Trường THPT chuyên Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các giải bóng đá thường niên cho các đội tuyển nam và nữ giữa các khối chuyên thi đấu - Ảnh: CLB NEWS TEAM CHT
Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT. Ông Thành cho rằng nếu biến áp lực thành tích trong các trường chuyên thành động lực thì sẽ thay đổi được những bất cập hiện nay.
Đề thi thay đổi, cách học sẽ thay đổi
* Nhiều trường chuyên đang chịu áp lực thành tích giành huy chương, giải thưởng nên dồn lực vào luyện đội tuyển đi thi khiến mục tiêu "nuôi dưỡng nhân tài" đang chệch hướng. Theo ông, việc này có thể khắc phục bằng cách nào?
- Ở góc độ quản lý giáo dục, cần phải biến áp lực thành động lực. Kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp vẫn có thể duy trì nhưng để cải thiện tình trạng luyện thi, đua nhau mời thầy giỏi nơi này nơi kia về tập huấn thì cần thay đổi hướng ra đề thi.
Khi thước đo đặt ra trong kỳ thi nhằm vào đánh giá năng lực, khuyến khích khả năng sáng tạo của học sinh thì việc luyện thi sẽ ít tác dụng đi. Khi những đề thi đặt ra yêu cầu phải vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống đa dạng, sinh động của cuộc sống thì các trường chuyên sẽ phải thay đổi cách dạy học, cách bồi dưỡng học sinh năng khiếu.
Không thể chỉ cho học sinh giải bài tập hóc búa và học sinh chuyên phải được nhúng vào môi trường học tập có khả năng phát huy giá trị bản thân, tham gia các dự án học tập theo hướng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
* Nhiều ý kiến đang cho rằng nên bỏ chính sách tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Bởi việc này làm nảy sinh tiêu cực và cũng khiến các trường chuyên sa đà vào việc chạy theo thành tích. Theo ông thì thế nào?
- Mỗi chính sách đưa ra đều có hai mặt. Đúng là chính sách tuyển thẳng cũng nảy sinh những tiêu cực như dư luận đề cập. Đã có một thời gian Bộ GD-ĐT bỏ chính sách này và nhìn thấy rõ số học sinh có năng lực tham gia đội tuyển ít đi, ảnh hưởng đến chất lượng học sinh tham gia các kỳ olympic quốc tế, khu vực.
Những năm gần đây, khi các trường đại học được giao tự chủ trong tuyển sinh thì việc cho phép tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và đoạt giải olympic quốc tế, khu vực chỉ là điều kiện cần. Còn có tuyển hay không lệ thuộc vào quyết định của các trường đại học. Tùy theo đặc thù đào tạo, các trường có thể tuyển thẳng với điều kiện bổ sung như phỏng vấn, xét duyệt của hội đồng tuyển dụng trong trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Trường THPT chuyên không phải chỉ bồi dưỡng học sinh giỏi để đi thi mà phải đi đầu, trở thành mô hình giáo dục kiểu mẫu, từ đó lan tỏa ra các trường khác.
Ông Nguyễn Xuân Thành
Lan tỏa đổi mới, sáng tạo
* Nhiều hoạt động đổi mới giáo dục gần đây được triển khai mạnh mẽ ở những trường phổ thông bình thường, trong khi nhiều trường chuyên lại lạc ra ngoài dòng chảy đó, vì sao vậy?
- Đúng là các hoạt động đổi mới giáo dục, tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai ở các trường phổ thông nhiều vùng miền khác nhau. Tuy nhiên, không phải trường chuyên đứng ngoài việc này. Có nhiều sáng kiến đổi mới cách tổ chức dạy học xuất phát từ trường chuyên.
Việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục (chương trình nhà trường) cũng triển khai mạnh mẽ ở một số trường chuyên. Dĩ nhiên có những trường THPT chuyên chậm tiếp cận cái mới, đi sau các trường THPT bình thường. Tới đây, khi tổng kết đề án 10 năm phát triển trường THPT chuyên, vai trò của trường chuyên trong lộ trình đổi mới giáo dục cần được nhấn mạnh.
* Vậy để đảm nhiệm vai trò đó, theo ông, trường THPT chuyên giai đoạn tới sẽ phải thế nào?
- Người học ở trường THPT chuyên phải có động cơ học tập gắn với mục tiêu phát triển giá trị bản thân. Giáo viên dạy trường chuyên phải là những người "thạo nghề", không phải chỉ có kiến thức chuyên môn tốt, mà quan trọng hơn là biết cách tổ chức dạy học linh hoạt, có thể hỗ trợ học sinh trong việc tìm tòi, sáng tạo, phát triển tối đa năng lực cá nhân, truyền cảm hứng cho học sinh theo đuổi đam mê. Trường chuyên phải là nơi thử nghiệm, triển khai mạnh mẽ các phương pháp dạy học, đánh giá học sinh tích cực, có nguồn học liệu mở và thuận tiện cho người học truy cập, sử dụng.
Không chỉ chú ý đầu tư cho hoạt động dạy học các môn văn hóa, trường chuyên phải xây dựng môi trường giáo dục an toàn, văn minh và dân chủ, chú ý rèn cho học sinh thói quen phản biện, tăng cường tương tác trong các hoạt động học tập cũng như vui chơi, giải trí...
* Quan điểm của ông như thế nào về các đề xuất cho rằng trường chuyên nên cấu trúc lại, trong đó cần phân khúc đối tượng học sinh?
- Những học sinh tài năng đặc biệt xuất sắc cần có môi trường học tập phù hợp. Trên thực tế, trong các quy định hiện hành đã cho phép những trường hợp có năng lực đặc biệt được học trước, rút ngắn thời gian học tập so với những học sinh khác. Nhưng tới đây khi sửa quy chế hoạt động của trường THPT chuyên có thể sẽ quy định rõ hơn về việc này.
Bên cạnh đó, chương trình, cách thức tổ chức hoạt động của trường chuyên cũng sẽ mềm dẻo, linh hoạt hơn nhằm phát huy tối đa năng lực cá nhân của học sinh trong trường chuyên ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc hình thành các câu lạc bộ mà một số trường THPT chuyên đã làm sẽ được phát triển. Các câu lạc bộ này không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, hình thành các kỹ năng mềm, mà còn là nơi để học sinh tham gia các hoạt động học tập như câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, câu lạc bộ STEM, hoặc câu lạc bộ gắn liền với các môn học…
Cần có nghiên cứu về trường chuyên
Nhiều hoạt động ngoại khóa được trường chuyên tổ chức, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Trong ảnh: Nguyễn Thảo Trinh, học sinh chuyên sử địa Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, trong màn thi trình diễn áo dài tại trường - Ảnh: CLB NEWS TEAM CHT
Cuộc tranh luận về việc bỏ hoặc duy trì hệ thống trường chuyên đã nhiều lần được diễn ra, và hình như đến lúc này vẫn chưa có một nhận định xác đáng về vấn đề này. Theo dõi cuộc tranh luận, chúng tôi nhận thấy gần như tất cả ý kiến đều dựa trên suy đoán tư biện, kể cả ý kiến nơi một số người từng là học sinh trường chuyên.
Cho đến nay hình như mới chỉ có báo cáo của Bộ GD-ĐT về hệ thống trường THPT chuyên mà thôi. Trong báo cáo này, bộ cũng chỉ nói đến các loại hình trường chuyên, tỉ lệ học sinh theo học trường chuyên (chiếm khoảng 2% học sinh THPT cả nước), cơ sở vật chất, trình độ của giáo viên dạy trường chuyên, tài liệu giảng dạy trong trường chuyên và thành tích ở các cuộc thi olympic quốc tế.
Theo chúng tôi, để có một nhận định chính xác về trường chuyên thì cần phải có một nghiên cứu khoa học bài bản về "sản phẩm đầu ra" của hệ thống trường này. Nếu nói trường chuyên là cần thiết để đào tạo nhân tài cho đất nước thì cần phải có nghiên cứu xem có bao nhiêu học sinh tốt nghiệp từ trường chuyên đã thành nhân tài, họ đã có những đóng góp gì cho khoa học nói riêng cũng như cho xã hội nói chung. Có nghĩa là cần phải nghiên cứu về "hành trình" sau quá trình học THPT chuyên của họ, có bao nhiêu người đã tiếp tục theo đuổi ngành chuyên mà mình đã chọn học ở bậc phổ thông và bao nhiêu người đã theo đuổi những hướng đi khác không liên quan đến môn chuyên, ngành chuyên mà mình đã dày công học tập suốt ba năm phổ thông.
Cũng cần có nghiên cứu so sánh giữa học sinh chuyên và không chuyên sau khi ra trường. Chẳng hạn cần có so sánh về thành công trong nghề nghiệp, thành công về khoa học giữa hai nhóm. Cũng không thể bỏ qua việc nghiên cứu so sánh những kỹ năng mềm, các hiểu biết về văn hóa, xã hội, nghệ thuật… nói chung giữa hai nhóm học sinh chuyên và học sinh học chương trình không chuyên.
Theo chúng tôi, chỉ khi có những nghiên cứu khoa học về hành trình hậu trường chuyên của các học sinh trường chuyên, nghiên cứu so sánh giữa học sinh chuyên và học sinh không chuyên thì chúng ta mới có cái nhìn tương đối chính xác về đào tạo chuyên, từ đó mới có thể ra được quyết định bỏ hay duy trì hệ thống trường THPT chuyên.
LÊ MINH TIẾN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận