31/08/2024 05:40 GMT+7

Trường của em be bé, sân trồng lúa và rau...

Lễ khai giảng năm học mới 2024-2025 của Trường THCS Tạ Khoa (huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La) sẽ diễn ra ở nhà văn hóa bản Nhạn Nọc vì bị lũ tràn vào. Sân trường giờ như đồng ruộng.

Trường của em be bé, sân trồng lúa và rau... - Ảnh 1.

Lũ ngập trong trường quá lâu, người dân tranh thủ cấy lúa, rau muống trong sân Trường THCS Tạ Khoa - Ảnh: V.TUẤN

Sân Trường THCS Tạ Khoa hiện vẫn ngập sâu trong bùn, nước. Từ tháng 5 đến nay, trường chịu bốn trận lũ lớn.

Bùn đất từ con suối Nhạn đổ vào sân trường, toàn bộ tầng 1, khu nhà đa năng, nhà công vụ, nhà bán trú lẫn bếp ăn của nhà trường bị bùn đất vùi lấp. Đây là đợt ngập lâu nhất kể từ năm 2017 đến nay. Năm học mới, trường sẽ khai giảng ở nhà văn hóa.

Sân trường thành ruộng lúa

Khuôn viên cả nghìn mét vuông của nhà trường bị ngập quá lâu, người dân trong bản tranh thủ cấy lúa, rau muống. Trước thềm năm học mới, thầy cô đến trường dở khóc dở cười nhìn ruộng lúa tốt bời bời trong sân. Rau muống nước xanh mơn mởn, ngọn rau bò lên cửa sổ, bảng hiệu...

Lãnh đạo xã Tạ Khoa cho biết hồi tháng 5-2024, chưa kịp kết thúc năm học thầy trò Trường THCS Tạ Khoa phải nghỉ học mấy ngày vì lũ.

Trận ấy có chỗ trong sân trường nước ngập tới cổ. Xã dành những đồng kinh phí ít ỏi của địa phương vùng cao làm một chiếc cầu thang sắt bắc từ cổng trường lên thẳng tầng 2 của dãy nhà lớp học. Thầy trò dạy và học trên tầng 2, tầng 3, trong khi tầng 1 và sân trường vẫn ngập trong bùn.

Theo thầy Vũ Ngọc Tiếm - hiệu trưởng Trường THCS Tạ Khoa, năm nay nhà trường có hơn 200 học sinh, trong đó có 99 em học sinh bán trú. Khu nhà bán trú, nhà công vụ giáo viên và nhà bếp đã bị ngập.

Nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương sắp xếp để học sinh bán trú thuê trọ tạm các nhà dân trong bản.

"Chúng tôi có 55 em học sinh ở bản Sập Việt đi lại trong ngày. Còn 44 học sinh con em dân tộc Mông ở bản xa, trưởng bản đã liên hệ thuê hai nhà sàn của dân bản Nhạn Nọc cho học sinh ở, nhà trường chi tiền hỗ trợ học sinh bán trú để các em tự chi trả chi phí" - thầy Tiếm nói.

Năm học này học sinh Trường THCS Tạ Khoa học ở tầng 2, tầng 3. Số phòng học đủ nhưng môn thể chất và các hoạt động ngoài trời khác phải nhờ nhà văn hóa của bản. Sân trường ngập chưa biết bao giờ nước rút.

Điểm trường không an toàn

Ông Nguyễn Hữu Sơn - phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La - cho biết toàn huyện có 86 điểm trường có tổ chức các lớp mầm non và tiểu học. Những năm gần đây một số điểm trường bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ nặng nề, mất an toàn cho học sinh và giáo viên.

Sân trường ngập bùn, khai giảng ở nhà văn hóa - Ảnh 2.

Cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hua Nhàn dọn dẹp điểm trường chuẩn bị đón học sinh - Ảnh: V.TUẤN

Đất "há mồm" xô đổ lớp học

Điểm Trường tiểu học Đèo Chẹn thuộc Trường tiểu học Hua Nhàn (huyện Bắc Yên, Sơn La) nằm trọn trong một cung trượt lớn hàng trăm mét.

Trường nằm chênh vênh trên đèo, ở độ cao hơn 1.000m, hai bên là sườn dốc. Vài năm gần đây, phần đất điểm trường đứng chân và vài hộ dân khác xung quanh nứt toác ra, đất "há mồm" muốn xô đổ mọi thứ xuống sườn dốc cả cây số bất cứ lúc nào.

Cả dãy nhà lớp học hai tầng, bếp ăn, nhà bán trú của học sinh đã bị nghiêng ngả, nứt vỡ. Những cây cột bê tông ở khu nhà bếp nghiêng cả chục độ, khu nhà hai tầng bị "ngửa" ra phía vực có thể cảm nhận bằng mắt thường.

Thầy Nguyễn Bá Minh - hiệu trưởng Trường PTDT bán trú, tiểu học Hua Nhàn, Bắc Yên, Sơn La - cho hay hiện tượng đất bị trượt đã được phát hiện từ vài năm nay. Đến năm ngoái, nhà trường phải đưa học sinh đi "gửi" ở các điểm trường xung quanh.

"Ai cũng sợ phải ở trong khu vực điểm trường này. Thầy cô và các phụ huynh lo lắng bởi vì thiên tai đổ xuống bất cứ lúc nào không ai lường trước được. Rất lo khi thiên tai ập xuống sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của các cháu" - thầy Minh nói.

Năm học này, nhà trường và bà con quanh bản tháo khu nhà bán trú bằng khung thép chuyển xuống điểm trường Suối Thón, thuộc xã Chiềng Khoa của huyện Bắc Yên.

Các em học sinh sẽ phải đi xa hơn 2 cây số nữa về phía chân đèo nhưng được ở nhà bán trú, được học ở lớp học khác an toàn hơn.

Anh Giàng A Dê, người dân bản Suối Thón, thấy các thầy cô giáo dọn dẹp, sửa sang lớp học chuẩn bị năm học mới cũng đến giúp. Những việc nặng như chuyển đồ, dựng nhà hay lên núi sửa đường nước, A Dê và hơn chục người dân khác quanh bản nhận làm.

Chỉ vài ngày, ngôi nhà lắp ghép đã xong, bàn ghế trong lớp học được lau chùi, kê lại ngay ngắn. Vài hôm nữa, điểm trường này đón thêm 83 học sinh bán trú của điểm trường Đèo Chẹn đến học.

"Các bố mẹ đi làm cả ngày rồi! Muốn cho con mình có cái chữ thì phải gửi các thầy cô giáo. Thầy cô vừa dạy cho con mình cái chữ vừa cho nó ăn, cho chỗ ngủ, nuôi con mình. Thầy cô giáo cũng là bố mẹ của con mình!" - A Dê xúc động nói.

Phê duyệt 76 tỉ đồng xây trường học mới

HĐND tỉnh Sơn La đã có nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng các điểm trường Đèo Chẹn và Trường THCS Tạ Khoa, huyện Bắc Yên.

Theo đó, điểm trường Đèo Chẹn, thuộc Trường DTBT tiểu học Hua Nhàn sẽ được đầu tư 34 tỉ đồng. Điểm trường mới gồm một nhà lớp học 3 tầng 12 phòng, một nhà bán trú học sinh 2 tầng 16 phòng và một bếp ăn, công vụ giáo viên 3 tầng 18 phòng.

Trường THCS xã Tạ Khoa sẽ được xây mới một nhà tích hợp 3 tầng gồm 15 phòng học và phòng làm việc, 17 phòng ở bán trú học sinh và bếp ăn, 10 phòng công vụ giáo viên.

Các hạng mục phụ trợ khác là kè gia cố, cổng, tường rào, sân lát gạch, hệ thống phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải... Tổng mức đầu tư dự án khoảng 42 tỉ đồng. Thời gian thực hiện các dự án này từ cuối năm 2024 đến cuối năm 2025.

Sân trường ngập bùn, khai giảng ở nhà văn hóa - Ảnh 3.'Nhà công vụ' bằng tre nứa, lợp vỏ cây chuẩn bị lễ khai giảng ở Quảng Nam

Để ở lại dọn dẹp vệ sinh và đón con em về làng vào cuối ngày, phụ huynh Ca Dong ở điểm trường mầm non Măng Dí (xã Trà Nam, Nam Trà My, Quảng Nam) cùng nhau dựng lán trại thô sơ nằm đối diện với trường học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên