Sau chuyến đi nhân rộng tủ sách đến nông thôn Ấn Độ mới đây, ông Nguyễn Quang Thạch, người khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn, gửi đến báo Tuổi Trẻ cuộc trò chuyện với TS Atish Chordiya về tinh thần, triết lý và cách làm giáo dục hướng tới bác ái, phi bạo lực và chống biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Quang Thạch (phải) và TS Atish Chordiya - Ảnh: T.Q.
Tiến sĩ Atish Chordiya là đồng sáng lập Tổ chức giáo dục Arham, thành phố Pune, bang Maharashtra, Ấn Độ. Ông thuộc tầng lớp trung lưu cấp tiến của Ấn Độ, đã và đang nỗ lực khai mở dân trí ở Ấn Độ bằng mở trường học và dạy nghề cho thanh niên nông thôn.
* Là một nhà giáo dục và đang quản lý trường học, ông có thể chia sẻ triết lý giáo dục của Ấn Độ?
- Giáo dục Ấn Độ là một trong những hệ thống giáo dục lâu đời nhất trên hành tinh, nơi khai sinh ra những tôn giáo như đạo Hindu, đạo Sikh, Phật giáo, Kỳ Nà giáo. Bởi thế, việc gieo mầm và nuôi dưỡng các giá trị vào con trẻ ở các cấp học trong một xã hội đa dạng văn hóa, nhiều tôn giáo nhưng dung hợp cao như Ấn Độ là rất quan trọng. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tạo ra những thành tựu về giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều lãnh đạo của các công ty hàng đầu toàn cầu sinh ra ở Ấn Độ hoặc người gốc Ấn Độ. Các kỹ sư, bác sĩ, nhà kinh tế, nhà khoa học Ấn Độ là đội ngũ được tuyển dụng nhiều hơn trong các công ty tư nhân và tổ chức chính phủ trên toàn cầu. Phi bạo lực, bác ái, cân bằng sinh thái là những cấu phần trong triết lý của giáo dục Ấn Độ.
* Ông nói giáo dục Ấn Độ dung chứa hệ giá trị như phi bạo lực, bác ái, cân bằng sinh thái. Vậy trường học đã làm như thế nào để các giá trị đó thấm sâu vào tâm hồn và trí não của học sinh?
- Phi bạo lực và bác ái là triết lý cơ bản của Mahatma Gandhi, người đã dẫn dắt người dân Ấn Độ đấu tranh giành được độc lập. Chăm sóc tự nhiên và có một đời sống chú tâm đến cân bằng sinh thái là lẽ thường trong hàng ngàn năm của người Ấn Độ. Lối sống hài hòa với thế giới tự nhiên luôn hiện tồn trong hệ thống giáo dục trường học và là đức tin của chúng tôi.
Gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực thực hiện các mục tiêu năng lượng tái tạo đến mức rất cao, tập trung chuyển hướng sang phương tiện dùng điện, trồng rừng, cấm sử dụng nhựa dùng một lần vào năm 2022, là các bước tiến tới một tương lai xanh hơn và sạch hơn.
Ở trường Arham, chúng tôi tổ chức các hoạt động đa dạng tạo nhận thức về môi trường, phát động trồng cây và giúp học sinh hiểu về tầm quan trọng của môi trường sạch hơn và không ô nhiễm qua các loại sách trong thư viện và các cuộc thi. Các buổi học yoga và thiền được dạy ở trường chúng tôi nhằm giúp học sinh khỏe mạnh, hình thành năng lực tập trung và bình tĩnh hơn, tạo năng lực phi bạo lực trong con trẻ.
Học sinh Ấn Độ. Ảnh: NGUYỄN QUANG THẠCH
* Trong quá trình phát triển của mọi quốc gia, vai trò của tầng lớp trung lưu là thúc đẩy tiến bộ xã hội, ông có thể chia sẻ những bài học mà tầng lớp trung lưu Ấn Độ đã thực hiện để thu hẹp khoảng cách tri thức giữa nông thôn và đô thị?
- Tầng lớp trung lưu Ấn Độ luôn hướng tới người nghèo bởi chính họ và cha mẹ đã trải qua những giai đoạn đói nghèo và họ đã nỗ lực thoát nghèo. Họ đồng cảm với sự thiếu thốn và khổ đau của những người nghèo và hỗ trợ hào phóng khi đồng bào gặp thiên tai.
Nhiều người trẻ thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có đã thành những người tiên phong về các ngôi làng lan truyền các giá trị của giáo dục đến cộng đồng cũng như làm cho người làng quê hiểu rõ những chương trình của chính phủ dành cho giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và các bậc học cao hơn.
Nhiều thanh niên trung lưu xuất thân nông thôn đã tình nguyện về làng quê hướng nghiệp học sinh cũng như giúp các em thấy các cơ hội trong tương lai. Hơn thế nữa, họ còn huấn luyện học sinh nông thôn tham gia các kỳ thi tiến tới các bậc học cao hơn và có được cơ hội học tập ở các trường hàng đầu trên khắp Ấn Độ. Giúp học học sinh nông thôn thi thố với học sinh đô thị sẽ thu hẹp khoảng cách tri thức giữa các em. Chúng tôi cho rằng các trường học đô thị có thể tạo nhận thức cho học sinh của mình bằng cách hỗ trợ học sinh nông thôn thông qua thiết lập mạng lưới chia sẻ.
* Thế giới đang đối mặt với biến đổi khí hậu, nạn mù chữ, thất học. Theo ông, việc thúc đẩy các cuộc cách mạng thư viện ở các nơi trên thế giới có phải là một giải pháp quan trọng cho các nan đề mà chúng ta đang gặp phải?
- Cách mạng thư viện đến làng quê sẽ truyền tải nội dung về các vấn đề biến đổi khí hậu ở cấp địa phương và toàn cầu cùng với các giải pháp được phổ biến sẽ giúp con trẻ biết đến. Chính các em sẽ cải thiện vấn đề môi trường ở nơi mình sinh sống. Bởi vậy, hàng triệu thư viện sẽ tạo nên những tác động rộng lớn giải quyết nan đề biến đổi khí hậu từ gốc rễ và tạo nên môi trường sinh sống bền vững cho các thế hệ tương lai.
TS Atish Chordiya:
Tạo nhận thức sâu rộng
Phần nhiều người dân Ấn Độ có niềm tin vững chắc vào tư tưởng của Mahatma Gandhi, họ học tập và thực hành sống như ông. Bởi vậy, bất cứ hành động cụ thể nào hướng tới phát triển giáo dục toàn diện và chia sẻ trách nhiệm xã hội đối với học sinh nông thôn như xây dựng hệ thống tủ sách đến các lớp học sẽ được tiếp nhận và ủng hộ nhiệt tâm bởi cha mẹ học sinh theo khả năng của từng cá nhân.
Gandhi đã đi bộ từ Sabarmati Ashram đến Dandi để đòi muối cho người dân Ấn Độ vào năm 1930. Chuyến đi đã thúc đẩy hàng triệu người Ấn Độ tham gia phong trào đòi độc lập cho Ấn Độ và đã mở đường cho nền độc lập của Ấn Độ vào những năm sau đó. Bởi vậy, chúng tôi hiểu rằng "việc đi bộ vì sách cho nông thôn" sẽ tạo nhận thức sâu rộng ở cả vùng đô thị, bán đô thị và nông thôn, thúc đẩy việc xây dựng hệ thống tủ sách lớp học nông thôn Ấn Độ thành công.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận