Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nộp học phí sáng 9-5 - Ảnh: Trần Huỳnh |
Theo đề án nói trên, các trường này được tự chủ toàn diện, trong đó có tự chủ tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Điểm đáng chú ý nhất của đề án này đối với các trường là học phí. Sau khi các trường công bố đề án, nhiều sinh viên đều tỏ ra lo lắng với mức học phí mới.
Học phí tăng
Theo quy định mức học phí được Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM công bố hôm 6-5, học phí của năm học 2016-2017 đối với bậc ĐH, cụ thể: các khóa tuyển sinh năm 2015 và 2016 là 423.000 đồng/tín chỉ (so với 417.000 đồng/tín chỉ của năm học 2015-2016). Đối với các khóa tuyển sinh năm 2013 và 2014: khối ngành kinh tế 260.000 đồng/tín chỉ (năm học 2015-2016 là 238.000 đồng/tín chỉ); khối ngành kỹ thuật công nghệ, thương mại du lịch là 308.000 đồng/tín chỉ (năm học 2015-2016 là 275.000 đồng/tín chỉ).
Ngoài ra, mức thu học phí tối đa (của chương trình đại trà, trình độ ĐH, chính quy) năm 2015-2016 là 13,8 triệu đồng/sinh viên/năm, năm 2016-2017 là 15,4 triệu đồng/sinh viên/năm.
Ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đề án tự chủ của Trường ĐH Tài chính - marketing (có hiệu lực thi hành ngày 23-3-2015), trường này đã thu học phí theo kế hoạch nêu trong đề án, với mức thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/người học/năm, sang năm học 2016-2017 tăng lên 16,5 triệu đồng/người học/năm.
Trước đó, đề án tự chủ của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng đã được Chính phủ phê duyệt, trường cũng liền có mức học phí mới bình quân đối với các chương trình đại trà từ năm học 2014-2015 tối đa là 13 triệu đồng/sinh viên/năm, năm học 2015-2016 là 14,5 triệu đồng/sinh viên/năm và năm học 2016-2017 là 16,5 triệu đồng/sinh viên/năm.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng được phép thu học phí bình quân tối đa đối với ĐH chính quy (chương trình đại trà) năm học 2014-2015 là 13 triệu đồng/người học/năm, năm học 2015-2016 tăng lên 14,95 triệu đồng/người học/năm và đến năm học 2016-2017 là 17,2 triệu đồng/người học/năm.
Đối với sinh viên nhập học trước thời điểm quyết định này có hiệu lực (ngày 29-1), trường thu học phí với mức tăng tối đa năm sau không quá 20% của năm trước.
Chất lượng đào tạo có tương ứng?
Tuần trước, nhiều sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tỏ ra bức xúc khi nhà trường áp dụng mức thu học phí mới.
Một sinh viên năm 1 khoa thương mại du lịch của trường này phản ảnh: “Lúc nộp hồ sơ, nhà trường cho biết học phí trung bình 12,5 triệu đồng/năm. Nhưng thực tế trường thu 15 triệu đồng/năm, 417.000 đồng/tín chỉ… Mới đây, trường lại tăng học phí nữa. Trong khi phòng học rất nóng, thang máy xuống cấp, máy chiếu mờ…”.
Trả lời thắc mắc này, TS Nguyễn Thiên Tuế, hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong năm 2016, đến nay nhà trường đã đầu tư 32/60 tỉ đồng mua mới trang thiết bị và 31 tỉ đồng để sửa chữa phòng học.
“Tại cơ sở chính của trường có 205 phòng học có trang bị đầy đủ máy chiếu. Thực tế có 22 máy chiếu bị mờ, nhà trường đang đấu thầu để mua thêm 50 máy mới thay thế. Vừa qua, chúng tôi đã cho cải tạo, thay bàn ghế mới, gắn quạt hơi nước, thông gió 60 phòng học” - ông Tuế cho hay.
PGS.TS Nguyễn Đức Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - cho biết: “So với tự chủ mà Chính phủ cho phép là 15,4 triệu đồng/năm học thì mức học phí mới của trường vẫn thấp hơn, và nếu so mức trần học phí của nghị định 86 cho các trường tự chủ thì còn thấp hơn nữa. Theo quy định đối với các trường tự chủ, học phí các khóa tuyển sinh trước khi có quyết định tự chủ được phép tăng không quá 30% mỗi năm nhưng trường chỉ tăng chưa tới 15%”.
Tương tự, không ít sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã “kêu trời” khi nhà trường công bố lộ trình tăng học phí. Nhiều sinh viên và phụ huynh băn khoăn về lộ trình tăng học phí trong điều kiện học tập hiện tại. Điều sinh viên quan tâm là sau khi trường tăng học phí, chất lượng đào tạo có tương ứng?
ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - marketing, cho hay các khóa cũ trước đây có mức học phí 6,8 triệu đồng/năm, trong đề án tự chủ tài chính đối với các khóa cũ nhà trường được phép thu tăng không quá 30%, tuy nhiên nhà trường nhận thấy nếu tăng theo mức này sẽ tạo sức ép đối với sinh viên. Vì vậy, nhà trường quyết định từ năm học 2015-2016 chỉ tăng học phí 10% (7,48 triệu đồng/năm).
Tương tự, ThS Trịnh Minh Huyền, trợ lý hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cũng cho biết nhà trường áp dụng khung học phí mới từ học kỳ 1 năm học 2015-2016. Đối với các khóa cũ tăng không quá 20% so với mức học phí hiện nay (bình quân 11 triệu đồng/năm, tăng lên 13,2 triệu đồng/năm). Ngoài học phí, nhà trường không thu thêm khoản phí nào nữa.
* PGS.TS Nguyễn Kim Hồng (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM): Phải có lộ trình thu học phí Trách nhiệm của các trường ĐH tự chủ, theo tôi, là cần minh bạch trong trách nhiệm giải trình. Sinh viên và những người quan tâm có thể thấy được sự minh bạch qua báo cáo thường niên (trong đó có báo cáo tài chính của trường tự chủ), Chính phủ có thể kiểm soát được hoạt động của nhà trường nói chung và tài chính nói riêng. Về phía các trường, để đảm bảo các hoạt động của mình thì việc tăng nguồn thu, trong đó có tăng học phí, là cần thiết. Vấn đề là khi chuyển sang tự chủ, các nhà trường này nên công bố lộ trình thu học phí cho xã hội biết, và lộ trình ấy phải đủ dài để người học chuẩn bị kinh phí theo học. Theo tôi, mức tăng học phí hằng năm chỉ nên nằm trong khoảng 10-20% học phí của năm trước (trong đó có tính cả lạm phát). Nhưng quan trọng hơn là phải có chính sách cấp học bổng của trường và chương trình cho vay để học tập của sinh viên. Nếu thiếu những điều này thì chính sách tự chủ sẽ khó thành công. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận