Trước thông tin Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường, đại diện Hội đồng chức danh GS nhà nước khẳng định việc làm này vi phạm quy định chung về việc công nhận chức danh GS, PGS và hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
Ngày 15-9, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Mạnh Nhị - chánh văn phòng Hội đồng chức danh GS nhà nước - cho biết khi văn bản pháp luật hiện hành chưa cho phép các trường được tự ý phong chức danh GS, PGS thì cách làm của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là vi phạm pháp luật.
“Theo quy định, việc công nhận chức danh GS phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, từ hội đồng cơ sở, hội đồng ngành và cuối cùng phải đến hội đồng chức danh GS nhà nước mới quyết định ứng viên có đủ tiêu chuẩn được công nhận GS, PGS không. Kể cả đối với những người được cơ sở giáo dục nước ngoài công nhận chức danh GS, PGS nếu muốn được công nhận và bổ nhiệm chức danh tương tự tại cơ sở giáo dục ĐH VN thì cũng phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, không thấp hơn chất lượng của ứng viên được công nhận và bổ nhiệm ở VN.
Nghĩa là ứng viên đó cũng bắt buộc phải có đủ số công trình khoa học theo quy định, trong đó có ít nhất một bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có uy tín. Một trường ĐH tự công nhận chức danh GS, PGS mà không qua các bước như vậy thì không có ý nghĩa, không có giá trị pháp lý” - ông Nhị nhấn mạnh.
Theo ông Nhị, năm 2015 chính Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã đề nghị để được thành lập hội đồng chức danh GS cơ sở tại trường, nhưng khi xem xét thì Hội đồng chức danh GS nhà nước chưa cho phép, vì trường không đáp ứng đủ tiêu chuẩn (quy định chung các trường ĐH muốn lập hội đồng chức danh GS cơ sở phải có ít nhất từ bảy GS, PGS là giảng viên cơ hữu đang công tác tại trường).
Ông Nhị còn cho biết trước đây có lãnh đạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng hai lần không đạt tiêu chuẩn chức danh PGS khi xét ở hội đồng chức danh GS ngành, nhưng sau đó trường đã tự bổ nhiệm vị này chức danh GS. Hội đồng chức danh GS ngành “hoàn toàn không đồng tình với cách làm của nhà trường”.
“Hội đồng chức danh GS nhà nước đã trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo Tổng liên đoàn Lao động VN, cơ quan chủ quản trực tiếp của Trường ĐH Tôn Đức Thắng, đề nghị tổng liên đoàn sớm có chỉ đạo nhà trường thực thi đúng văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, ngày 15-9, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - Bộ GD-ĐT cũng có văn bản yêu cầu nhà trường báo cáo về việc này” - ông Nhị nói.
Theo ông Nhị, có thể trong thời gian tới Hội đồng chức danh GS nhà nước sẽ bàn đến việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH trong việc xét, công nhận chức danh GS, PGS. Song ngay cả khi thực hiện việc xét, công nhận chức danh GS, PGS tại trường ĐH thì trước hết cũng phải giao cho các trường ĐH mạnh, đủ tiêu chuẩn về năng lực học thuật, chuyên môn...
“Hội đồng chức danh GS nhà nước rất chú trọng đến mặt bằng chất lượng quốc gia” - ông Nhị nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận