10/12/2019 09:15 GMT+7

Trường đại học siết liên thông đại học chính quy

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Hiện không ít trường đại học đã ngừng tuyển sinh liên thông chính quy với nhiều lý do.

Trường đại học siết liên thông đại học chính quy - Ảnh 1.

Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng là số ít sinh viên hệ cao đẳng có nhiều cơ hội liên thông - Ảnh: M.G.

Trong đó, các quy định về xác định chỉ tiêu cũng như việc tổ chức thi tuyển, xem xét chương trình đào tạo cao đẳng (CĐ) để công nhận điểm tương đương, chất lượng chưa đồng đều.

Siết, ngừng vì tuyển sinh chính quy nhiều thuận lợi hơn

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo liên thông với hai ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí và công nghệ kỹ thuật điện - điện tử của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Hai ngành này đã đạt chuẩn kiểm định ABET, sinh viên sẽ được tuyển thẳng học chương trình liên thông ĐH chính quy của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hiện nay trường chỉ cho phép thi liên thông với những sinh viên trường CĐ đã được kiểm định chất lượng bởi không ít trường ĐH vì số lượng mà tuyển vô tội vạ, liên kết khắp nơi để tuyển sinh liên thông ĐH chính quy trong khi điều đó là trái quy chế, chất lượng khó đảm bảo.

"Điểm chuẩn bậc ĐH chính quy của trường những năm qua rất cao, hầu hết trên 20 điểm. Trong khi đó, không ít trường CĐ có đầu vào thấp. Do vậy, để đảm bảo chất lượng, trường khá cẩn trọng trong việc thi liên thông ĐH, chỉ tiêu liên thông hằng năm cũng chỉ khoảng 300 để tăng tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng đầu vào" - ông Dũng nói thêm.

Ông Phùng Quán - trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng cho biết trường chỉ tuyển sinh liên thông ĐH chính quy ngành CNTT nhưng từ năm 2019 trường đã ngừng tuyển sinh CĐ ngành này nên dự kiến việc tuyển sinh liên thông sẽ ngừng khi khóa sinh viên CĐ cuối cùng của trường tốt nghiệp.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Trung Nhân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, vài năm qua trường đã ngừng tuyển sinh liên thông ĐH chính quy, chỉ còn hình thức liên thông vừa làm vừa học. 

Theo ông Nhân, quy định chỉ tiêu tuyển sinh bao gồm cả chính quy và liên thông ĐH chính quy nên dù thừa nhận nhu cầu liên thông ĐH chính quy của người học vẫn rất lớn "nhưng tuyển liên thông sẽ thêm nhiều công đoạn. 

Đầu vào tuyển sinh ĐH chính quy thì đồng nhất và chất lượng hơn so với liên thông, quá trình đào tạo xuyên suốt nên trường sẽ kiểm soát được chất lượng đầu vào - đầu ra" - ông Nhân nêu lý do.

Tương tự, ông Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM - cho biết lý do ngừng tuyển sinh liên thông chính quy của trường xuất phát từ quy định tuyển sinh của bộ. 

"Ngoài chuyện gộp chung chỉ tiêu chính quy và liên thông thì trước đây khi các trường CĐ còn thuộc Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo khá gần với chương trình ĐH, việc công nhận tương đương bảo lưu điểm khá thuận lợi. 

Hiện nay, để tuyển sinh liên thông, trường phải xem xét chương trình đào tạo của trường CĐ xem nội dung thế nào trước khi có quyết định bảo lưu điểm cho sinh viên. Do đó, trường quyết định ngừng tuyển sinh liên thông" - ông Minh nói thêm.

Nỗ lực nâng cao chương trình từ các trường cao đẳng

Ông Đỗ Văn Dũng cho biết việc công nhận tuyển thẳng sinh viên hai ngành đạt chuẩn kiểm định của Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng vừa khuyến khích các trường CĐ thực hiện kiểm định theo chuẩn quốc tế, người học được hưởng lợi, trường ĐH cũng được lợi vì đỡ mất công kiểm soát đầu vào liên thông. 

Ông Lê Đình Kha - phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - cho biết thêm bên cạnh hai ngành kể trên, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM còn công nhận kết quả học tập đã tích lũy của các sinh viên tốt nghiệp từ các ngành khác của trường. 

Hiện trường đã cung cấp chương trình đào tạo các ngành ôtô, nhiệt lạnh và công nghệ thông tin để Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đánh giá, công nhận tín chỉ, miễn môn học.

Tương tự, ông Lâm Văn Quản - hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế TP.HCM - cho hay trường đã có thỏa thuận về công nhận chương trình đào tạo với Trường ĐH Kinh tế TP.HCM với chương trình đào tạo vừa làm vừa học. Dù vậy, ông Quản đánh giá đây là một thuận lợi so với việc chưa được công nhận chương trình đào tạo.

Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng công nhận chương trình đào tạo để chấp nhận liên thông với ngành bảo dưỡng công nghiệp của Trường CĐ Quốc tế TP.HCM. Thậm chí, mới đây Trường ĐH Bách khoa còn chuyển giao chương trình, phương pháp cũng như thiết bị đào tạo ngành bảo dưỡng công nghiệp bậc CĐ cho Trường CĐ Quốc tế TP.HCM. 

Trường ĐH Bách khoa trước nay vốn không đào tạo liên thông với sinh viên ngoài trường, chỉ liên thông ĐH với sinh viên ngành bảo dưỡng công nghiệp bậc CĐ của trường. Tuy nhiên, trường ngưng tuyển sinh CĐ bảo dưỡng công nghiệp từ năm 2018.

Hiện chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp (CĐ, trung cấp) và ĐH khác nhau nên để sinh viên được công nhận tín chỉ, trường CĐ phải chủ động cung cấp chương trình đào tạo để trường ĐH xem xét. Dĩ nhiên, cũng không ít trường ĐH vì chạy theo số lượng nên việc tuyển sinh, công nhận tín chỉ dễ dàng hơn. 

Từ đó, ông Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - chia sẻ rằng do chương trình đào tạo khác nhau nên mỗi trường phải tự làm việc với trường ĐH để công nhận chương trình đào tạo. Tuy nhiên, việc xem xét chương trình đào tạo không nên cứng nhắc theo số tiết của môn học mà cần căn cứ vào lượng kiến thức của môn học đó.

"Ví dụ việc liên thông ở các nước được thực hiện theo dạng môđun, học xong CĐ làm được tới mức này, học thêm sẽ làm được thêm cái gì. Đánh giá theo cách này mới có thể có thuận lợi hơn cho các trường CĐ và người học" - ông Lý đề nghị.

Nên bỏ thi liên thông đại học?

Ở góc độ trường ĐH, ông Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng quy định liên thông ĐH của Bộ GD-ĐT đã lỗi thời. Đầu vào ĐH chính quy hiện có nơi chỉ cần xét học bạ THPT trong khi sinh viên CĐ đã có bằng về ngành nghề mình đã học lại phải thi đầu vào liên thông thì hơi vô lý và đến lúc nào đó Trường ĐH Kinh tế sẽ xin phép bỏ thi đầu vào liên thông ĐH.

"Thực tế quy định cứng hiện nay là phải thi liên thông nhưng việc thi có nghiêm túc, đào tạo có đảm bảo hay không. Tôi cho rằng quan trọng nhất là đầu ra có đạt chuẩn hay không" - ông Đương chia sẻ.

Hi hữu: thi liên thông lên đại học tại… nhà trưởng phòng giáo dục Hi hữu: thi liên thông lên đại học tại… nhà trưởng phòng giáo dục

TTO - Buổi thi liên thông lên đại học tổ chức tại nhà trưởng phòng giáo dục huyện đã bị thanh tra Sở Giáo dục - đào tạo và Phòng an ninh chính trị nội bộ tỉnh Long An kiểm tra, lập biên bản.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên