Phóng to |
Có những gia đình cha mẹ không biết tiếng Anh thì luôn bắt buộc con cái phải nói tiếng Việt khi ở nhà, còn những cặp vợ chồng trẻ được học hành và thành đạt ở Mỹ hầu như đều muốn con mình hoàn toàn sử dụng tiếng Mỹ.
Học phí tượng trưng, giáo viên tự nguyện
Cộng đồng người Việt hải ngoại đang nỗ lực duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ hiện nay. Các cơ sở của tôn giáo như nhà thờ, chùa, hội đoàn hay trụ sở của cộng đồng đều đang cố gắng xây dựng những lớp học theo từng cấp cho trẻ em VN. Học phí chỉ tượng trưng để trả tiền thuê trường lớp và tiền điện.
Chị Hương Nguyễn cho biết: "Con tôi đang theo học lớp 2 tiếng Việt tại Trường Văn Lang ở Dallas, học phí chỉ 70 USD/năm, mỗi tuần học hai giờ vào ngày chủ nhật trong thời gian chín tháng chia làm hai mùa học như thời gian học ở trường Mỹ”. Nói chung, học phí mỗi nơi như chùa, nhà thờ hay các tổ chức cộng đồng quy định khác nhau nhưng chỉ là hình thức hỗ trợ từ 50-70 USD/học sinh/năm.
Đa số giáo viên là những người tự nguyện đi dạy, không nhận bất cứ khoản thù lao nào mà còn tốn tiền đổ xăng. Trong số các thầy cô đứng lớp, có người cũng từng tốt nghiệp trong ngành giáo dục ở VN và có trình độ sư phạm vững vàng nhưng cũng có người chỉ học xong lớp 12 khi còn ở VN nhưng vì muốn đóng góp công sức của mình cho cộng đồng nên sẵn sàng đứng lớp dạy các em lớp 1, lớp 2.
Các môn học chủ yếu là tập viết, tập đọc và đàm thoại dành cho học sinh trên 10 tuổi. Theo lời một giáo viên chia sẻ: "Mục đích là giúp các em có nền tảng căn bản về tiếng Việt qua chữ viết và nói để duy trì ngôn ngữ, chứ trong tương lai khi ra đời làm việc thì xã hội Mỹ chỉ toàn sử dụng tiếng Anh". Riêng học sinh từ lớp 5 trở lên được dạy viết văn, viết thư nhằm giúp các em có khả năng trình bày một vấn đề muốn diễn tả bằng tiếng Việt, đặc biệt là các em có thể viết thư gửi về VN thăm ông bà, cha mẹ hay bạn bè.
Em Hưng Vũ theo ba mẹ định cư ở Mỹ từ khi mới 5 tuổi, hiện đang học lớp 10, phấn khởi kể: "Em có nhiều bạn học là người Mỹ nhưng chỉ thích chơi với bạn người Việt thôi, để nói tiếng Việt cho thật giỏi. Em học tiếng Việt được nhiều năm rồi, từ khi có trường dạy tiếng Việt đến giờ em chưa bỏ buổi học nào". Em Vinh Trần đang học lớp 11, sống ở Houston, Texas, cho biết: "Em theo ba mẹ sang Mỹ từ nhỏ, mỗi lần viết thư về thăm ông bà, cô chú ở VN bằng tiếng Anh nên chẳng ai hiểu. Giờ em đang học lớp 7 tiếng Việt nên đã biết viết thư và đọc được thư của cô chú ở VN gửi qua nên thấy vui lắm. Đặc biệt em còn biết sử dụng tiếng lóng và thành ngữ tiếng Việt nữa".
Nỗ lực
Theo lời một chị đang làm trong ngành giáo dục ở California, trường dạy tiếng Việt ở vùng Nam và Bắc của tiểu bang này hiện nay có khoảng số chục số trăm và mỗi trường thu hút hàng trăm đến ngàn học sinh, nhưng phần nhiều là phải đi thuê cơ sở phòng học của các trường Mỹ hoặc sử dụng phòng ốc của các cơ sở tôn giáo.
Trong gần 30 năm qua, các trường đã nỗ lực mở đến lớp 12 để nâng cao trình độ tiếng Việt của các em ngang với trình độ tiếng Anh mà các em chính thức học ở trường Mỹ. Mỗi năm cộng đồng người Việt ở Cali và các tiểu bang khác kết hợp tổ chức các cuộc thi viết tiếng Việt dành cho học sinh với các chủ đề như cha mẹ, thầy cô, ông bà, gia đình, bạn bè, hay cảm nhận về cuộc sống ở Mỹ… với giải thưởng dành cho giải nhất hàng ngàn USD. Qua nhiều cuộc thi đã thu hút hàng ngàn học sinh tham dự, nhằm khuyến khích các em biết yêu mến tiếng Việt và biết giữ gìn tiếng nói của dân tộc.
Có lẽ nhờ vậy mà hiện nay nhiều bạn trẻ ở Mỹ giỏi cả tiếng Anh và tiếng Việt nên rất thành công trong các lĩnh vực dịch vụ, làm cầu nối cho cộng đồng hòa nhập với xã hội Mỹ qua các dịch vụ và hưởng các chương trình phúc lợi của chính phủ qua công tác giúp phiên dịch.
Hiện nay với mong muốn có một ngôi trường thực thụ dành cho con em học sinh người Việt nên một vị linh mục chánh xứ ở thành phố Garland, Texas đang nỗ lực kêu gọi sự đóng góp chân thành của bà con đồng hương Công giáo. Và công trình giáo dục này đang được thi công với diện tích khá lớn, nhiều phòng học và trang thiết bị để dạy và học. Mục đích của ngôi trường tương lai này là thu hút học sinh người Việt không phân biệt tôn giáo, địa vị xã hội…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận