Những quy định "lạ" về học phí
Thông tin "định mức thu học phí năm học 2023 - 2024" được Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM công bố trong buổi sinh hoạt đầu khóa khiến sinh viên bức xúc vì mức tăng học phí khủng.
Không chỉ vậy, sinh viên còn phản ứng với những quy định "lạ" về học phí của nhà trường. Đó là việc trường đưa ra quy định "sinh viên học lại, học kéo dài phải đóng học phí với mức 950.000 đồng/tín chỉ", áp dụng với tất cả các ngành.
"Học kỳ trước trường quy định điểm liệt là dưới 3, học kỳ sau liền tăng học phí học lại, học kéo dài. Trong khi mức học phí năm học vừa qua của trường ở ngành thấp nhất là 520.000 đồng/tín chỉ. Không hiểu trường dựa vào đâu để thu học phí cao hơn như vậy?", một sinh viên thắc mắc.
Một quy định "lạ" khác của trường là sinh viên nộp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế để đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra, được miễn học môn tiếng Anh tại trường vẫn phải nộp học phí môn học này.
Sinh viên T.T.H. bức xúc: "Trường đào tạo theo tín chỉ, sinh viên nộp học phí theo số tín chỉ của từng môn học mình đăng ký. Những bạn có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không đăng ký học phần này và không học tiết nào, sao trường vẫn thu học phí?".
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thắc mắc trường đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng lại thu học phí khóa 2023 theo niên chế và không biết trường xác định mức thu từng năm ra sao…
Trường đã thông báo mức thu học phí mới
Ông Quách Thanh Hải - người phát ngôn Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho hay sau buổi đối thoại với sinh viên khó khăn và giải đáp các thông tin về học phí diễn ra cuối tuần qua, trường ra thông báo về việc thu học phí năm học 2023 - 2024 cho các khóa.
Mức thu học phí hệ chính quy bậc đại học chương trình đào tạo đại trà các khóa từ năm 2022 trở về trước thu theo tín chỉ.
Nhóm 1 (nhóm ngành khoa học xã hội - quản lý kinh doanh 125 và 140 tín chỉ) 11,75 triệu đồng/học kỳ, 752.000 đồng/tín chỉ; nhóm 2 (nhóm ngành khoa học xã hội - quản lý kinh doanh 132 và 140 tín chỉ) 11,75 triệu đồng/học kỳ, 712.000 đồng/tín chỉ;
Nhóm 3 (nhóm ngành kỹ thuật công nghệ - sản xuất chế biến) 13 triệu đồng/học kỳ, 693.000 đồng/tín chỉ; nhóm 4 (nhóm ngành kiến trúc và quy hoạch) 14,25 triệu đồng/học kỳ, 820.000 đồng/tín chỉ.
Đối với khóa 2023, thu học phí theo niên chế. Nhóm ngành 1 (chương trình 125 tín chỉ) 13 triệu đồng/học kỳ, 832.000 đồng/tín chỉ; nhóm ngành 2 (132 tín chỉ) 13 triệu đồng/học kỳ, 798.000 đồng/tín chỉ;
nhóm ngành 3 (150 tín chỉ) 14,5 triệu đồng/học kỳ, 773.000 đồng/tín chỉ; nhóm ngành 4 (155 tín chỉ) 16,25 triệu đồng/học kỳ, 944.000 đồng/tín chỉ.
Đối với chương trình đào tạo chất lượng cao các khóa trở về trước, thu học phí theo tín chỉ, trường vẫn giữ cam kết học phí không thay đổi trong thời gian đào tạo chính khóa với các mức từ 14 - 17 triệu đồng/học kỳ (800.000 - 971.000 đồng/tín chỉ).
Riêng khóa 2023 thu theo niên chế mức từ 20,8 - 26,1 triệu đồng/học kỳ (1,167 - 1,337 triệu đồng/tín chỉ), và trường không cam kết về học phí.
Tuy nhiên ông Hải cho biết thêm: "Đây vẫn là mức học phí tạm thu căn cứ theo nghị định 81 và đề án kinh tế kỹ thuật do hội đồng trường ban hành. Khi Nhà nước có thay đổi chính sách về học phí, nhà trường sẽ điều chỉnh cho phù hợp theo quy định".
Học phí học lại bằng mức thu học lần đầu
Theo ông Quách Thanh Hải, trước đây học phí học kéo dài, học lại cao hơn học phí học lần đầu đã được áp dụng từ năm 2016 - 2017… do hiệu trưởng lúc đó ban hành.
"Đối với khóa 2023, sau cuộc họp trao đổi với sinh viên, nhà trường quyết định mức học phí học lần đầu, học lại, học ngoài chương trình, học chương trình thứ hai là như nhau. Để hỗ trợ sinh viên các khóa cũ (khóa 2022 trở về trước) nhà trường cũng áp dụng tương tự như khóa 2023", ông Hải cho hay.
Ông Hải cho biết: "Việc thu học phí theo học kỳ cũng đã được trường thực hiện cách đây hơn bảy năm và thực tế những năm thu theo tín chỉ cho thấy có rất nhiều bất cập".
Không học môn tiếng Anh vẫn phải nộp học phí
Đối với sinh viên nộp chứng chỉ ngoại ngữ để được miễn học phần ngoại ngữ, theo ông Hải, quy định về chuyển học phần qua chứng chỉ ngoại ngữ sinh viên phải đóng 50% học phí đã được áp dụng từ vài năm trước. Năm 2020, một lần nữa hội đồng trường mới cũng đã thông qua nghị quyết về việc này.
"Các lớp học phần ngoại ngữ vẫn được nhà trường mở theo đúng tiến độ và kế hoạch trong chương trình đào tạo, và nhà trường vẫn phải trả chi phí cho các lớp học này. Về nguyên tắc, tất cả sinh viên phải theo học vì đây là khóa học nằm trong chương trình đào tạo.
Tuy nhiên trong thực tế, nhà trường có tạo điều kiện để một số sinh viên đã giỏi tiếng Anh được miễn học tự nguyện, và lấy chứng chỉ quốc tế để chuyển điểm. Việc giảm học phí 50% cho sinh viên là để khuyến khích sinh viên học lấy chứng chỉ quốc tế", ông Hải nói.
Trong khi đó, trong thông báo học phí mới nhất về thu học phí năm 2023 - 2024, nhà trường lại quy định đối với khóa 2023, các trường hợp quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không được miễn giảm học phí học phần ngoại ngữ. Như vậy, sinh viên không học môn này vẫn phải nộp học phí cho trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận