Phóng to |
Phòng học dư vì không có người học được Trường ĐH Yersin cải tạo làm ký túc xá - Ảnh: Mai Vinh |
- Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu để có những điều chỉnh phù hợp trong quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Dự kiến có hai điểm chính sẽ được bàn bạc sửa đổi lần này là quy định về tự chủ tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với Luật giáo dục ĐH và rà soát, điều chỉnh các chính sách ưu tiên trong tuyển sinh vào ĐH, CĐ. Theo kế hoạch, quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ mới sẽ được ban hành đầu năm 2014.
* Thời điểm này, nhiều trường khốn đốn vì không có nguồn tuyển đang nuôi hi vọng vào đề án tuyển sinh riêng đã đề xuất lên Bộ GD-ĐT. Nếu phê duyệt, bộ có e ngại thí sinh chưa sẵn sàng với một kỳ thi mới, thậm chí các em cũng không mặn mà lắm với kỳ thi thứ hai này khi phần đông các trường đề xuất tuyển sinh riêng đã cố hết sức vẫn không tuyển đủ trong kỳ thi “ba chung”?
- Thời gian qua, bộ đã nhận được đề xuất tuyển sinh riêng của 17 trường ngoài công lập (14 trường đại học và ba trường cao đẳng). Bộ cũng đề nghị các trường công lập đề xuất phương án tuyển sinh riêng từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa có trường nào đưa ra đề án cụ thể. Theo quy chế hiện hành, kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ được tổ chức một lần trong năm. Để có cơ sở pháp lý trong việc phê duyệt các đề án, bộ đang điều chỉnh quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo hướng đưa vào quy chế quy định về nội dung cần có của đề án tuyển sinh riêng và điều kiện để đề án được phê duyệt.
Năm nay, số lượng thí sinh trên điểm sàn còn tăng hơn 100.000 em so với năm ngoái, nhưng các em không đăng ký nhập học. Dễ hiểu rằng những thí sinh này sẽ không mặn mà với kỳ thi riêng. Dù là kỳ thi tuyển sinh riêng nếu được tổ chức hay kỳ thi tuyển sinh chung cũng đều dựa trên nguyên tắc: đảm bảo khách quan, công bằng, không phát sinh tiêu cực và có sự giám sát chặt chẽ của xã hội. Ngoài ra, những thay đổi liên quan đến tuyển sinh cần phải được thông báo sớm để thí sinh chuẩn bị.
* Bộ GD-ĐT đã quyết định trong vài năm tới sẽ không còn hai kỳ thi quốc gia liền kề là kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH. Theo đó, có thể sẽ không còn kỳ tuyển sinh ĐH được tổ chức như kỳ thi quốc gia hiện nay nữa. Bộ đã chuẩn bị những gì để thực hiện lộ trình này?
- Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nêu định hướng đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT và đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH, CĐ. Luật giáo dục ĐH cũng đã quy định quyền tự chủ tuyển sinh của các trường. Trên cơ sở đó, Bộ GD-ĐT đang khẩn trương xây dựng phương án thi, tuyển sinh mới. Hiện tại vẫn chưa có phương án cụ thể nào. Những thay đổi lớn trong tuyển sinh sẽ được bàn bạc kỹ càng để đảm bảo chắc chắn thành công, không tái diễn những bất cập trong quá khứ như tình trạng luyện thi tràn lan, sự không công bằng giữa các vùng miền...
Kiểm soát chặt chỉ tiêu tuyển sinh Bộ GD-ĐT đã giao quyền tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ được hai mùa tuyển sinh. Chuẩn bị tổng kết mùa tuyển sinh thứ hai thực hiện giao quyền tự chủ chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ có những bổ sung chi tiết hơn, sát tình hình hơn trong quy định xác định chỉ tiêu cho các trường. Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), cho biết: Tôi cũng nghe nói có trường tuyển giảng viên cơ hữu, sau đó lại chuyển họ thành bán cơ hữu khiến chính giảng viên nghi ngờ động cơ tuyển người chỉ để báo cáo, hợp thức hóa đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh. Phải khẳng định ngay tư duy tuyển giảng viên tạm thời chỉ để đối phó là cách làm chụp giật, không đúng với môi trường sư phạm. Muốn phát triển, không cách nào khác trường ĐH phải xây dựng đội ngũ giảng viên thật tốt, tập trung lo phát triển học thuật, chứ không thể chỉ chăm chăm tính toán bằng mọi cách sinh lời. Đúng là theo tinh thần của thông tư 57 về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, bộ chỉ dựa vào báo cáo bảng lương tháng 12 năm trước của nhà trường để tham chiếu vào cách tính chỉ tiêu tuyển sinh cho năm sau. Đến khi tuyển sinh xong, nếu có kiểm tra, bộ lại rà soát đội ngũ giảng viên có đáp ứng được quy mô sinh viên đang đào tạo hay không. Như vậy, nếu nhà trường cố tình đào thải giảng viên mới tuyển mà đến khi kiểm tra không phát hiện trường đào tạo quá năng lực thì không thể xử lý được. Song ở đây còn có hợp đồng lao động. Người được ký hợp đồng có thể kiện nhà trường nếu vi phạm những điều khoản ký kết giữa hai bên. Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu để tiến tới bổ sung những điều kiện giám sát chặt chẽ hơn, tránh kẽ hở mà một vài trường cá biệt lợi dụng để làm không đúng. |
* PGS.TSNGUYỄN VĂN NHÃ(hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Trãi): Đừng làm “nguội” nhiệt huyết
Khi đề xuất phương án tuyển sinh lên bộ, trường cũng nói rõ: nếu tuyển được 2/3 chỉ tiêu qua kỳ thi “ba chung”, chúng tôi sẽ không màng tới kỳ thi tuyển sinh riêng. Song kết quả trường chỉ tuyển sinh được 1/4 chỉ tiêu. Cho dù bộ nói nguồn tuyển dồi dào, số thí sinh trên sàn tăng thêm đến hơn 100.000 em so với năm trước, nhưng kỳ thực tình hình tuyển sinh của Trường ĐH Nguyễn Trãi nói riêng cũng như nhiều trường ĐH ngoài công lập khác quá bi đát. Với cảm nhận của một người làm giáo dục lâu năm, tôi ngầm hiểu sự chần chừ của bộ có thể kéo dài đến năm 2015, đúng như dự liệu ban đầu của bộ về đổi mới thi cử “muốn thay đổi gì cũng phải sau 2015 mới thực hiện”. Bộ GD-ĐT thận trọng là cần thiết, nhưng đừng làm các trường “nguội” lửa nhiệt huyết. Mong bộ hãy tin tưởng các trường, đồng thời thấu hiểu được nỗi khó của các trường, đừng lạnh lùng tuyên bố: không tuyển được thì đóng cửa. * TSNGUYỄN MINH CHÂU(hiệu trưởng Trường ĐH Quang Trung): Bộ chậm trễ khiến trường mệt mỏi
Năm 2013 là năm khó khăn với nhà trường khi hệ ĐH chỉ tuyển được 10-20% chỉ tiêu. Ở hệ cao đẳng, tình trạng còn thê thảm hơn khi trường chỉ tuyển được 40-50 em, bằng 1/10 so với năm ngoái. May là trường đang đào tạo tín chỉ thì còn bố trí lớp học hợp lý, chứ trường nào còn đào tạo niên chế thì làm sao giải quyết được tình cảnh thiếu thốn sinh viên như vậy? Đến thời điểm này, khó hi vọng có kỳ thi tuyển sinh riêng vào mùa xuân như bộ từng nói. Kể cả bộ cho phép ngay bây giờ, chứ chưa nói chờ đến khi thay đổi quy chế, các trường cũng chưa chắc trở tay kịp. Chuẩn bị chu đáo cho một kỳ thi tuyển sinh phải mất 5-6 tháng, chứ không phải cứ có quyết định từ bộ là làm được ngay. Sự chờ đợi đang làm lãnh đạo các trường mệt mỏi hơn bao giờ hết. Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đã nói quyết liệt đến đổi mới thi cử, nên không thể có lý do gì để chậm trễ những đổi mới tuyển sinh nữa. * Nhà vănNGUYÊN NGỌC(chủ tịch hội đồng quản trị Trường ĐH Phan Châu Trinh): Có phương án nhưng còn... chờ bộ
Trong đề án gửi đi, trường có đề xuất bộ góp ý giúp những điểm cần bổ sung hay bỏ bớt những điểm không cần thiết để đề án khả thi, nhưng chúng tôi chưa nhận được phản hồi nào từ bộ. Dù vậy, trường vẫn kỳ vọng sẽ được tuyển sinh riêng ngay đầu năm 2014 như lãnh đạo bộ đã phát biểu trong các cuộc họp với nhà trường trước đó. Để chuẩn bị tuyển sinh riêng, chúng tôi cần có quyết định của bộ trước vài tháng để quảng bá phương án của mình. Bản thân trường đã đi khảo sát một số nơi, dự kiến một vài điểm sẽ là nơi tổ chức thi. Nay biết rằng phải chờ bộ sửa quy chế xong mới xem xét quyết định cho các trường tuyển sinh riêng, tôi thấy thất vọng quá. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận