Ngày 17-3, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn công bố quyết định chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại buổi này, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trao các quyết định công nhận hội đồng đại học, chủ tịch hội đồng, giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.
Vận hành không tốt có thể phát sinh cồng kềnh
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng Đại học Bách khoa Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm để hoàn thiện cơ cấu đại học nhiều cấp, với cấu trúc chặt chẽ của quản trị hiện đại.
Vì thay đổi một cái tên cũng không phải nhanh và dễ, thực tế đã mất vài năm. Nhưng thay đổi một mô hình, một định hướng, từ sự lựa chọn đến sự vận hành đầy đủ và hiệu quả là cả một khoảng cách.
"Đại học Bách khoa Hà Nội cần xác định chặng đường đổi mới của mình. Chặng đường đổi mới toàn bộ thực thể của đại học mới chỉ là đang bắt đầu.
Một đại học vận hành theo mô hình mới, với mô hình quản trị tiên tiến, đại học số, sự chuyển đổi đó cần phải được tiến hành cùng lúc và đồng bộ. Cần phải thấy hết các thách thức còn đang chờ phía trước.
Sự chuyển đổi mô hình từ trường đại học thành đại học không phải và tránh là một xu hướng "hữu đại", mà phải xem đây là công cụ để giải phóng cho sức sáng tạo từ bên trong, giải pháp cho các năng lực sáng tạo bằng một cơ chế mới. Nếu không phải vậy, sự thay đổi sẽ rất ít ý nghĩa", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Bộ trưởng Sơn cũng cảnh báo: Với mô hình đại học, các quyền hành chính tập trung ở cấp đại học. Quyền và tiếng nói chuyên môn là cơ chế vận hành của các đơn vị cấp dưới.
Nếu vận hành không tốt, nguy cơ phức tạp và chia cắt, thiếu thống nhất từ bên trong rất có thể diễn ra, hoặc phát sinh thêm sự cồng kềnh của bộ máy hành chính. Việc quản trị không tốt có thể làm thay đổi mục tiêu ban đầu của sự chuyển đổi.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết đã xác định ưu tiên đặc biệt cho việc phát triển khối ngành công nghệ và kỹ thuật.
"Tầm quan trọng của khối ngành khiến chúng ta cần phải có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, toàn diện cho hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị để đại học có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.
Tự chủ nhưng vẫn cần thiết và cần phải được tiếp tục đầu tư lớn. Đại học Bách khoa cần phải đi đầu trong việc thực hiện tự chủ.
Đại học tự chủ đầy đủ, tự chủ có chiều sâu, tự chủ trong một giai đoạn mới, vừa theo thông lệ của thế giới, vừa phù hợp với đặc điểm chính trị, xã hội, kinh tế, con người, văn hóa của Việt Nam", ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Mục tiêu thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo
Phát biểu tại sự kiện, GS Lê Anh Tuấn, chủ tịch hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định Đại học Bách khoa Hà Nội ở giai đoạn mới sẽ kiên định với tầm nhìn và mục tiêu trở thành một đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đa ngành, đa lĩnh vực, với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm sáng tạo xuất sắc của khu vực, hội tụ các học giả, trí thức trong và ngoài nước, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần phát triển và bảo vệ đất nước.
Trước đó, ngày 2-12-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1512/QĐ-TTg chuyển Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường đại học Bách khoa Hà Nội thành lập năm 1956 và trở thành một trong những trường đại học hàng đầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ.
Theo số liệu trước khi trường chuyển sang mô hình đại học, cơ sở này có 1.700 cán bộ viên chức. Tỉ lệ cán bộ giảng dạy trong toàn đại học có trình độ tiến sĩ hiện chiếm 75,5%, tỉ lệ cán bộ giảng dạy có học hàm GS, PGS chiếm 24,6%...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận