12/08/2022 10:29 GMT+7

Trường chỉ lên quận, quận nói về trường

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Tại TP.HCM, không ít trường hợp phụ huynh đã có kết quả buồn sau mùa tuyển sinh đầu cấp của con vì 'không toại nguyện'.

Trường chỉ lên quận, quận nói về trường - Ảnh 1.

Phụ huynh nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp tại Trường THCS Kim Đồng, quận 5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Một phụ huynh tại TP.HCM kể với Tuổi Trẻ về trường hợp buồn của con chị. Hai vợ chồng chị vào làm công việc phổ thông tại TP.HCM mấy năm nay và sau khi cân nhắc kỹ, gia đình dự kiến chuyển con vào học tại TP.HCM khi con học hết lớp 5 tại Hải Phòng.

Tuy vậy, khi chị đến trường gần nơi vợ chồng chị tạm trú để xin cho con vào học lớp 6 thì trường hướng dẫn gia đình lên phòng giáo dục và đào tạo quận. Khi gia đình chị lên phòng giáo dục và đào tạo quận thì lại được chỉ về trường để xin. 

"Sau một thời gian đi tới đi lui, họ nói các trường công (THCS) chỉ nhận học sinh tốt nghiệp lớp 5 từ các trường tiểu học trong quận. Như vậy, trường hợp con tôi chỉ có thể vào học trường tư. Mà trường tư thì vợ chồng tôi lấy đâu ra tiền để học" - người mẹ có con học lớp 5 này buồn bã than.

Một phụ huynh khác, gia đình đã sinh sống và làm việc tại TP.HCM nhiều năm nhưng thay đổi chỗ học cho con vì thay đổi công việc. 

"Trước đây, tôi xin con học ở một quận khác quận nơi tôi làm việc nhưng nay tôi muốn xin chuyển con về trường gần nhà vì tôi đã chuyển công việc về gần nhà. Lên gặp hiệu trưởng nhà trường thì họ không giải quyết. Họ nói trường đã hết chỗ để sắp xếp học sinh. Trong khi đó, nếu ngày trước con tôi thuộc diện đúng tuyến vào trường này", anh P. - phụ huynh của học sinh này - kể.

Trả lời Tuổi Trẻ về việc nhiều trường hợp tuyển sinh trái tuyến đầu cấp lớp 1, lớp 6 ở các quận, huyện tại TP.HCM không thể giải quyết được, ông Hồ Tấn Minh - chánh văn phòng Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết TP.HCM luôn giải quyết tất cả nhu cầu học tập của học sinh trên địa bàn TP.HCM, không phân biệt thường trú, tạm trú. 

Đối với những trường hợp trái tuyến (nhu cầu học tập không theo phân tuyến của địa phương), địa phương phải đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh trên địa bàn trước khi giải quyết các trường hợp trái tuyến.

Cũng theo ông Minh, năm học 2022-2023, dự kiến toàn thành phố tăng 21.825 học sinh, trong đó cấp tiểu học tăng nhiều nhất, tập trung tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện như: quận 12, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Do đây là khu vực đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, nên tình trạng dân số tăng cơ học cao.

"Năm ngoái, số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 343.894. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (cấp tiểu học), khiến học sinh học 2 buổi/ngày giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học. 

Hiện nay địa bàn nhiều quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp đã hạn chế phần nào công tác quản lý và chất lượng giảng dạy" - ông Minh cho biết thêm.

Phân tuyến dựa vào khoảng cách đến trường

Ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo quận Bình Tân, TP.HCM, cho biết tại quận Bình Tân, việc phân tuyến các trường tiểu học, THCS dựa vào khoảng cách nơi ở của học sinh với trường học, không phải cư trú phường nào phải học ở trường tiểu học, THCS trên địa bàn phường đó.

Ví dụ, một, hai khu phố của phường này nhưng gần với một trường ở phường khác hơn thì quận Bình Tân sẽ phân tuyến cho học sinh đang cư trú ở khu phố đó sang học ở phường khác, không học trên địa bàn phường cư trú.

Đăng ký tuyển sinh đầu cấp trái tuyến ở TP.HCM ra sao? Đăng ký tuyển sinh đầu cấp trái tuyến ở TP.HCM ra sao?

TTO - Mỗi quận, huyện tại TP.HCM đều có một kế hoạch và thời gian riêng về tuyển sinh trái tuyến đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 nhưng đều trên nguyên tắc chỉ nhận trái tuyến khi đã đủ chỗ cho học sinh trong tuyến.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên