục chính là cuộc sống!

Gần 100 năm sau, trong bài phát biểu nhậm chức của mình, nữ hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Harvard - bà Drew G.Faust, một lần nữa khẳng định giáo dục không có nghĩa chỉ là dạy kiến thức sách vở, không chỉ là giáo dục trong thời gian ngắn ngủi tại trường. Quan trọng hơn đó là cả cuộc sống thực…

Đúng vậy, chừng nào còn coi đi học là tích lũy, là chuẩn bị cho cuộc sống thì chừng đó trẻ còn phải chạy theo thi cử và oằn mình với gánh nặng chữ nghĩa, để rồi trở thành thụ động, phụ thuộc.

Thay vào đó, hãy để mỗi ngày trẻ đi học là một ngày sống, hay nói cách khác trẻ đến trường không phải đi học mà là “đi sống”. Chừng đó, hi vọng sẽ không còn cảnh trẻ ra trường và bỡ ngỡ, hụt hẫng, lo sợ bước vào đời với “gáo nước lạnh”: “Chẳng có gì đặc biệt cả”!

HÀ TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên