Sinh viên ĐH Luật tại lễ trao bằng tốt nghiệp - Ảnh minh họa: TTO |
Theo đó, trong những ngày qua, trên một số báo và trang thông tin điện tử có đăng tải các nội dung thông báo kết luận thanh tra ngày 31-3-2015 của Thanh tra Chính phủ ở năm trường ĐH, trong đó có Trường ĐH Luật TP.HCM.
Một trong các nội dung được thông tin có liên quan đến hoạt động đào tạo sau ĐH của nhà trường. Trong đó có hai nội dung: “Một số học viên trúng tuyển chưa đảm bảo điều kiện ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác theo quy định (một số trường thuộc ĐH Huế, Trường ĐH Luật TP.HCM)” và “Một số học viên trúng tuyển không đạt yêu cầu về ngoại ngữ. Các học viên đã tốt nghiệp đều không thực hiện việc làm luận văn tốt nghiệp, vi phạm điều kiện công nhận tốt nghiệp quy định...”.
Tuy nhiên, Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định cả hai nội dung nêu trên trong kết luận thanh tra đều không liên quan đến bậc đào tạo thạc sĩ trong nước, mà là kết luận của thanh tra về các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ với nước ngoài, cụ thể là các lớp liên kết với Trường ĐH Tây Anh Quốc (Anh) và nhóm các trường ĐH trong cộng đồng Pháp ngữ (các trường ĐH: Toulouse 1, Lyon 3, Bordeaux 4, Trường Tự do Bruxelles).
Nhưng các nội dung này cũng không phản ánh đúng thực trạng của vấn đề và không chính xác theo quy định của pháp luật VN.
PGS.TS Bùi Xuân Hải, phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết về nội dung thứ nhất, tiêu chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đầu ra của các học viên theo học các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ tại trường là do các trường ĐH nước ngoài quy định, kiểm tra đánh giá và chấp nhận vì đây là các lớp liên kết do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp bằng.
Về vấn đề này, trường đã nhiều lần có ý kiến phản hồi với đoàn thanh tra và sẽ tiếp tục phản hồi nhằm có một kết luận đúng đắn về các tiêu chuẩn ngoại ngữ.
Về điều kiện kinh nghiệm công tác để được thi vào bậc đào tạo thạc sĩ, do đây là các lớp liên kết với cơ sở đào tạo nước ngoài nên quy chế đào tạo thạc sĩ hiện hành không áp dụng. Ngay cả trong trường hợp áp dụng quy chế đào tạo thạc sĩ năm 2011 thì kinh nghiệm công tác cũng không phải là điều kiện bắt buộc.
Về nội dung thứ hai, nhà trường khẳng định các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ của Trường ĐH Luật TP.HCM với các đối tác nêu trên đều được thực hiện theo các quyết định cho phép của Bộ GD-ĐT (quyết định 344/QĐ-BGDĐT ngày 17-1-2011 và quyết định số 3656/QĐ-BGDĐT ngày 9-9-2013).
Theo các quyết định này, sinh viên các lớp liên kết đào tạo thạc sĩ không phải làm luận văn tốt nghiệp mà chỉ làm báo cáo tốt nghiệp. Nhà trường cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật VN về liên kết đào tạo.
Trong các trường hợp liên kết đào tạo thạc sĩ tại Trường ĐH Luật TP.HCM, bằng thạc sĩ là do các trường ĐH nước ngoài cấp và các trường này đều tuân thủ theo quy định pháp luật nước họ.
Văn bằng do Trường ĐH Tây Anh Quốc (Anh), nhóm các trường đại học trong cộng đồng Pháp ngữ cấp có giá trị quốc gia, quốc tế được Liên minh châu Âu công nhận. Các trường đối tác này đều là những trường có uy tín tại châu Âu và trên thế giới.
PGS.TS Bùi Xuân Hải cho biết: “Những vấn đề này, Trường ĐH Luật TP.HCM đã nhiều lần có giải trình cho đoàn thanh tra, nhưng tiếc rằng kết luận thanh tra đã không phản ánh đúng thực tế. Vì vậy, nhà trường sẽ tiếp tục có các giải trình và kiến nghị bỏ các kết luận trên đây ra khỏi kết luận thanh tra. Về đào tạo thạc sĩ trong nước, nhà trường khẳng định tất cả quá trình đào tạo, tuyển sinh đầu vào, điều kiện ngoại ngữ, làm luận văn tốt nghiệp và điều kiện tốt nghiệp đều thực hiện rất nghiêm túc”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận