Trường học hay doanh nghiệp?

CHIÊU VĂN 15/11/2018 02:11 GMT+7

TTCT - ​Vụ kiện liên quan đến một trường đại học tư nhân ở Hoa Kỳ sắp bị một công ty Trung Quốc thâu tóm mới đây cho thấy những phức tạp của các thỏa thuận mua bán với những định chế giáo dục, vốn không bao giờ có thể coi như một doanh nghiệp thuần túy vì lợi nhuận.

Nếu các trường tư đều là vì lợi nhuận, giáo dục bậc cao sẽ là không thể với tới với một số lượng lớn dân chúng. Ảnh: Education Next
Nếu các trường tư đều là vì lợi nhuận, giáo dục bậc cao sẽ là không thể với tới với một số lượng lớn dân chúng. Ảnh: Education Next

 

Vào tháng 10, các giảng viên, nhà tài trợ và cựu sinh viên của Westminster Choir, một trường chuyên về âm nhạc đang gặp khó khăn về tài chính, tại Princeton, New Jersey, đã đệ đơn lên tòa án Mỹ đòi đình chỉ việc bán lại trường này cho công ty Trung Quốc Beijing Kaiwen (Bắc Kinh Khải Văn).

Đơn kiện nói Đại học Rider, chủ sở hữu Westminster Choir, một trường phi lợi nhuận, đã vi phạm các điều khoản của việc hiến tặng đất ban đầu để xây trường, cũng như ý định của các nhà tài trợ với ngôi trường khi bán lại nó cho Kaiwen với giá 40 triệu USD.

Kaiwen, tới tháng 1-2018 vẫn còn mang tên Công ty Kết cấu thép cho cầu Jiangsu Zhongtai (Giang Tô Trung Thái), là một công ty vì lợi nhuận, có hai trường tư từ mẫu giáo tới lớp 12 hoạt động ở Trung Quốc, nhưng không có kinh nghiệm gì trong giáo dục bậc cao. Có vẻ như họ mua lại trường Westminster Choir để chuẩn bị cho việc du học Mỹ của con em các khách hàng trong nước.

Đơn kiện cũng nói theo tài liệu của công ty này nộp tại Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, cổ đông nắm cổ phần kiểm soát hiện là một pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước, Badachu Holding Group (Tập đoàn quản lý quỹ Bát Đại Xứ), vốn thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Trung Quốc.

Bruce Afran, luật sư của bên nguyên, nói kế hoạch mua bán này là chưa có tiền lệ. “Trường đại học Mỹ này sẽ bị một công ty thuộc sở hữu và kiểm soát của chính quyền Trung Quốc tiếp quản, họ vốn không công nhận bất cứ mức độ tự do học thuật nào... Điều này đi ngược lại cách hiểu về một định chế giáo dục bậc cao ở Mỹ” - Forbes dẫn lời Afran.

Đáng nói hơn, đây không phải là vụ kiện đầu tiên chống lại cuộc mua bán. Afran nói đây không phải lần đầu, và cũng không phải lần cuối, những tranh cãi thế này nổ ra: “Trung Quốc cho tới giờ đã cố gắng tạo ảnh hưởng lên các trường học ở Mỹ bằng cách bỏ tiền cho một số chương trình qua các học viện Khổng Tử. Giờ qua Westminster, họ đang cố gắng kiểm soát hoàn toàn một trường đại học Mỹ”.

Ông khẳng định thương vụ này, nếu diễn ra, sẽ có những ngụ ý với an ninh quốc gia. “Princeton là một trung tâm nghiên cứu quốc phòng và tình báo cực kỳ nhạy cảm - ông phân tích - Không phải vô cớ mà chính quyền Trung Quốc tìm kiếm một cơ sở ở đây, và tôi nghĩ chính quyền Mỹ đã được báo động về chuyện đó”.

Tuy nhiên, Larry Livingston, chủ tịch tạm quyền của Công ty sáp nhập Westminster Choir, một tổ chức phi lợi nhuận đăng ký ở New Jersey do Kaiwen thành lập dự kiến để điều hành trường sau vụ mua lại, bác bỏ những lo ngại đó.

“Thật nực cười nếu nghĩ rằng tự do học thuật bị đe dọa - Livingston nói trong một tuyên bố chính thức - Tuyên bố đó, cùng với khẳng định về “đe dọa an ninh quốc gia”, chỉ là chiến thuật gây sợ hãi... Tổ chức phi lợi nhuận điều hành Westminster sẽ phải tuân thủ pháp luật và các quy định liên quan của Hoa Kỳ, bao gồm duy trì tự do học thuật”.

Vấn đề thêm phức tạp bởi nguyên đơn nói trong thỏa thuận năm 1935, chủng viện ở địa phương, nơi đã hiến hơn 11ha đất để xây trường, nói họ sẽ lấy lại đất nếu nó “không còn được sử dụng vì mục đích giảng dạy âm nhạc”. Cũng gây tranh cãi pháp lý là vấn đề chuyển nhượng khoản quỹ niên liễm 20 triệu USD của Trường Westminster, nơi đào tạo đến bậc thạc sĩ về chỉ huy dàn nhạc, nhạc tôn giáo, và trình diễn organ. Khoản tiền này do các nhà tài trợ đóng góp để trường hoạt động. Nếu tính cả giá trị đất được cho tặng và khoản tiền nói trên, thì số tiền 40 triệu USD mà Kaiwen bỏ ra coi như... mua bằng nước bọt.

Tuy nhiên, Livingston đảm bảo rằng khoản quỹ niên liễm “sẽ ở lại với trường sau khi chuyển giao từ Đại học Rider”. “Khoản tiền đó phải và sẽ tiếp tục được sử dụng theo ý định của những người đóng góp - ông nói - ...Bởi các yêu cầu pháp lý, bất cứ ý kiến nào cho rằng khoản ngân quỹ có thể được chi cho bất kỳ mục đích vì lợi nhuận nào là không có cơ sở”.

Vụ Westminster Choir chỉ là trường hợp điển hình, khi hiện nhiều nhà đầu tư lớn ở Trung Quốc muốn mua đứt một đại học danh tiếng ở Mỹ, “cả như một kênh lợi nhuận cũng như một thương hiệu quảng bá” - theo lời Douglas Halliday, chuyên gia tư vấn về mua bán sáp nhập lĩnh vực giáo dục. “Tôi nghĩ hiện giờ họ có chút thận trọng vì tình hình chính trị, vì thuế má, các hạn chế với thị thực..., nhưng mối quan tâm (từ Trung Quốc) vẫn là rất lớn” - Halliday nói.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận