Chúng tôi là giáo viên, giảng viên hoặc kiêm nhiệm làm việc tại các khoa của trường cao đẳng tại Đồng Nai. Tuy nhiên hiệu trưởng nhà trường chỉ ký hợp đồng thuê khoán với chúng tôi rất nhiều lần nhưng không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trong các hợp đồng thuê khoán có nội dung:
- Bên A thuê Bên B thực hiện công việc giáo viên hoặc giảng viên hoặc kiêm nhiệm. Có ghi địa điểm làm việc tại các khoa của trường cao đẳng. Thời gian thực hiện hợp đồng: 3 tháng, 4 tháng, 9 tháng, 11 tháng... Thời gian làm việc: 8 giờ/ngày, 5 ngày/tuần.
Nhiệm vụ chính: giảng dạy, kiêm nhiệm, các nhiệm vụ được phân công. Làm việc dưới sự phân công của cán bộ phụ trách khoa và lãnh đạo nhà trường.
- Đơn giá khoán gọn: 5.000.000 đ/tháng hoặc 5.300.000 đ/tháng. Được hưởng tiền thưởng các ngày lễ, Tết do hiệu trưởng phê duyệt theo kinh phí của nhà trường.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật trả lời:
Theo quy định của Bộ luật dân sự, hợp đồng thuê khoán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho thuê khoán giao tài sản cho bên thuê khoán để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ tài sản thuê khoán và bên thuê khoán có nghĩa vụ trả tiền thuê.
Đối tượng của hợp đồng thuê khoán có thể là đất đai, rừng, mặt nước chưa khai thác, gia súc, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tư liệu sản xuất khác cùng trang thiết bị cần thiết để khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Còn Bộ luật lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Như vậy, hợp đồng thuê khoán nêu trên không đúng với quy định của Bộ luật dân sự. Hợp đồng này có thể được xem là hợp đồng lao động đáp ứng quy định của Bộ luật lao động năm 2019.
Luật bảo hiểm xã hội quy định người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động.
Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng…
Các hợp đồng thuê khoán nêu trên có thể được xem là hợp đồng lao động và người làm việc theo các hợp đồng này sẽ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Luật bảo hiểm xã hội có quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng thời quy định cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 điều 17 của luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.
Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Mời bạn đọc gửi câu hỏi để được luật sư tư vấn
Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.
Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận