29/03/2019 20:38 GMT+7

Trường đại học 'có một không hai' dùng toàn ngôn ngữ ký hiệu

HÀ BÌNH (Từ Washington DC, Mỹ)
HÀ BÌNH (Từ Washington DC, Mỹ)

TTO - Trường đại học Gallaudet ở thủ đô Washington DC, Mỹ được xem là nơi có một không hai trên thế giới khi toàn bộ sinh viên, giảng viên đều dùng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.

Trường đại học có một không hai dùng toàn ngôn ngữ ký hiệu - Ảnh 1.

Sinh viên trò chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu “rôm rả” ở căngtin trường - Ảnh: HÀ BÌNH

Thú vị hơn khi trường đào tạo các ngành như những (ĐH) thông thường khác là kế toán, hóa học, sinh học, lịch sử, tiếng Anh, cho đến thiết kế nghệ thuật và truyền thông, quản trị kinh doanh, quản lý rủi ro và bảo hiểm...

"Vì lợi ích cộng đồng khiếm thính"

Cuối tháng 3, trời Washington DC lạnh buốt vào buổi sáng và gió thổi mạnh. Chiếc xe buýt chở đoàn phóng viên từ 20 quốc gia trên thế giới đến đại lộ Florida và dừng lại trong sân trường Gallaudet. Những cây mai anh đào, hoa mộc lan nở rộ hồng rực bên những tòa nhà cổ kính trầm mặc như những ĐH khác ở Mỹ. Nhưng có lẽ các phóng viên vẫn chưa biết điều bất ngờ sẽ chào đón họ.

Giữa sảnh hình cánh cung bên trong trung tâm học thuật của sinh viên, những chiếc ghế đã kê sẵn. Nữ hiệu trưởng nhà trường, bà Robert J. Bobbi Cordano, đưa tay làm ký hiệu.

Phía dưới, một nhân viên phiên dịch: "Chào mừng các bạn đến với Đại học Gallaudet. Đây là trường giữ cam kết lâu dài về nghiên cứu cho những lợi ích của cộng đồng người khiếm thính trên thế giới. Với nghĩa vụ đó, trường chuẩn bị cho sinh viên về cơ hội việc làm có sự cạnh tranh cao trong lúc công nghệ thế giới thay đổi nhanh...".

Sau phần phát biểu của bà hiệu trưởng, phóng viên Issac Aderemi Aregbesola (Nigeria) giơ tay: "Xin cho biết hiện nay trường có bao nhiêu sinh viên, nhân viên?".

"Chúng tôi hiện có 1.720 sinh viên từ 40 bang của nước Mỹ và từ 34 nước trên thế giới. Những sinh viên này từ các trường THPT khiếm thính hoặc chuyển tiếp từ CĐ. Trường hiện có 500 nhân viên là người khiếm thính hoặc gặp khó khăn về thính lực làm việc tại trường..." - thông qua phiên dịch, một nhân viên cho biết.

Sau phần chào đón, đoàn được dẫn đi thăm các phòng thí nghiệm khoa học thần kinh nhận thức do ba nữ học giả trẻ khiếm thính đang làm việc tại đây giới thiệu.

"Chúng tôi có phòng thí nghiệm bộ não và ngôn ngữ, thí nghiệm ngôn ngữ và khoa học thần kinh giáo dục, thí nghiệm hành động và bộ não, thí nghiệm số và khoa học thần kinh giáo dục... Đây là nơi các nhà nghiên cứu và sinh viên nghiên cứu về hành vi và não bộ" - một người giới thiệu bằng .

Một "không gian khiếm thính"

Trưa. Phóng viên từ Peru, Nigeria, Nam Phi... gặp các đồng hương đang học tập và làm việc tại trường. Nhóm còn lại xuống căngtin ăn trưa cùng sinh viên. Tại nhà ăn, thật thú vị khi từng nhóm sinh viên dùng ngôn ngữ ký hiệu nói chuyện "rôm rả", thỉnh thoảng các bạn còn cười phá lên.

Trong một căn phòng rộng, hai diễn giả trình bày vấn đề gì đó với cả trăm sinh viên. Ở sảnh, một nhóm sinh viên đang chụp ảnh cho một bạn nữ sinh của trường với quần jean rách gối và áo pull trắng bó sát đúng mốt. Ba bạn khác thì cầm camera quay một clip tiểu cảnh gì đó... Dĩ nhiên, tất cả diễn ra với ngôn ngữ ký hiệu bằng tay.

"Chúng tôi thiết kế không gian này sao cho thuận tiện nhất để các bạn khiếm thính sinh sống và học tập" - ông Hansel Bauman, giám đốc điều hành thiết kế "không gian khiếm thính" (deafspace), nói.

Và có lẽ vậy, các lớp học ở đây được thiết kế ngồi theo vòng cung chứ không ngồi trước - sau như lớp học ở trường khác. "Vì nếu như vậy những bạn ngồi trước không thấy được các bạn phía sau ra ký hiệu" - ông Hansel Bauman giải thích.

"Mời các anh chị theo tôi" - bạn Connor Baer điển trai với râu quai nón, đeo khuyên tai là đại sứ sinh viên trường phụ trách hướng dẫn đoàn - ra ký hiệu thông qua phiên dịch. Connor đưa mọi người đến phòng truyền thống rồi một tòa nhà khác với dòng chữ lớn ở sảnh: "Hành trình của bạn bắt đầu từ đây".

Giới thiệu qua các ngành đào tạo, Connor Baer lại đưa mọi người đến khu vực có các dãy phòng gọi điện thoại cho người khiếm thính. Phòng này được thiết kế và lập trình để khi người gọi ra ký hiệu, màn hình sẽ nhận diện và "phiên dịch" bằng giọng nói cho người nghe và ngược lại...

Xóa bỏ rào cản

"Điều tuyệt nhất tại Gallaudet là không có bất kỳ rào cản nào về giao tiếp. Tôi có thể đi bất cứ nơi đâu trong khuôn viên trường mà không phải lo lắng về ai đó sẽ giúp giải thích điều mình mong muốn với người khác" - sinh viên Pablo Gonzalez JR (học ngành giáo dục trung học và toán học từ California, Mỹ) viết trong cẩm nang giới thiệu về trường.

Từ Saudi Arabia, nam sinh viên Fahad Althayidi - học ngành truyền thông học - chia sẻ: "Tôi rời Riyadh, thủ đô của đất nước tôi, để đến ĐH Gallaudet và có những trải nghiệm thú vị. Tại đây tôi học thêm về ngôn ngữ ký hiệu của Mỹ và tiếng Anh.

Tôi cũng quen thêm nhiều bạn mới từ khắp nơi trên thế giới. Khi trở về quê nhà, tôi muốn trở thành người đóng góp thêm cho sức mạnh của cộng đồng người khiếm thính tại quê hương mình. Cùng nhau, chúng ta có thể tạo nên sự thay đổi...".

Còn bạn Stephanie Bettencourt (học ngành quản trị kinh doanh và quản lý rủi ro và bảo hiểm từ Ontario, Canada) thì cảm nhận ngắn gọn: "Gallaudet đã mở cho tôi cánh cửa đến với một hành trình thú vị".

Ngôi trường 155 năm tuổi

Theo website trường, ĐH Gallaudet là cơ sở học tập, giảng dạy và nghiên cứu cho người khiếm thính với lịch sử 155 năm. Trường do tổng thống Abraham Lincoln của Hoa Kỳ ký thành lập năm 1864 để tạo cơ hội học tập cho người khiếm thính. Trang web của trường nổi bật với dòng chữ: "Không có nơi khác như ở đây trên thế giới".

Lãnh đạo trường cho biết trường đang thu hút sinh viên quốc tế cũng như đối tác từ các nước trên thế giới để chia sẻ tài nguyên.

Trường đại học vất vả chạy theo... trí tuệ nhân tạo

TTO - Thiết kế chương trình dạy riêng, mở phòng thí nghiệm... các đại học khắp nước Mỹ đang vất vả tìm cách tốt nhất để dạy sinh viên về trí tuệ nhân tạo.

HÀ BÌNH (Từ Washington DC, Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên