07/08/2017 10:00 GMT+7

Trường học Anh dạy theo sách Toán của Trung Quốc

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Kể từ đầu năm tới, các trường tiểu học ở Anh sẽ sử dụng 36 cuốn sách giáo khoa dạy Toán của Trung Quốc được dịch sang tiếng Anh.

Các em nhỏ tại một lớp học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: Reuters
Các em nhỏ tại một lớp học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: REUTERS

Theo báo New York Times (Mỹ), trong quá khứ, giới chuyên gia giáo dục khắp thế giới từng rất kinh ngạc trước việc các học sinh ở Thượng Hải (Trung Quốc) đứng đầu ngay trong lần đầu tiên tham gia cuộc khảo thí đánh giá chất lượng học sinh quốc tế năm 2010, đánh bại các bạn bè cùng lứa ở hàng chục quốc gia khác.

Nay các trường học của Anh học tập kinh nghiệm giảng dạy xuất sắc của Thượng Hải bằng việc dịch lại và đưa vào giảng dạy các sách giáo khoa dạy Toán vốn được dùng trong các trường tiểu học ở Thượng Hải.

Kể từ tháng 1-2018, các giáo viên Anh sẽ có thêm lựa chọn sử dụng bộ sách giáo khoa 36 cuốn của Trung Quốc với chút điều chỉnh là đơn vị tiền nhân dân tệ được thay bằng đồng bảng Anh.

Giáo sư giáo dục học Yong Zhao của Đại học Kansas nhận xét: “Thường thì người châu Á học hỏi hệ thống giáo dục phương Tây, nhưng bất ngờ khi đã có sự đảo ngược”.

Thực ra các trường ở phương Tây cũng đã áp dụng các phương pháp giảng dạy Toán của châu Á. Từng có một số trường học phương Tây thử nghiệm cách dạy học theo phương pháp Singapore. Cách này cũng tương tự với phương pháp của Thượng Hải, nơi có những giáo viên toán giỏi nhất Trung Quốc.

Tuy nhiên các chuyên gia cho biết Anh là nước đầu tiên đi trước với một kế hoạch nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ trong việc tạo ra các lớp học bắt chước theo mô hình phương Đông.

Trong khuôn khổ sáng kiến giáo dục được đầu tư 54 triệu USD này, hơn một nửa các trường tiểu học ở Anh sẽ áp dụng phương pháp dạy Toán đang được sử dụng tại những nơi có thành tích dạy và học môn này tốt nhất như Thượng Hải và Singapore.

Theo phương pháp dạy Toán tại hai nơi này, học sinh sẽ phải học ít khái niệm hơn, nhưng sẽ được tiếp cận theo chiều sâu của các khái niệm.

Chẳng hạn, khi học về phân số, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh áp dụng nguyên tắc “một phần trong tổng thể” vào nhiều bối cảnh khác nhau, vận dụng cách hiểu về tính đại diện và sử dụng những kỹ thuật giảng dạy trực quan, giàu hình ảnh để giúp học sinh khám phá những khái niệm trừu tượng.

Chỉ khi nào cả lớp đã nắm được khái niệm đó thì giáo viên mới chuyển sang những khái niệm và kiến thức khác.

Các chuyên gia cho rằng chính phương pháp này đã là động lực giúp các học sinh ở Hong Kong, Thượng Hải và Singapore vươn lên vị trí đầu bảng trong Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được tổ chức cho nửa triệu học sinh lứa tuổi 15 tại hơn 60 quốc gia ba năm một lần.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên