11/07/2020 11:33 GMT+7

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? Kỳ 2: Chuyện người trong cuộc

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG
VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG

TTO - Học sinh thế hệ 8X, 9X trải qua các trường chuyên trong giai đoạn đặc biệt khi mô hình này được mở rộng, đầu tư nhiều hơn, nhưng cũng lại bộc lộ những bất ổn cần thay đổi. Trưởng thành, họ nhìn lại và mong muốn gì ở ngôi trường mình từng học?

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? Kỳ 2: Chuyện người trong cuộc - Ảnh 1.

Không chỉ lo cạnh tranh vào các đội tuyển để đi thi học sinh giỏi, học sinh trường chuyên còn có nhiều cơ hội tham gia những hoạt động khác nhau để phát triển năng lực bản thân. Trong ảnh: học sinh Trường THPT chuyên ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Để có thành tích, giải thưởng, huy chương, học sinh trường chuyên bị cuốn vào cuộc đua phải dốc sức, đôi khi hoang mang, mất phương hướng. Nhưng xét ở mặt tích cực, môi trường này cũng mang đến những giá trị không thể phủ nhận mà các cựu học sinh đều cảm nhận được.

Anh trai tôi vẫn đùa học chuyên giống như đi tu. Vì đây là môi trường có những áp lực cạnh tranh mà để trụ lại được thì người học phải luôn rèn luyện. Điều đó làm cho mình có sức bền, ý chí. Đó là thứ sẽ khó có được nếu ở trong một môi trường không cần cố gắng, mọi thứ sẵn có xung quanh.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy

Giá trị của "chuyên"

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy, giảng viên cao cấp khoa ngôn ngữ Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội, là một Amser (học sinh Trường THPT Hà Nội Amsterdam). Anh trai của Thùy là cựu học sinh chuyên lý Trường THPT chuyên khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội. 

Thùy cho rằng cho dù nghề nghiệp sau này không liên quan tới môn chuyên đã học, nhưng "dân chuyên" chắc sẽ đều công nhận môi trường học chuyên bồi đắp cho họ khả năng tư duy tốt trong xử lý các tình huống công việc và cuộc sống. Nhiều người trong đó có năng lực sáng tạo, có đam mê và thường thành công nhờ vào lựa chọn mà họ đam mê.

Việc "chịu nhiệt" tốt là điểm chung của những học sinh học trong một môi trường có áp lực nhưng theo chị Phương Thùy, điều quan trọng hơn là trường chuyên giúp học sinh tạo ra được hứng thú. 

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thùy kể: "Thời tôi đi học, không có sách cho riêng hệ chuyên, những cái mới mẻ chúng tôi được tiếp cận đều do thầy photo từ nhiều nguồn, chuyển cho học sinh tham khảo rồi thầy trò phân tích. Chúng tôi cũng được tự do trao đổi ý kiến cá nhân. Có lẽ đó là thứ mang lại hứng thú và cũng hình thành cho chúng tôi thói quen độc lập suy nghĩ, khả năng thuyết phục, phản biện".

Bác sĩ Ngô Hải Sơn (khoa phẫu thuật hàm mặt tạo hình và thẩm mỹ Bệnh viện Việt Đức) cho rằng cái hay nhất của "chuyên" mà giờ nhìn lại vẫn thấy đúng, đó là "khi được đặt vào môi trường toàn người giỏi, bản thân mình lập tức phải khiêm tốn hơn, nhưng cũng có ý thức hơn trong việc phải nỗ lực".

Cựu học sinh chuyên này cũng cho rằng nếu học sinh chuyên khi vào trường đều chọn được đúng hướng đi mình đam mê và được khuyến khích phát triển niềm đam mê đó bằng nhiều hoạt động đa dạng thì "giá trị của chuyên" sẽ được nâng tầm hơn.

TS Đặng Trường Minh, nghiên cứu viên ở phòng thí nghiệm miễn dịch học và độc tố học chuyên thử nghiệm các sản phẩm dược phẩm tại Hamburg, học chuyên sinh. 

Anh chia sẻ dù trường chuyên có những bất cập, phải thay đổi nhưng với cá nhân anh, môi trường đó vẫn cho anh những giá trị để trưởng thành ở chính lĩnh vực mà anh chọn và theo đuổi từ thời phổ thông.

TS Đặng Trường Minh cũng từng có một "bảng thành tích" gồm giải nhất và nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 11, 12 nhưng điều anh tâm đắc nhất ở trường chuyên là "môi trường cạnh tranh tích cực, khó có thể xao nhãng nên ít chệch hướng". 

TS Minh cũng cho rằng tỉ lệ học sinh chuyên thành công cao, kể cả những người không theo đuổi lĩnh vực chuyên mà họ đã học, một phần cũng nhờ có được những kỹ năng, phẩm chất được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh cao.

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? Kỳ 2: Chuyện người trong cuộc - Ảnh 3.

Trường THPT chuyên ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội - Ảnh: MAI THƯƠNG

Không chỉ cắm đầu vào sách vở

Một cựu học sinh thế hệ sinh sau năm 2000 chia sẻ học sinh chuyên không chỉ là những người mắt kính cận 5-6 điôp, suốt ngày cắm cúi trong đống sách vở. 

"Tôi tìm thấy giá trị của mình khi thực hiện các hoạt động xã hội, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng. Khi đề xuất các dự án với ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ thầy cô giáo và nhiều thầy cô còn chung tay vào việc lan tỏa các dự án xã hội với mọi người. Nhờ vậy, học sinh được phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo, làm việc qua email... 

Dù chỉ là những điều rất nhỏ nhưng là nền tảng để bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này" - Trần Hà Linh, học sinh chuyên Anh Trường THPT chuyên Hà Tĩnh khóa 2015-2018, hiện du học ở Úc chuyên ngành marketing, nhớ lại.

Linh từng là người sáng lập của Tổ chức từ thiện và phát triển sách BONE, xây dựng tủ sách miễn phí tại các trường thuộc huyện miền núi nghèo, vùng sâu vùng xa trên địa bàn Hà Tĩnh. Từ khi đang học lớp 12 cho đến nay, Hà Linh tổ chức các trại hè nghệ thuật, trại hè phát triển kỹ năng mềm cho học sinh.

Nhiều học sinh chuyên thế hệ 8X, 9X, 10X được thụ hưởng những thay đổi của trường chuyên ở khía cạnh tích cực, năng động, tham gia nhiều hoạt động để khám phá bản thân hơn. Họ tìm thấy những giá trị nằm ngoài các tấm huy chương và cũng chính vì điều đó, họ mong muốn những thay đổi tích cực ở trường chuyên phải mạnh mẽ hơn nữa.

Phát hiện sớm, khích lệ hơn sự sáng tạo

Cần có những "phép thử" để phát hiện sớm những học sinh có năng lực đặc biệt và cũng để học sinh trước khi bước vào trường chuyên biết mình thực sự mong muốn gì, cần một cách tuyển sinh đa dạng hơn là những điều các cựu học sinh chuyên muốn chia sẻ.

TS Đặng Trường Minh cho rằng nếu muốn tuyển những học sinh có năng lực tư duy tốt, có khả năng sáng tạo thì đề thi phải mở hơn, đáp án cũng mở hơn để "chấm điểm" suy nghĩ, hướng tư duy, ý tưởng, quan điểm cá nhân chứ không phải chỉ chấm cách giải một bài khó.

"Tôi cho rằng việc tuyển sinh vào các trường chuyên, trường năng khiếu có thể xét IQ hoặc một hình thức nào đó để kiểm tra được năng lực tiềm ẩn. Điều đó phù hợp với mục tiêu và cũng tránh gia tăng làn sóng luyện thi" - TS Minh gợi ý.

Cũng liên quan tới thi đầu vào, BS Ngô Hải Sơn kể như bao bạn bè, anh không được "phát hiện hay định hướng" gì từ trước. 

Ở THCS anh học chuyên toán nhưng lên THPT, anh vào chuyên hóa chỉ vì... có bố là một TS hóa học. Và một tình trạng xảy ra ở lớp anh là có đến 50% học sinh đỗ chuyên hóa nhưng nhanh chóng chán hóa. Một số tìm kiếm lĩnh vực khác mình yêu thích, có bạn tập trung kiếm học bổng đi du học.

BS Ngô Hải Sơn cho rằng cần phải có những môi trường để phát hiện định hướng đối với học sinh có khả năng đặc biệt ngay từ bậc tiểu học, THCS chứ không phải chờ đến cuối cấp THCS mới thi vào trường chuyên chỉ vì giỏi văn, giỏi toán.

TS Đặng Trường Minh cũng cho rằng: "Ở môi trường đặt ra mục tiêu nuôi dưỡng nhân tài thì trước hết phải khuyến khích được sự sáng tạo, say mê của học sinh. Nếu chỉ rèn luyện những học sinh giỏi giải các bài tập khó nhưng không say mê, cũng không thấy ý nghĩa của việc mình làm thì công việc sau này của họ sẽ giống như bị tra tấn".

Môi trường mới mẻ

Phan Nhật Duy - cựu học sinh chuyên toán thế hệ 9X ở Trường THPT chuyên Hà Tĩnh khóa 2014-2017, từng đạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế và nhiều giải học sinh giỏi toán cấp quốc gia - kể về một môi trường học chuyên mới mẻ hơn so với thế hệ trước.

Duy kể: "Trường có những câu lạc bộ giúp học sinh phát triển các kỹ năng mềm. Ngoài lúc học, tôi còn được tham gia những đội nhóm tình nguyện tại Làng trẻ em mồ côi SOS, tổ chức từ thiện và phát triển sách".

Thấy mình thiếu hụt nhiều thứ

Tôi thuộc nhóm học sinh khi ở trường chuyên cũng lao vào học đội tuyển để đi thi, dĩ nhiên điều đó cũng có những giá trị. Nhưng sau này khi học đại học, ra nước ngoài nghiên cứu sinh và làm việc, tôi nhận ra cách "luyện gà nòi" khiến học sinh chuyên bị thiếu hụt nhiều thứ.

Có lẽ vì thế mà học sinh chuyên hay bị coi là "tồ" hơn bạn bè cùng trang lứa. Ở Đức, những đồng nghiệp quanh tôi rất giỏi chuyên môn nhưng họ cũng am hiểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Tập trung vào một môn học nhưng lại ít chú trọng phát triển những năng lực, kỹ năng cần thiết để phát triển ở chính lĩnh vực mình theo đuổi là một hạn chế cho những ai tiếp tục con đường đã lựa chọn.

TS Đặng Trường Minh (nghiên cứu viên tại Đức)

Trường chuyên nên thay đổi ra sao? Kỳ 1: Chạy theo thi học sinh giỏi Trường chuyên nên thay đổi ra sao? Kỳ 1: Chạy theo thi học sinh giỏi

TTO - Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia đang gây áp lực rất lớn cho ban giám hiệu, giáo viên và học sinh các trường chuyên...

VĨNH HÀ - MAI THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên