TTCT - Hầu hết các tòa nhà trong Trường đại học Hong Kong đều được đặt tên người, đó chính là tên các nhà tài trợ đã hiến tặng tiền để xây dựng nên những tòa nhà ấy. Nhưng tiền không phải là mục đích chính... Và bắt đầu thế nào cho câu chuyện Việt Nam? Các trường đại học (ĐH) lừng danh của Hoa Kỳ thường được biết đến như là chuẩn mực của sự ưu tú, có phần là nhờ nguồn lực mạnh. Một phần quan trọng trong nguồn lực ấy là từ các quỹ hiến tặng (Endowment Fund) do mọi thành phần trong xã hội, đặc biệt là cựu sinh viên, đóng góp.Trường ĐH Harvard hiện nay đứng đầu danh sách những trường có quỹ hiến tặng lớn nhất với 32,33 tỉ USD (tính đến ngày 30-6-2013), theo sau là Yale với 20 tỉ usd (1). Quỹ hiến tặng ĐH ở Hoa Kỳ đã tăng hơn 100 lần so với năm 1980, mỗi năm tăng khoảng 15%.Có thể nói, người Mỹ có một truyền thống về việc hiến tặng cho ĐH, truyền thống này nằm trong sự trưởng thành về văn hóa, ở đó người ta cho rằng đóng góp cho những hoạt động vì lợi ích công, đặc biệt là cho trường ĐH, là một cách quan trọng thể hiện sự đền đáp và biết ơn đối với những gì mình nhận được từ nhà trường, sự trân trọng đối với những gì nhà trường có thể làm cho xã hội.Các trường ĐH ở những nước khác như Vương quốc Anh, Canada, Úc cũng có quỹ hiến tặng nhưng quy mô không nổi bật như ở Hoa Kỳ.Riêng ở châu Á thì sự phát triển của các quỹ hiến tặng, nhất là hiến tặng cho ĐH, còn rất non trẻ. Ở Việt Nam thì điều này vẫn rất mới. Nhưng ở rất gần Việt Nam, một trường ĐH đã có những bước đi rất đáng chú ý.Nếu có một từ khóa cho bí quyết thành công trong hoạt động gây quỹ, thì từ đó sẽ là niềm tin. Người làm công tác gây quỹ tin vào sứ mệnh, tầm nhìn, những giá trị mà nhà trường ấp ủ, tin vào tính chính đáng trong hoạt động của mình mới có thể thuyết phục và làm cho người khác chia sẻ niềm tin chung.Lãnh đạo nhà trường cần tin người làm công tác gây quỹ, cho họ một không gian đủ rộng để thể nghiệm mọi sự sáng tạo.Ý nghĩa của việc xây dựng truyền thống hiến tặng là tạo ra ý thức thuộc về cộng đồng, thay vì phụ thuộc vào nhà nước hoặc thị trường. Phát triển Quỹ Hiến tặng ở HKUĐại học Hong Kong (HKU) vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập cách đây không lâu (1911-2011), là trường ĐH đầu tiên trên lãnh thổ Hong Kong và là trường ĐH duy nhất ở đây cho đến năm 1963. Được xây dựng trên nền tảng mô hình quản trị ĐH của Anh, tự chủ và tự do học thuật được xem là điều kiện tiên quyết, trường đã đào tạo nhiều thế hệ lãnh đạo, đã trưởng thành và lớn mạnh cùng với lịch sử, khát vọng của Hong Kong.HKU là trường định hướng nghiên cứu, có khoảng 20.000 sinh viên ĐH và sau ĐH đến từ 70 quốc gia, tỉ lệ có việc làm khi ra trường của năm 2012 là 99,7%, lương trung bình là 236.000 HKD/năm, cao nhất so với các trường khác, ở HKU 94% giảng viên có bằng tiến sĩ trở lên.Tổng ngân sách hoạt động năm 2013 là 1,015 tỉ USD, trong đó thu nhập từ các nguồn hiến tặng là 143 triệu USD (14%), còn ngân sách chính quyền cấp là 575 triệu USD (57%).Năm 1995, một quỹ phát triển HKU (tên đầy đủ là Quỹ Phát triển giáo dục và nghiên cứu) được thành lập trong vai trò một tổ chức thiện nguyện nhằm hỗ trợ HKU thực hiện ước mơ đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng địa phương và toàn cầu. Từ đó đến nay, nhiều cơ chế khác nhau đã được thực hiện rất thành công, từ quỹ học bổng dành cho những sinh viên là người đầu tiên trong gia đình đặt chân vào ĐH, các Quỹ Culture & Humanities, SERVICE 100, Centennial Campus và Centenary Scholarship…Các khoản hiến tặng có thể cho mục đích chung hoặc một mục đích cụ thể trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển cơ sở vật chất, phát triển một dự án nào đó theo ước muốn của nhà tài trợ.Năm 1995, một nhân viên của trường - cô Bernadette Tsui (hiện là trưởng đơn vị này với 45 nhân viên) được giao một công việc bán thời gian mà cô hầu như chưa có kinh nghiệm: điều hành một đơn vị chuyên trách thực hiện công tác gây quỹ cho nhà trường (phòng công tác cựu sinh viên và phát triển). Đó cũng là một công việc mà không ai khác ở Hong Kong lúc đó có kinh nghiệm.Cô Tsui gửi một lá thư kêu gọi ủng hộ cho quỹ đến hàng chục ngàn doanh nghiệp, công ty ở Hong Kong. Không một ai trả lời. Cô rút ra một kết luận: nếu chúng ta xem mình như một kẻ ăn xin thì chắc chắn người khác sẽ đối xử với mình như với một kẻ ăn xin thật sự.Đơn vị của cô Tsui lúc đó có một chuyên gia tư vấn người Canada. Ông thuyết phục cô cho người gọi điện thoại đến các đối tượng tiềm năng để nói về quỹ và kêu gọi sự đóng góp của họ. Cô Tsui chần chừ mãi đến mấy năm sau mới thực hiện, kết quả cũng có chút ít tiền ủng hộ, nhưng một người bị gọi điện phản ứng dữ dội. Cô quyết định chấm dứt cách làm này.Cô hiểu rằng những kinh nghiệm thành công ở phương Tây nhiều khi không thể có kết quả ở đây. Người châu Á không thích bị hỏi tiền và lúc đó hầu như không có ý niệm gì về việc hiến tặng cho ĐH. Cô bắt đầu một cách tiếp cận khác.Vì HKU là trường ĐH lâu đời nhất của Hong Kong, cựu sinh viên của họ rất đông và là những người thành đạt ở nhiều cương vị đa dạng trong xã hội. Cô tổ chức các sự kiện cho cựu sinh viên để họ nối kết với nhau và gắn kết với nhà trường, không hề yêu cầu đóng góp.Cựu sinh viên HKU dù ra trường bao nhiêu năm vẫn được quyền sử dụng thư viện của nhà trường và được mời tham dự những buổi diễn thuyết cho công chúng do các học giả nổi tiếng của trường trình bày về kết quả nghiên cứu của họ bằng một ngôn ngữ đơn giản mà người ngoài ngành có thể hiểu được, hay về những vấn đề cả xã hội đang quan tâm.Bằng cách đó, cô đã giúp công chúng, đặc biệt là cựu sinh viên, chia sẻ tầm nhìn của nhà trường, hiểu được ý nghĩa và những đóng góp của nhà trường cho xã hội, làm họ cảm thấy tự hào vì là cựu sinh viên của HKU và khơi dậy trong họ ý muốn giúp nhà trường làm tốt hơn nữa những công việc ấy.Một trong các sáng kiến ban đầu của cô là Chương trình hướng dẫn sinh viên HKU. Mỗi năm, đơn vị của cô làm cầu nối cho khoảng 500 đôi “Người hướng dẫn - Người được hướng dẫn”. Người hướng dẫn có thể là quản lý cao cấp của các công ty, doanh nghiệp (ban đầu chủ yếu là cựu sinh viên HKU, về sau đã mở rộng hơn), đã hiến tặng cho nhà trường thời gian quý giá của họ để giúp đỡ thế hệ sau.Người được hướng dẫn là những sinh viên có triển vọng của HKU. Mục đích của chương trình này là giúp sinh viên HKU được tiếp xúc với những người thành đạt thế hệ trước và nghe những kinh nghiệm hay chỉ bảo của họ trong công việc, sự nghiệp hay cuộc sống. Sinh viên có thể tham dự các sự kiện hay hoạt động nghề nghiệp nhờ sự hỗ trợ của người hướng dẫn để học hỏi từ thực tế.Điều này rất có ý nghĩa với sinh viên HKU, vì nhiều em xuất thân trong gia đình khó khăn. Sự đóng góp của cựu sinh viên HKU trong chương trình này không phải là tiền mà là thời gian. Họ tham gia chương trình hoàn toàn tự nguyện, không được trả tiền, nhưng sự đóng góp đó mang lại cảm giác hài lòng sâu sắc cho họ vì bản thân ý nghĩa của việc làm ấy.Điều đó cho thấy HKU không chỉ cần tiền mà cần sự đóng góp thật sự của họ dưới nhiều hình thức khác nhau để nhà trường làm tốt hơn nữa việc đào tạo các thế hệ kế tiếp. Bắt đầu từ năm 1997, đến nay chương trình đã có khoảng 500.000 giờ hướng dẫn, rất nhiều người trong số đó là CEO của các doanh nghiệp lớn, và một nửa trong số họ là cựu sinh viên.HKU đã khởi xướng chương trình Quỹ giáo dục cho người đầu tiên trong gia đình vào ĐH vào năm 2008. Khoảng 1/3 sinh viên HKU là những người từ các gia đình có mức thu nhập dưới mức trung bình của Hong Kong (thu nhập hằng tháng dưới 15.000 HKD, khoảng 2.000 USD/người), khó có điều kiện tham gia các hoạt động học tập như học kỳ trải nghiệm ở ngoài nước.Trong sáu năm, quỹ đã hỗ trợ 1.800 sinh viên, chi 18,4 triệu HKD (khoảng 2,3 triệu USD) để họ tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, trải nghiệm ở nước ngoài, học ngoại ngữ… Nhờ vậy, nhiều em đã có cơ hội mở rộng tầm mắt ra thế giới bên ngoài, cảm nhận sự biết ơn sâu sắc với cộng đồng khiến họ trở thành những người hiến tặng tích cực nhất sau khi ra trường.Trước đó, HKU đã có một cơ chế gọi là “Endowed Professorship” thành lập cách đây chín năm theo mô hình phổ biến ở phương Tây. Đó là một vị trí danh dự được trả lương cố định, thường xuyên bằng thu nhập từ một quỹ hiến tặng do cá nhân tài trợ chỉ với mục đích này, nhằm tạo điều kiện cho nhà trường thu hút những tài năng hàng đầu hoặc phát triển hoạt động nghiên cứu trong một lĩnh vực mà nhà tài trợ muốn thúc đẩy.Ở HKU, cơ chế này được bổ sung nguyên tắc đối ứng: với mỗi 10 triệu HKD tài trợ, nhà trường sẽ góp phần đối ứng 10 triệu HKD để tạo thành một quỹ 20 triệu HKD. Thu nhập hằng năm tạo ra từ quỹ này (tối thiểu là 600.000, hay 3%) dành cho người được bổ nhiệm vào vị trí này để dùng cho mục đích nghiên cứu. Vị trí này có thể được đặt tên bằng tên của nhà tài trợ hoặc tên khác do nhà tài trợ đề xuất.Được bổ nhiệm vào vị trí này là một vinh dự trong giới hàn lâm, vì vậy nhà trường có thể coi đó như một hình thức tưởng thưởng nhằm khích lệ sự ưu tú. Khởi đầu năm 2005, đến tháng 2-2014, HKU đã có được 80 vị trí như thế. Mỗi một vị trí là một khoản quà tặng lớn, đi cùng nó là một câu chuyện và những ước mơ.Thành công từ những sáng kiến đó của HKU đã truyền cảm hứng cho nhiều trường. ĐH Polytechnic của Hong Kong cũng vừa khởi động chương trình Endowed Professorship của họ năm 2013.Tiền không phải là mục đíchBernadette Tsui về sau nhận được vô số lời mời chào hấp dẫn từ những trường khác nhưng chưa bao giờ có ý định rời bỏ HKU, vì cô tin rằng sứ mạng của mình là nối kết mọi thế hệ sinh viên HKU để phục vụ cho nhà trường. Hiệu trưởng đến rồi đi, nhưng cô vẫn ở đó gần hai mươi năm và hầu như biết tất cả mọi người.Với Tsui, nếu những người hoạt động gây quỹ xem tiền là mục tiêu, và tất cả những sự kiện mà họ tổ chức là phương tiện, sớm muộn gì đối tượng của họ cũng sẽ nhận ra điều ấy. Cô hiểu rõ điều quan trọng nhất là chia sẻ tầm nhìn của nhà trường, làm cho xã hội hiểu rõ và trân trọng những giá trị của nhà trường, ý nghĩa của những đóng góp mà nhà trường đem lại cho xã hội.Tất cả vấn đề là quan hệ và uy tín, mà cả hai điều này đều là những thứ phải xây dựng qua thời gian.Dẫu Tsui có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ nhưng cô sẽ không thể làm được điều đó nếu nhà trường không thật sự có tầm nhìn, có những giá trị phải gìn giữ bằng mọi giá. Để có được sự ủng hộ của xã hội, nhà trường cần phải bảo vệ sự chính trực của mình, không thỏa hiệp với điều xấu, điều ác, sự ngu dốt và giả dối. Chỉ có như vậy mới là hiện thân của niềm hi vọng.Đằng sau Bernadette Tsui là hàng ngàn giáo sư ngày đêm miệt mài nghiên cứu, là đội ngũ lãnh đạo kiên trì theo đuổi những giá trị và mục tiêu của HKU, là lịch sử một trăm năm không khoan nhượng với bất cứ điều gì có thể hủy hoại giá trị và mục tiêu ấy.Tsui là một phần của một trường ĐH hiểu rõ rằng tài sản lớn nhất của trường là con người, điều mà vị hiệu trưởng thứ mười lăm và là hiệu trưởng đương nhiệm Peter Mathieson xác quyết: “Có một điều về nhà trường sẽ không bao giờ thay đổi, đó là tầm quan trọng của con người. Tài sản lớn lao nhất của HKU đã và sẽ mãi mãi là những con người đang làm việc ở HKU, sinh viên, cựu sinh viên và các thân hữu”.Bắt đầu thế nào cho câu chuyện của Việt Nam?Truyền thống hiến tặng chắc chắn là một nét văn hóa, liên quan đến sự trưởng thành về nhận thức, nhất là nhận thức về ĐH.Ở phương Tây và nhất là ở Hoa Kỳ, những trường hợp di tặng toàn bộ tài sản của mình cho nhà thờ hay nhà trường sau khi qua đời, thay vì để cho con cái thừa kế, không phải là quá hiếm hoi. Không phải họ không yêu thương con cái, mà do quan niệm mỗi người phải tự đứng trên đôi chân của chính mình, và hưởng những của cải không do công sức mình làm ra chẳng phải là điều gì đáng tự hào.Truyền thống đó được xây dựng trên cơ sở một xã hội có mức độ phúc lợi cao và nền giáo dục tạo ra ý thức trách nhiệm với cộng đồng từ lúc còn rất nhỏ.Trái lại, ở những nước đang phát triển, người ta dựa vào gia đình hơn là vào cộng đồng, nên ý thức về sự hiến tặng cho xã hội như một cách đền đáp những gì mình đã nhận và đóng góp cho thế hệ sau vẫn còn hạn chế.Điều đáng nói hơn là vai trò và giá trị của trường ĐH đối với xã hội còn mờ nhạt. Vẫn còn nhiều người xem trường ĐH là một trường nghề bậc cao, nơi đem lại cho họ những tri thức cần thiết và một tấm bằng để kiếm sống. Trường ĐH chưa kịp trở thành một thánh đường tri thức và văn hóa bám rễ bền chặt trong đời sống tinh thần của xã hội thì làn sóng thị trường và thương mại hóa giáo dục đã nhanh chóng biến nó thành cái chợ, nơi tất cả đều có thể mua và bán.Liệu có thể hiến tặng tài sản của mình cho một ngôi trường trong đó người thầy là thợ dạy và giám thị là các đốc công? Một ngôi trường mà người ta không từ bất cứ thủ đoạn nào để hạ nhau và giành quyền kiểm soát, mối quan tâm lớn nhất của hiệu trưởng là bảo vệ vị trí của mình? Một ngôi trường mà “nói” khác hẳn với “làm”? Người ta liệu có hiến tặng cho một ngôi trường mà điểm số và bằng cấp có thể mua bán?Một ngôi trường không có giá trị cốt lõi, không có tầm nhìn, không có khát vọng, không có ước mơ, không có những con người tận tụy dấn thân cho sứ mệnh của trường thì không thể nào là hiện thân của hi vọng và không thể nào thuyết phục được xã hội.Thách thức về cơ chếHiện nay, cơ chế hoạt động cho trường tư không vì lợi nhuận chỉ mới được ban hành theo nghị định 141 (hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục ĐH), nhưng chưa có đủ thời gian để đi vào thực tế, vì vậy hiện nay tất cả trường tư đều là các trường vì lợi nhuận. Các trường này rất khó xây dựng quỹ hiến tặng, ngoài những quỹ học bổng quy mô không đáng kể.Trong khi đó, các trường công lập lại không thể nào lập quỹ hiến tặng do không có cơ chế tài chính để tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý quỹ. Quỹ Phát triển ĐHQG TP.HCM là cơ quan duy nhất ở Việt Nam hiện nay được thành lập nhằm mục đích động viên các nguồn lực xã hội cho mục đích phát triển ĐH nhưng ảnh hưởng của quỹ trong xã hội và trong giới sinh viên vẫn còn hạn chế.Lý do chính là cơ chế nhà nước chưa khích lệ việc hiến tặng. Để xây dựng truyền thống hiến tặng, chính phủ các nước đều miễn thuế cho các khoản thu nhập dùng cho mục đích hiến tặng và tạo ra nhiều hình thức khích lệ khác như cấp kinh phí đối ứng, tức là cứ mỗi đồng hiến tặng trường quyên góp được thì nhà nước cho thêm một đồng để lập thành một quỹ cho các hoạt động của nhà trường. Hai hình thức khích lệ này chưa hề có ở Việt Nam.Bức tường lưu danh các nhà tài trợ và cả những tâm tình, gửi gắm của họ tại HKU - Ảnh: Phạm Thị Ly Khuôn viên HKU có một khoảnh sân rất đẹp, ở đó có một bức tường ghép bằng nhiều viên gạch, mỗi viên gạch là một khoản tài trợ, trên đó cựu sinh viên không chỉ khắc tên mình mà còn ghi lại kỷ niệm, tâm tình với cha mẹ, vợ con, bạn bè hoặc lòng biết ơn với một người thầy, một phương châm muốn truyền đạt cho thế hệ sau.Có người nhắn nhủ con cái: “Megan và Andrea, hãy yêu thương, chia sẻ, cho đi và quan tâm đến mọi người. Bố và mẹ của các con”. “Để tưởng nhớ và vinh danh thầy Andrew tuyệt vời của chúng em. Eleanor và Gabriel”...Mỗi viên gạch là một khoản đóng góp từ 18.000 HKD (khoảng 2.400 USD) trở lên. Trong vòng năm năm đã có 1.270 viên gạch được gắn lên tường, mang lại cho Quỹ Phát triển HKU 32 triệu HKD (khoảng 4,3 triệu USD). Mỗi viên gạch được nhà trường làm một bản sao để người đóng góp mang về nhà.(1): Nguồn: 2013 NACUBO-Commonfund Study of Endowments Tags: Đại họcHiến tặng cho đại họcTài chính cho đại họcĐại học Hồng KôngQuỹ hiến tặng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.